Chỉ khi thật sự sống hòa nhập với thế giới của những người làm nghề giúp việc, ngồi ăn với họ bữa cơm, uống cùng họ ly nước, rồi nghe họ tâm sự chuyện đời, chuyện nghề mới nhận ra những gì mình đọc, mình nghe mới là một nửa của sự thật.
Osin bị ông chủ gạ tình
14 năm lên thành phố làm giúp việc đủ để chị Nguyễn Thị Thúy quê Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội thấu hiểu những vất vả, oan trái và cả những rủi ro của nghề. Chị Thúy bảo: “Làm nghề gì cũng đổ mồ hôi sôi nước mắt mới kiếm được đồng tiền nhưng có làm ôsin lâu mới biết những tủi nhục khi làm ra đồng tiền, mới thấm bao tiếng thị phi từ miệng lưỡi người đời”.
Nghĩ về quãng thời gian đi làm giúp việc, chị Thúy không quên được chuyện bị ông chủ gạ tình. Năm 2001, mới từ quê ra Hà Nội và cũng là lần đầu đi giúp việc, chị được một gia đình trên phố Trần Khát Chân, Hai Bà Trưng, Hà Nội thuê về chăm sóc bà cụ bị liệt. Gia đình này rất khá giả và có người con trai tuy tuổi đã cao mà không chịu lấy vợ.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Hôm đó, chị đang dọn dẹp nhà cửa thì anh này bước vào nói với chị rằng hãy sinh cho anh ta một đứa con, rồi anh ta hứa hẹn sẽ trả cho chị 20 triệu đồng, mua xe máy, thuê cho một nhà trọ tử tế và sắm đồ dùng tiện nghi cho. Anh ta không chỉ đề cập đến chuyện này một, hai lần mà rất nhiều lần. Ngày ấy, nghe những lời như thế chị rất sợ. Sau đó chị đã phải bỏ giúp việc cho nhà anh ta.
Nghề ôsin vừa làm, vừa ăn, ở nhà chủ nên nảy sinh lắm chuyện phức tạp. Chị Thúy có người bạn cũng đi làm ôsin rồi bị ông chủ 70 tuổi ép làm cho có bầu. Bà vợ biết chuyện chồng già tằng tịu nên đánh ghen ghê gớm, chửi rủa, mắng nhiếc ôsin đến sống dở, chết dở. Mãi sau, chị này sinh được đứa con trai, ông chồng muốn nhận vì nhà chỉ có 4 đứa con gái đều đã đi lấy chồng. Bà vợ ban đầu nhất quyết không đồng ý, bắt phải đi kiểm tra ADN, làm khó đủ đường bà mới cho đón đứa con về nuôi.
“Giờ đúng là có những ôsin trẻ thấy chủ giàu có là sinh ra tính xấu nào là trộm cắp, làm việc không tận tâm rồi thì đong đưa, cưa cẩm ông chủ. Nhưng ở đâu cũng có người này người khác, tôi đi làm lâu năm không phải không biết nhiều người nói về những người giúp việc chúng tôi rất ác cảm", chị Thúy nói thêm.
Nỗi niềm ôsin
Giúp việc cho một gia đình mở phủ xem bói ở Xuân Đỉnh, Hà Nội, chị Đặng Thị Vinh quê ở Phú Thọ kể chuyện nghề của mình mà nét mặt chùng xuống.
Hàng ngày, ngoài những công việc mà một ôsin phải làm chị Vinh còn kiêm luôn việc hương khói trên điện thờ, viết sớ, sắp lễ cho khách rồi chuyện trò giữ khách cho chủ. Công việc vất vả gấp đôi ôsin nhà khác nhưng lương tháng chị nhận được chẳng được bằng người ta. Ngày mới làm chị chỉ được 7 trăm nghìn đồng một tháng rồi tăng lên 9 trăm nghìn, 1 triệu rưỡi rồi 2 triệu rưỡi là cao nhất. Làm vất vả lương thấp đã đành, suốt 5 năm đi giúp việc cho gia đình đó chị phải chịu đựng nhiều oan ức.
Buổi chiều hôm ấy, chị đang sắp sửa cơm nước ở dưới bếp thì bà chủ gọi lên hỏi có phải chị đã lấy tiền trên ban thờ không? (Vì hầu đồng nên ban thờ nhà chủ lúc nào cũng để cúng một xấp tiền to).
