Người trong cuộc nói gì việc 'nhượng' chồng giá 50 triệu đồng?

Chủ nhật, 24/05/2015, 07:57
Mặc dù đã có gia đình nhưng ông Thương vẫn có quan hệ ngoài luồng với một phụ nữ.

Sau đó, ông Thương, vợ và người tình của ông Thương thương lượng thỏa thuận: “Người vợ cho chồng mình chung sống hẳn với nhân tình thì được “đối thủ" đưa 50 triệu đồng”.

Thế nhưng, sau 2 năm, ông Thương bỏ đi biệt, cô nhân tình bèn khởi kiện đòi lại tiền. Phiên tòa sơ thẩm buộc phải trả lại 50 triệu đồng cùng khoản lãi phát sinh nên người vợ ông Thương vừa kháng cáo bản án. Câu chuyện tình tay ba khá hy hữu, ly kỳ này xảy ra ở xã Phú Thuận (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang).

Diễn biến vụ kiện

Hồ sơ vụ kiện cho thấy, ông Trần Văn Thương (SN 1967, ngụ ấp Phú Tây, xã Phú Thuận) chung sống với bà Bùi Thị Nhị (SN 1972, ngụ xã Phú Thuận) có 3 con chung. Năm 2010, ông Thương đến làm thầu cất nhà cho bà Bùi Thị Hiền (SN 1969, ngụ xã Phú Thuận; sống độc thân). Sau đó, ông Thương và bà Hiền nảy sinh tình cảm. Bà Nhị biết chuyện nên nhiều lần đến bắt ghen.

Bà Nhị đang trao đổi cùng PV.

Khi gặp bà Nhị, bà Hiền thú nhận muốn chung sống với ông Thương. Trong khi đó, ông Thương gây áp lực buộc vợ cho mình tiếp tục qua lại với người tình. Bất ngờ sau đó, bà Hiền tìm gặp bà Nhị thương lượng: “Nếu “nhường” lại chồng, để ông Thương qua sống hẳn với mình thì bà ta sẽ “đưa” bà Nhị 50 triệu đồng".

Biết không thể giữ chồng và cần tiền nuôi con, chăm sóc mẹ già nên bà Nhị đồng ý. Cả 3 người gồm ông Thương, bà Nhị, bà Hiền cùng làm và ký tên vào tờ thỏa thuận, trong đó có nội dung:

“Ngày 24/5/2010 âm lịch, tôi Bùi Thị Nhị đồng ý cho chồng tôi là Trần Văn Thương sống cùng chung với chị Bùi Thị Hiền ngụ tại… Nay chúng tôi làm tờ thỏa thuận này để làm bằng chứng. Kể từ nay không ai xúc phạm tới ai”. Từ đó, ông Thương ở hẳn bên nhà bà Hiền. Hai năm sau, ông Thương không còn chung sống với bà Hiền nữa nên bà Hiền tìm gặp bà Nhị đòi lại 50 triệu đồng.

Giấy thoả thuận giữa bà Nhị và bà Hiền.

UBND xã hòa giải 3 lần ông Thương đều lánh mặt, còn bà Nhị khai trước đây mình không hề hỏi mượn gì cả, việc bà Hiền đưa cho 50 triệu đồng là phụ tiếp mình nuôi con, nuôi mẹ chồng để mình chấp thuận… giao chồng cho bà này. Sau đó bà Hiền khởi kiện ra tòa đòi tiền.

Vào ngày 28/6/2013 tại TAND huyện Thoại Sơn, ông Thương lãnh trách nhiệm và cam kết trả lại 50 triệu đồng cho người tình dứt điểm trong 60 ngày. Nguyên đơn chấp thuận, rút yêu cầu khởi kiện nên tòa quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Vài tháng sau bà Nhị cũng xin ly hôn, tòa tuyên không công nhận bà Nhị và ông Thương là vợ chồng.

Thế nhưng, quá thời hạn cam kết mà người tình cũ không trả tiền, bà Hiền lại khởi kiện yêu cầu bà Nhị và ông Thương trả 50 triệu đồng. Bà Hiền đưa ra tờ thỏa thuận có dòng chữ “cho chị Bùi Thị Nhị mượn với số tiền mặt là 50 triệu đồng thời hạn 1 năm”, trong đó chữ “mượn”, số “1” và vài chỗ có dấu sửa, được tô đậm lên.

