Hôm thứ Sáu (22/5), Trung Quốc phát thông điệp tỏ ra cực kỳ khó chịu sau khi một máy bay do thám của Mỹ bay trên một khu vực ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang cho cải tạo trái phép các hòn đảo nhân tạo. Nước này còn kêu gọi Washington dừng lại các hành động có thể gây ra các mối nguy bất ngờ.
Chuyến tuần tra không quân của Mỹ trở thành một sự kiện bất thường do Lầu Năm Góc quyết định mời một nhóm phóng viên của hãng tin CNN lên chiếc máy bay giám sát Poseidon. CNN đưa tin hải quân Trung Quốc đã phát hành 8 cảnh báo khi máy bay bay quanh khu vực biển đang xảy ra tranh chấp.
Ảnh chụp từ video của CNN ghi lại hiện trạng cải tạo Đá Vành Khăn mà Trung Quốc đang thực hiện. Ảnh: Reuters. |
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định quan điểm của nước này, cho rằng việc Trung Quốc phát cảnh báo “đuổi” máy bay là phù hợp với các quy định liên quan; cho rằng hành động của Mỹ là đe doạ an ninh đối với Trung Quốc.
“Trung Quốc sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ các khu vực có liên quan; sẽ có những biện pháp cần thiết và phù hợp để tránh gây tổn hại đến sự an toàn của các đảo và bãi ngầm của Trung Quốc cũng như bất kỳ các sự cố nào trên biển và trên không”, ông Hồng Lỗi tuyên bố.
Một phát ngôn viên Lầu Năm Góc gọi chuyến bay của Mỹ là sứ mệnh “quen thuộc” nó “diễn ra cách vài ngày một lần”. Đại tá Steve Warren cho biết P-8 không hề bay vào vùng giới hạn lãnh thổ 12 dặm mà Trung Quốc tự đặt ra đối với các hòn đảo đang cải tạo. Tuy nhiên, ông nói điều đó có thể xảy ra trong tương lai.
“Chúng tôi không công nhận bất cứ điều gì về những hòn đảo khác hơn việc nó thuộc không phận quốc tế”, ông Warren nói, “Việc chúng tôi bay qua đó, chúng tôi sẽ không xem đó là sự thay đổi trong cách mà chúng tôi vẫn tiến hành. Chỉ đơn giản là chúng tôi đã không bay qua khu vực đó trong 20 năm qua mà thôi".
Lập trường của Mỹ phản ánh thực tế là họ không công nhận giới hạn lãnh thổ mà Trung Quốc tự vẽ ra với các đảo đang được khai hoang. Washington chỉ không muốn để vấn đề leo thang một cách không cần thiết, vị đại tá ở Lầu Năm Góc nói.
Washington đang tìm mọi cách ngăn cản việc Trung Quốc đang cải tạo các đảo và bãi ngầm với quy mô và tốc độ “chưa từng có”. Nhà ngoại giao cấp cao Mỹ về các vấn đề Đông Nam Á, Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel, nói với các phóng viên hôm thứ Năm (21/5) rằng quyết định đưa nhóm phóng viên truyền hình lên máy bay Poseidon là vì lợi ích của “sự minh bạch”.
Ông cho biết các chuyến bay do thám của Mỹ "hoàn toàn phù hợp" và lực lượng hải quân Mỹ cùng các máy bay quân sự sẽ "tiếp tục thực hiện đầy đủ" quyền hoạt động trong vùng biển và không phận quốc tế trên Biển Đông.
Lầu Năm Góc tin rằng, việc Trung Quốc cải tạo các hòn đảo nhằm củng cố yêu sách đối với hầu hết vùng Biển Đông – một tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng và được cho là có trữ lượng năng lượng đáng kể và ngư trường phong phú.
Washington cũng đặc biệt lo ngại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc chồng chéo với các nước trong khu vực có thể gây khó khăn và hạn chế sự di chuyển tự do của tàu và máy bay trên các vùng thuộc hải phận và không phận quốc tế.
Thứ trưởng Ngoại giao mỹ Antony Blinken hôm thứ Năm cũng khẳng định, việc cải tạo đảo của Trung Quốc đã phá hoại tự do và sự ổn định, leo thang căng thẳng và thậm chí có thể dẫn đến xung đột trong khu vực.
Về phía Trung Quốc, nước này coi các chuyến bay của Mỹ là “khiêu khích” và tuyên bố sẽ “chuẩn bị các biện pháp” để đối phó lại với Washington.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới.
Theo Infonet