Trại giam Kim Sơn, thuộc Bộ Công an, đóng trên địa bàn xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, Bình Định, những ngày này nắng như đổ lửa. Đằng sau dãy hàng rào thép gai, những bức tường bê tông cốt sắt là hình ảnh một nhóm trẻ thơ đang chơi với nhau tại hành lang. Tiếng cười đùa hồn nhiên của những đứa trẻ ngây thơ ấy biến không gian nơi đây trở nên ấm áp lạ thường.
Vào tù mới biết mình mang thai
Đại úy Nguyễn Thị Hồng Ái, Đội phó Đội Hồ sơ - Giáo dục Trại giam Kim Sơn, dẫn chúng tôi đến Phân trại 2, nơi có bốn em bé dưới 36 tháng tuổi đang được nuôi dưỡng tại đây. Các bé đều có một điểm chung là vừa mở mắt đã thấy cảnh song sắt, áo sọc, chịu những thiệt thòi của tuổi thơ vì sai lầm từ người lớn. Tại thời điểm bị đưa vào trại giam để thụ án, những nữ phạm nhân không hề biết rằng trong mình đã có một sinh linh tượng hình. Họ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc phạm tội trong khi chưa được xóa án tích nên không được phép hoãn thi hành án để sinh con. Sau cánh cửa phòng giam lạnh ngắt, bức bối và chật hẹp ấy, cứ tối tối lại rủ rỉ những lời ru con ngủ ngọt ngào của các bà mẹ lầm lạc.
Nữ phạm nhân T. (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) bị kết án 18 năm vì tội mua bán trẻ em, phụ nữ qua Trung Quốc. Khi chấp hành hình phạt tù, T. không hề hay biết rằng mình đã mang thai được hai tháng. “Khi khám sức khỏe, cán bộ y tế phát hiện bụng to nên hỏi có thai không, chị ấy nói không biết, đưa xuống trung tâm y tế huyện khám thì đúng là có thai” - Đại úy Hồng Ái cho biết.
Cuộc đời của T. đã từng bị bắt nhưng do có thai nên được hoãn thi hành án, cho về để sinh con nhưng sau đó bị sẩy thai rồi trốn luôn cho đến ngày bị bắt lại. T. từng là nạn nhân của nạn buôn người và rồi từ đó trở thành thành viên của đường dây buôn người ấy. Và cô quay trở lại bản làng để thực hiện những hành vi trái pháp luật.
Những ngày đầu trong trại giam, T. đâu chỉ khóc cho sai lầm của mình, cô còn phải rơi nước mắt cho sinh linh bé nhỏ trong bụng nữa. Việc sinh con trong trại giam là một điều cô không nghĩ tới và có lẽ cũng không dám nghĩ tới. Nhưng rồi được sự giúp đỡ của các cán bộ trại giam và các nữ phạm nhân khác, T. sinh hạ một bé gái khỏe mạnh, đặt tên A., hiện 19 tháng tuổi. Như một sự an ủi của số phận, bé A. có nước da bồ quân, trông rắn rỏi, khỏe khoắn nhưng tính tình lại rất nhút nhát, hay khóc nhè và cứ bám lấy mẹ suốt.
Khác hẳn với bé A., bé H. sinh ngày cuối năm 2014, con của phạm nhân M. (thị xã An Nhơn, Bình Định) lại rất dạn dĩ. Nước da trắng bóc, bé cười luôn miệng khoe mấy chiếc răng sữa nhỏ xinh, hết nhìn rồi cười với người lạ.
M. bị kết án 18 tháng vì tội trộm cắp tài sản. Trước đó, M. đã có ba tiền án cũng vì tội trên. Ngày vào trại, M. không hề biết mình đã có thai hơn năm tháng. Cô còn ngô nghê hỏi các nữ phạm nhân khác trong phòng: “Sao bụng con có con gì cứ quậy quậy bên trong”. Khi được cho đi khám sức khỏe và biết mình có thai, M. giật mình không dám tin vì khi ấy cô mới 22 tuổi, chưa chồng, không nghề nghiệp. Thậm chí khi M. bị bắt vào tù, bạn trai của cô cũng không hay biết và càng không thể nào ngờ đến cái thai trong bụng cô.
Cùng cảnh ngộ với M. là TH (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) cũng bị án 18 năm tù vì tội trộm cắp tài sản. Kể về con đường phạm tội của mình, TH nước mắt lưng tròng: “Đến bây giờ em cũng không biết tại sao mình lại làm vậy nữa, mà trước đó em cũng đã đi tù một lần rồi đấy chứ. Vậy mà trong lúc túng bấn, lòng tham nổi lên, em lại trộm cắp”. Lần này vào tù là do TH trộm ba chiếc điện thoại trị giá 1,9 triệu đồng với 300.000 đồng tiền mặt. Do chưa được xóa án tích nên dù đang mang thai gần tám tháng, TH. vẫn phải thụ án.