Căn cứ vào đó bà Hiền quả quyết mình cho mượn tiền để… được chung sống với người tình, chứ không phải bỏ tiền ra để… mua chồng. TAND huyện Thoại Sơn thụ lý vụ kiện tranh chấp hợp đồng vay tài sản.

TAND huyện Thoại Sơn căn cứ tờ thỏa thuận này và việc hai bên thừa nhận có đưa tiền, nhận tiền nên buộc bà Nhị và ông Thương có trách nhiệm trả 50 triệu đồng cùng tiền lãi phát sinh hơn 11 triệu đồng. Bà Nhị cho rằng tòa xử không đúng nên kháng cáo toàn bộ nội dung bản án. Trong đơn kháng cáo, bà Nhị cho rằng bà Hiền tự nguyện cho tiền mà tòa thụ lý vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản là không đúng.

Bà Nhị cũng viện dẫn trước đó vào ngày 28/6/2013 tại tòa, ông Thương nhận trách nhiệm trả tiền và đã được bà Hiền đồng ý nên bà này không còn điều kiện khởi kiện yêu cầu mình phải trả nợ. Mặt khác, tòa căn cứ tờ thỏa thuận có nhiều chỗ sửa chữa, có viết thêm chữ “mượn” và người ký làm chứng lại không có mặt để buộc phải trả lại tiền là thiếu căn cứ.

“Chồng đã phản bội tôi”

Để làm rõ thêm thông tin về vụ việc, PV có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị Nhị.

Bà có thể chia sẻ một số tin tức liên quan tới bản thân và gia đình mình?

Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình sống bằng làm nghề nông, có 8 anh chị em. Mặc dù là con thứ 6 trong gia đình, nhưng do cuộc sống quá khó khăn nên tôi không được ăn học đến, đến chốn. Lớn lên, tôi sống cùng mẹ cha tại địa phương, phụ giúp việc bán quán nước giải khát tại nhà.

Cũng từ môi trường này mà tôi quen biết với ông Thương rồi cả 2 phát sinh tình cảm yêu đương. Thấy chúng tôi thật lòng đến với nhau, đến tuổi trưởng thành, cả 2 gia đình tác hợp thành nghĩa vợ tình chồng.

Khi về chung sống, vợ chồng bà có hạnh phúc không? Chồng bà là người thế nào?

Lúc ấy, tôi chỉ biết ông Thương có nghề thợ mộc, nói năng lịch sự. Được làm vợ ông Phương, tôi rất hạnh phúc. Chồng tôi là người có trách nhiệm, hết mực yêu thương vợ. Năm tháng hạnh phúc bên nhau, chúng tôi lần lượt có 3 đứa con. Có thêm miệng ăn, chồng tôi chuyển sang làm nghề thầu xây dựng. Còn tôi thì ở nhà chăm sóc các con nhỏ và phụng dưỡng mẹ chồng là bà Đoàn Thị Q. (SN 1930).

Nhưng kể từ đây, chồng tôi có nhiều biểu hiện khác thường, đi sớm về khuya, cộng thêm nguồn dư luận xầm xì, về mối quan hệ ngoài luồng với người đàn bà 2 con đã thôi chồng ở cùng xã tên là Bùi Thị Hiền.

Bà đã có hành động gì khi phát hiện chồng ngoại tình?

Tôi không tin chồng tôi đã phản bội, nhưng thiên hạ cứ đồn ầm lên. Sau đó, tôi có nhiều lần gặng hỏi về việc trên nhưng chồng tôi cứ chối phăng. Rồi một hôm ông Thương thú nhận là giữa bà Hiền với ông Phương có tình cảm và không thể chia lìa. Thế rồi ông Thương nan nỉ tôi xin được “qua lại” với bà Hiền.

Sau đó, ông Thương liên tục gây áp lực, chửi bới, đánh đập tôi để được sống với người tình. Quá bức xúc, tôi cùng họ hàng kéo đến nhà bà Hiền hỏi cho ra lẽ thì bà Hiền cũng thú nhận chuyện tình cảm này, nên tôi có dùng tát vào mặt bà Hiền.

Kể từ đây cuộc sống bà thế nào? Gia đình, họ hàng có khuyên ngăn chồng bà không?

Sau khi tôi tát bà Hiền, thì chồng tôi bỏ nhà đi cả tuần, sang sống với bà ấy. Mấy ngày sau đó, tôi nhận được điện của bà Hiền, với nguyện vọng muốn được chung sống với chồng tôi.

