Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) vừa công bố dự thảo Luật Báo chí để lấy ý kiến góp ý. Theo Bộ TT-TT, qua tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí năm 1989 và dự báo xu hướng phát triển của báo chí thời gian tới; đồng thời thể chế hóa các nguyên tắc, quan điểm của Đảng về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới, việc xây dựng Luật Báo chí lần này phải đáp ứng một số yêu cầu, như: bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí phát triển đúng định hướng, đúng pháp luật; triển khai thực hiện quy định của Hiến pháp 2013.
Thêm 35 điều mới
Dự thảo Luật Báo chí mới có 6 chương, 58 điều, trong đó có 35 điều mới, 23 điều cũ có sửa đổi, bổ sung. Những quy định mới đáng chú ý, gồm: Đối tượng áp dụng bao gồm cả những người liên quan đến hoạt động báo chí như cộng tác viên, nhân viên phát hành... Dự thảo còn quy định nghiêm cấm thông tin trên báo chí những nội dung tuyên truyền chống nhà nước, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc; kích động bạo lực, truyền bá tư tưởng phá hoại thuần phong mỹ tục; tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư cá nhân, thông tin sai sự thật, xuyên tạc lịch sử...
Về đối tượng thành lập cơ quan báo chí, dự thảo quy định một số đối tượng như cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp... Người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí không được kiêm nhiệm chức vụ đứng đầu cơ quan báo chí (ví dụ như bộ trưởng không được kiêm nhiệm tổng biên tập).
Đặc biệt, dự thảo luật thể hiện thống nhất quan điểm Việt Nam không có báo chí tư nhân. Dù vậy, dự thảo cũng quy định cơ quan báo chí được phép liên kết trong hoạt động báo chí với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết theo quy định của pháp luật sau khi được sự đồng ý của cơ quan chủ quản. Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan báo chí chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động liên kết.
Phóng viên một số báo ở TP HCM trên đường đến tác nghiệp tại đảo Trường Sa Đông, ngày 11-5 Ảnh: Duy Cường |
Thường trú phải có thẻ nhà báo
Dự thảo quy định về điều kiện hoạt động của văn phòng đại diện cơ quan báo chí, trưởng/phó văn phòng đại diện phải có thẻ nhà báo được cấp bởi cơ quan báo chí có văn phòng đại diện (không chấp nhận thẻ nhà báo được cấp bởi cơ quan báo chí khác).
Điều 26 quy định: “Phóng viên thường trú thuộc văn phòng đại diện hoặc hoạt động độc lập phải có thẻ nhà báo được cấp tại cơ quan báo chí xin đặt văn phòng đại diện hoặc cử phóng viên thường trú; không bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên trong thời hạn 1 năm, tính đến khi đề nghị đặt văn phòng đại diện hoặc cử phóng viên thường trú”.
Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú chỉ được hoạt động tại địa phương khi được chấp thuận bằng văn bản của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú.
Điều 10 dự thảo luật quy định về Hội Nhà báo Việt Nam đại diện, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo; bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ báo chí cho hội viên; giám sát việc tuân theo pháp luật, quy tắc đạo đức nghề nghiệp nhà báo; tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách thông tin - báo chí; thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật.
Nhà báo Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết dự thảo quy định rõ trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân và đạo đức của người làm báo. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến băn khoăn những quy định này thể hiện chưa được rõ, có thể dẫn đến khó áp dụng.
Đáng chú ý, trong dự luật có điều quy định về Hội Nhà báo Việt Nam cũng có ý kiến khác nhau. Người cho rằng không nên vì hội mà có luật riêng, người nói hội là tổ chức chính trị - xã hội của người làm báo Việt Nam thì quy định vào luật để người làm báo thấy rõ trách nhiệm của mình với hội và hội có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên.
Trong điều 10 có quy định “quy tắc đạo đức nghề nghiệp”. Thực tế, có không ít người làm báo ngộ nhận quá về quyền của mình dẫn đến hành xử không đúng mực, bề trên, thậm chí xem mình như tòa án rồi phán quyết vụ việc. Nhưng quy định như luật thì chưa cụ thể hóa khái niệm “đạo đức” để có thể áp dụng vào đời sống.
Điều 13 dự thảo quy định về quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân: Được thông tin qua báo chí về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới; tiếp xúc, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí và nhà báo; gửi tin, bài, ảnh và tác phẩm khác cho báo chí mà không chịu sự kiểm duyệt của tổ chức, cá nhân nào và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin.