Lớn nhất là bé trai D., 25 tháng tuổi, con của phạm nhân K. (huyện Phù Mỹ, Bình Định). Cuộc đời của K. khiến người nghe không khỏi rùng mình, ái ngại. Ngay từ khi còn bé, cha mẹ K. đã bỏ nhau và không ai nhận nuôi cô. Ban đầu K. sống cùng gia đình nhà nội một thời gian rồi sau đó bỏ ra ngoài, tự bươn chải kiếm sống. Lấy chồng sớm, sinh con sớm, những mong gây dựng được tổ ấm, có chỗ dựa để thêm sức mạnh dấn thân trong kiếp mưu sinh, ấy thế mà tuổi trẻ chưa kịp đi qua, vị ngọt của tình yêu chưa kịp hưởng, K. đã lại lao vào một bi kịch mới.
Chưa đầy 30 tuổi nhưng K. đã ba lần bị kết án. Trước là hai lần trộm cắp tài sản, lần này K. bị tuyên phạt tám năm tù vì tội buôn bán ma túy. K. có chồng rồi ly hôn và có tất cả bốn đứa con với bốn người đàn ông. Ngày K. vào tù, đứa con nhỏ nhất là bé D. mới 17 tháng tuổi, vì không ai nuôi dưỡng nên phải theo mẹ vào ở trong trại giam.
Đại úy Hồng Ái chơi đùa với các bé ở trại giam.
Giám thị trở thành “ông ngoại”
Trẻ con không có tội, ngay cả khi mẹ chúng phạm những tội đặc biệt nghiêm trọng thì các bé cũng có quyền được yêu thương, chăm sóc. Chúng chỉ biết theo mẹ để được yêu thương, vỗ về. Trong sâu thẳm lương tâm của những người mẹ tội lỗi ấy, họ vẫn mang theo một trái tim thương yêu, chia sẻ của tình mẫu tử.
Đại úy Hồng Ái dẫn chúng tôi đến gặp các bé, chị còn không quên mang theo quà của đơn vị cho các bé vì “ngày lễ của trẻ con, có chút quà cho các cháu mừng” - chị nói. Ngày lễ, tết, Trung thu, thậm chí là ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, ban giám thị trại giam cũng có quà gửi cho các bé và mẹ. Bé thì bộ quần áo, hộp sữa, hộp bánh, còn mẹ được nhận thêm phong bì 100.000 đồng để mua thêm những thứ cần thiết cho các con.
Vừa thấy Trung tá Lê Tấn Dư, Phó giám thị Trại giam Kim Sơn, phụ trách Phân trại 2, bé D. vội vàng chạy đến ôm “ông ngoại” rồi sà ngay vào lòng ông nghịch điện thoại. Mọi khoảng cách theo lẽ thường nhường chỗ cho tình người, lòng nhân văn sâu sắc dành cho những đứa trẻ vô tội ấy. Hơn ai hết, chính những người quản giáo nơi đây đã ghé vai vào, bằng tình thương, bằng trách nhiệm để chăm lo cho các bé.
Trung tá Dư kể sau khi phạm nhân T. sinh con, ông cứ suy nghĩ mãi về việc có nên làm đầy tháng đặt tên cho bé hay không. Theo phong tục, một đứa trẻ khi được sinh ra dù giàu hay nghèo cũng được người nhà làm cho một lễ cúng đầy tháng kính cáo với ông bà, trên trước về một thành viên mới được gia nhập vào cộng đồng. Mẹ bé tuy là phạm nhân nhưng bé sinh ra nào có tội tình gì. Ông về hỏi vợ các thủ tục cúng tế thế nào, chuẩn bị mâm cúng ra sao để sắp đặt. “Trưa đó đi làm về, thấy mâm cúng bày sẵn có đầy đủ gà, xôi, chè, trái cây, các nữ phạm nhân ôm nhau khóc ròng. Tôi đứng ra đọc bài khấn cho cháu A.” - Trung tá Dư cho hay.
Nữ quản giáo chăm đẻ chu đáo
Nhắc đến những ngày ở cữ của mình, phạm nhân M. cảm động: “Ngày tôi đi sinh có nữ quản giáo và hai nhân viên nam đi kèm dẫn xuống bệnh viện huyện để sinh. Tôi sinh thường, bé nặng 3,8 kg. Khi về đây, các cô lớn tuổi trong phòng cũng bắt tôi kiêng khem lắm, không cho rờ nước lạnh ba tháng 10 ngày. Quần áo của tôi và bé mấy cô đều giặt giúp. Cán bộ quản giáo cũng qua lại hỏi han, tạo điều kiện cho chúng tôi ở trại nuôi con. Hằng ngày cán bộ lo hết, từ cháo nấu xương bò, xương heo đến sữa, bột, quần áo...”.
Dẫu luôn dằn vặt, đã lỡ để con phải chịu thiệt thòi từ lúc lọt lòng, chào đời trong thời khắc cay đắng nhưng chứng kiến con càng lớn càng đáng yêu, K. chạnh lòng, ăn năn về những gì mình đã làm. “Chả còn cách nào bù đắp cho con nữa, ngoài việc thực hiện tốt nội quy của trại, sớm được giảm án để về với cuộc đời, về với các con” - K. cất lời, hơi thở chầm chậm khó nhọc.
Nhắc đến con gái, cả T. và M. đều bảo từ ngày sinh con ra, họ hiểu thế nào là tình mẫu tử, hứa sẽ vì con mà sống tốt hơn. “Em sắp ra tù rồi. Hằng ngày nhìn con mà em có thêm động lực sống tốt hơn. Vì con, nhất định em sẽ sống lương thiện” - T. hứa hẹn.
Theo Pháp Luật TP