Đổi lại bà Hiền sẽ “giúp đỡ” tôi 50 triệu đồng để lo con nhỏ và chăm sóc mẹ già. Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, tôi đồng ý, và bà Hiền cũng giao tiền cho tôi 2 lần, tổng cộng là 50 triệu đồng. Giao đợt một là 20 triệu, ngày 24/5/2010, giao tiền đợt hai là 30 triệu đồng. Khi nhận tiền, chúng tôi cũng có làm giấy ký tên, nhưng tờ giấy này hiện tôi không có giữ.

Bà Hiền bức xúc trước thông tin đồn thổi sai sự thật.

Gia đình, họ hàng và các con tôi phản đối quyết liệt tình cảm giữa chồng tôi với bà Hiền, nhưng họ vẫn bỏ ngoài tai và đến ở luôn với nhau. Đến ngày 22/7/2013, tôi gửi đơn đến TAND huyện Thoại Sơn xin ly hôn và được toà chấp thuận.

Kể từ đó, chồng tôi phó thác mọi việc cho tôi, từ việc chăm lo các con nhỏ, gia đình chỉ mình tôi gánh vác. Tháng 4/2015 thì mẹ chồng tôi qua đời, nhưng anh ấy vẫn không có trách nhiệm.

Vậy mà nhiều người lại cho rằng, số tiền 50 triệu là tiền bà bán chồng. Bên cạnh đó, dư luận cũng nhiều nguồn dư luận trái chiều nhận định số tiền trên là tiền bà vay mượn. Sự thật thế nào thưa bà?

Hoàn toàn không có chuyện đó, chỉ là dư luận, số tiền 50 triệu mà bà Hiền giao cho tôi là tiền bà ta tự nguyện giúp đỡ cho gia đình tôi, để lo cho các con nhỏ và mẹ già, chứ tôi không có mượn tiền của họ.

“Chỉ là mối quan hệ bình thường”

Để có thêm thông tin đa chiều, PV tìm đến nhà bà Bùi Thị Hiền. Tại đây, PV có cuộc trao đổi chi tiết với người phụ nữ này.

Trước dư luận đang dậy sóng cho rằng bà bỏ tiền 50 triệu để mua chồng, rồi giờ đòi lại? Vậy dư luận này là thế nào, thưa bà?

Giữa tôi và ông Thương chỉ là mối quan hệ bình thường. Ông ấy là thầu xây dựng, tôi thuê ông ấy làm nhà, tiền bạc luôn sòng phẳng. Không có chuyện mua chồng ở đây.

Bởi tình cảm luôn đến từ 2 phía, là rung động của trái tim, tình yêu không thể đề cập đến bạc tiền như mua và bán. Đó chỉ là dư luận, hoàn toàn không có cơ sở và ông ấy chưa từng chung sống với tôi. Còn trong tờ thoả thuận này có đoạn “tôi đồng ý cho chồng tôi là Trần Văn Thương sống cùng chung với chị Bùi Thị Hiền...” là do lời của bà Nhị yêu cầu tôi phải viết như vậy.

Trước vụ việc lùm xùm này, thì trước đó giữa bà với vợ chồng ông Thương thế nào?

Tôi không hiểu cớ sự nào mà bà Nhị kéo đến nhà tôi hơn chục người rồi xông vào nhà hành hung tôi. Sự việc này cũng được chính quyền địa lập biên bản xử phạt hành chính, tôi bị đánh mà cũng bị phạt 750 ngàn đồng. Lúc tôi bị đánh, bà Nhị quả quyết tôi có quan hệ với chồng bà ấy rồi còn doạ sẽ tiếp tục hành hung tôi.

Lo sợ ảnh hưởng đến tính mạng nên tôi mới chọn cách cho bà Nhị mượn 50 triệu đồng như lời đề nghị trước đó của bà này. Đổi lấy sự yên thân nên tôi không còn cách khác, tiền cho mượn thì tôi phải đòi, đến hạn trả thu hồi không được nên tôi khởi kiện.

Bà nhận định như thế nào trước luồng dư luận này?

Tôi rất buồn, bởi mọi người chỉ nhìn nhận một phía, chưa khách quan, thực tế. Tôi cũng là người phụ nữ, từng có một đời chồng và 2 con, thấm thía sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình nên tình cảm giữa tôi và Thương hoàn toàn không có thực.