Phát biểu ý kiến trên báo chí về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến vào việc xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; góp ý, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo theo quy định của pháp luật.
Không kiểm duyệt trước khi đăng
Dự thảo quy định báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được nhà nước bảo hộ. Tổ chức, cá nhân không được hạn chế, cản trở cơ quan báo chí, nhà báo hoạt động đúng pháp luật. Nhà nước không kiểm duyệt báo chí trước khi đăng, phát sóng.
Điều 34 nêu rõ: Nhà báo có quyền hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của Chính phủ, được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật…
Ông Mai Phan Lợi - Trưởng đại diện Văn phòng Hà Nội của Báo Pháp Luật TP HCM đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng (MEC) - cho biết Luật Báo chí năm 1989 nêu rõ: “Báo chí, nhà báo hoạt động được nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động...”.
Tuy nhiên, vẫn có địa phương xây dựng quy chế quản lý báo chí trên địa bàn, “cài” thêm chế tài tăng thẩm quyền cho địa phương (có thể buộc các văn phòng đại diện cơ quan báo chí, phóng viên thường trú ngừng hoạt động) hoặc đưa ra các điều kiện chặt chẽ hơn thông tư của Bộ TT-TT trong việc cấp phép văn phòng đại diện và phóng viên thường trú. Một số huyện, xã, khi nhà báo về làm việc vẫn đòi hỏi thêm thủ tục, giấy tờ (như đã có thẻ nhà báo còn yêu cầu cung cấp giấy giới thiệu hoặc phải xin phép qua phòng văn hóa - thông tin huyện).
Vì vậy, theo ông Lợi, dự thảo cần quy định cụ thể hơn hoạt động báo chí ở địa phương, đồng thời có chế tài xử lý cụ thể khi xâm phạm quyền tác nghiệp báo chí.
Cần phải là người có thẻ Về quy định phóng viên thường trú thuộc văn phòng đại diện hoặc hoạt động độc lập phải có thẻ nhà báo được cấp tại cơ quan báo chí xin đặt văn phòng đại diện hoặc cử phóng viên thường trú, nhà báo Hà Minh Huệ cho rằng là cần thiết vì vừa qua cũng có tình trạng nở rộ quá nhiều cơ quan, phóng viên thường trú mà việc tuyển mộ cũng chưa thật sự nghiêm túc. Tuy nhiên, các cơ quan báo chí có quyền sử dụng cộng tác viên ở khắp nơi nhưng khi đưa phóng viên về thường trú thì cần phải là người có thẻ nhà báo để bảo đảm nghiệp vụ được chuẩn mực. Theo ông Mai Phan Lợi, Hiến pháp và Bộ Luật Lao động đã quy định công dân Việt Nam đều có quyền tự do lựa chọn nơi làm việc. Vì thế, quy định trên vô hình trung đã cản trở quyền lao động của người có hộ khẩu ở địa phương. Dẫn đến Văn phòng Hà Nội của Báo Pháp Luật TP HCM sẽ không tuyển được cử nhân báo chí có hộ khẩu ở Hà Nội chỉ vì họ không có thẻ nhà báo. |
Lo không có nguồn cho quỹ hỗ trợ
Một điểm mới khác của dự thảo Luật Báo chí là điều 7 - Quỹ Hỗ trợ phát triển báo chí. Theo đó, Quỹ Hỗ trợ phát triển báo chí là tổ chức tài chính nhà nước, trực thuộc Bộ TT-TT, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Nguồn tài chính của quỹ gồm hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; tài trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các nguồn hợp pháp khác... Nhà báo Hà Minh Huệ đánh giá Quỹ Hỗ trợ phát triển báo chí quy định như dự luật đúng là cần thiết để có nguồn hỗ trợ báo chí hoạt động tốt hơn và nguồn là từ ngân sách và xã hội hóa từ bên ngoài. Nhưng thảo luận về vấn đề này, một cán bộ của Văn phòng Chính phủ cho biết thực trạng rằng Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh thành lập nhiều năm nay nhưng chẳng có đồng nào nên liệu Quỹ Hỗ trợ phát triển có cùng cảnh ngộ. “Quy định có tính tích cực như vậy nhưng cũng phải tính đến tính khả thi. Hơn nữa, quy hoạch báo chí đang xây dựng đặt thẳng là báo chí phải tự chủ thu - chi, vậy thì cơ quan nào sẽ được quỹ này hỗ trợ, tại sao được hỗ trợ, hỗ trợ bao nhiêu? Nếu không làm rõ thì sẽ xảy ra bất đồng” - ông Huệ băn khoăn. |
Theo NLĐ