Chị Vinh tuy rằng gia cảnh nghèo khó, phải tha hương cầu thực nhưng chưa bao giờ chị nghĩ đến việc lấy của ai bất cứ cái gì dù là nhỏ nhất. Ấy vậy mà bà chủ chẳng cho chị nói một lời cứ thế mắng chửi chị xa xả: “Mày ăn ở bất nhân, bất nghĩa, tao thuê mày làm, cho ăn, cho ở mà mày dám ăn trộm, ăn cắp của nhà tao. Mày lấy được của tao một đồng thì mày phải gánh ốm đau, bệnh tật, tai ương, tai họa cho nhà tao gấp trăm gấp nghìn lần". Bao lời lăng mạ, xỉ vả cứ thế bà chủ ném vào chị. Không phải chỉ một như thế mà hễ lần nào mất mát gì là chủ nhà đều đổ tội cho chị đầu tiên.
“Oan ức lắm, lúc ấy chỉ biết quỳ xuống vừa khóc vừa phân trần, mà nào ai nghe. Rồi sau bà chủ bí mật lắp máy quay theo dõi mới biết đứa cháu trai thỉnh thoảng sang lấy trộm tiền đi chơi. Nghĩ tủi thân lắm, mình bỏ nhà, bỏ cửa, để lại con cái ở quê chẳng ai chăm lên thành phố làm thuê cho nhà người ta để đổi lấy đồng tiền chân chính mà nhiều lúc thấy cay đắng quá”, chị Vinh chua chát nói.
Làm giúp việc cho gia đình Việt là vậy, những tưởng ôsin cho người nước ngoài sẽ khá hơn nhưng tìm hiều mới biết trăm người, trăm cảnh.
Chị Hương quê ở Thanh Hóa từng làm giúp việc nhiều năm ở Đài Loan, khi về nước với vốn tiếng Trung và kinh nghiệm làm việc, chị ra Hà Nội xin giúp việc theo giờ cho một gia đình Trung Quốc sống ở khu đô thị Ciputra. Công việc tuy không quá vất vả, được trả lương cao đến 6 triệu một tháng nhưng gặp phải bà chủ đáo để, khó tính nên chị cũng chịu không ít thiệt thòi.
Đến đúng giờ, về đúng lúc, nếu làm thiếu giờ sẽ bị trừ lương, làm việc phải cẩn thận, đến nơi đến chốn và lúc nào cũng có camera giám sát. Những ngày đầu, làm xong đến đâu chủ kiểm tra đến đấy, họ còn lấy tay quệt xem còn dính tí bụi nào không.
“Làm cho người nước ngoài không tình cảm như làm cho người Việt Nam. Làm cho gia đình Trung Quốc ấy cũng lâu rồi, mình đến làm gặp họ đang ăn uống với nhau nhưng chưa bao giờ họ mời một ngụm nước, ăn một cái kẹo. Nhớ mãi lần mẹ đẻ tôi mất, mấy tuần chịu tang tôi không ra làm được, bà chủ gọi chửi trong điện thoại rằng: “Tao bỏ tiền ra thuê mày, mày làm được thì làm không làm được thì tao thuê người khác, tao không cần loại ôsin vô kỷ luật như mày”.
Đi ôsin cũng may - rủi, hên - xui. Người may thì gặp được gia đình tử tế, tốt bụng, không thì vào gia đình không tốt chứ chẳng ai biết tội đâu mà tránh, biết phúc đâu mà tìm, thôi thì số mình được thế nào thì chấp nhận thế, chị Hương chia sẻ.
Nhu cầu sử dụng người giúp việc ngày càng tăng trong xã hội, nên chăng cần chuyên nghiệp hóa nghề này và cần có những quy định về quyền lợi và trách nhiệm đối với những người làm công việc này. Để những người làm công việc này được bảo vệ và được nói lên tiếng nói của mình khi cần thiết. Bởi thực tế hiện nay cho thấy, ôsin đang là người phải chịu thiệt thòi nhiều hơn khi xảy ra những mâu thuẫn, bất đồng với chủ thuê.
Theo Afamily