Hàng ngày, tôi chỉ biết làm việc kiếm tiền nuôi con, riêng việc cho bà Nhị mượn nợ thì tôi phải đòi bằng được. Nếu tôi cho, tặng, biếu số tiền trên là một trường hợp khác. Vậy mà bà Nhị cứ bêu xấu, xúc phạm tôi khắp hàng xóm láng giềng. Hành vi này tôi không thể chấp nhận được.

Bỏ đi khỏi địa phương

Trước sự việc hy hữu này, PV nhiều lần tìm gặp ông Trần Văn Thương nhưng bất thành. Người dân địa phương cho biết ông Thương đã bỏ đi nơi khác sinh sống. Lâu nay, ông Thương cũng không còn liên hệ gì với bà Nhị và bà Hiền

Địa phương nhiều lần tổ chức hòa giải

Ông Trần văn Đáo (cán bộ bộ tư pháp UBND xã Phú Thuận) cho biết: “Việc liên quan đến bà Bùi Thị Hiền và vợ chồng ông Trần Văn Thương thì chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức hoà giải, giải thích cho họ thấu đáo”.

Việc làm rất nguy hiểm

Chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình (Giám đốc trung tâm đào tạo và phát triển kỹ năng trẻ TP.HCM) cho biết tin tức: “Xét ở góc độ tâm lý, tất cả các thành viên trong câu chuyện đều có tâm lý chung là muốn giải quyết vụ việc bằng tiền. Tuy nhiên, lấy giá trị vật chất để đánh đổi giá trị tinh thần đều là những việc làm nguy hiểm. Việc bà Hiền và bà Nhị thỏa thuận với nhau nhằm đánh đổi ông Thương bằng 50 triệu đồng là hoàn toàn đi ngược với giá trị đạo đức. Không chỉ thế, việc làm này còn đe dọa đến nhận thức thế hệ trẻ về một sự lệch lạc giá trị nhận thức. Nếu xã hội không phản đối gay gắt thì tương lai, giá trị vật chất sẽ được giới trẻ đưa ra để đánh đổi giá trị tinh thần”.

Tờ thỏa thuận... giao chồng

Luật sư Lê Văn Sơn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho hay: “Cơ sở nguyên đơn khởi kiện, được tòa xem xét là tờ thỏa thuận... giao chồng. Trong đó ghi nội dung bà Nhị đồng ý cho chồng mình sống chung với bà Hiền thì bà Hiền đưa tiền, cho nên đây là một giao dịch có điều kiện. Bà Nhị khẳng định bà Hiền tự nguyện cho tiền để mình... giao chồng. Trong khi tờ thỏa thuận bà Hiền đưa ra lúc khởi kiện ra tòa có chữ mượn 50 triệu đồng thời hạn 1 năm, nhưng những chữ này có dấu sửa và không xác định được viết vào thời điểm nào.

Có phải viết thêm sau này hay lúc cả 3 vừa thương lượng xong? Với lại xem xét vụ việc, xem kỹ tờ thỏa thuận cho thấy yếu tố “cho mượn” rất thấp mà tòa tuyên buộc phía bị đơn phải trả lại tiền cùng lãi phát sinh là chưa khách quan, không đúng. Bên cạnh đó, đây là quan hệ trao đổi, đổi chác, người chồng là... tài sản giao dịch. Còn nếu có chữ “mượn” thì đây là một quan hệ hợp đồng vay tài sản, mà người chồng là... tài sản thế chấp. Có điều tài sản thế chấp này khó giữ, khó xử lý, không thể... kê biên, định giá để thi hành án”.

Chuyện nhảm nhí

Tiến sỹ Trương Văn Vỹ (chuyên gia nguyên cứu xã hội học Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) cho biết: “Tôi cho rằng vụ việc là chuyện vô cùng nhảm nhí. Xưa nay, vợ chồng ở với nhau dựa trên tình thương yêu, nghĩa vợ chồng, còn ở đây bà Hiền chỉ dựa vào tiền, cụ thể là số tiền 50 triệu đồng để “mua” chồng thì thật phi lý. Vợ chồng đến với nhau phải được pháp luật chấp nhận, còn trường hợp của bà Hiền là trái với đạo đức, luật pháp. Không chỉ thế, qua tình tiết vụ việc cho thấy đồng tiền đã can thiệp quá thô bạo vào giá trị đạo đức, khiến cho giá trị đạo đức bị băng hoại, xuống cấp”.

Theo Người Đưa Tin

Các tin cũ hơn