Thời gian gần đây, khi Trung Quốc ráo riết đẩy mạnh việc ồ ạt lấp biển để biến những bãi ngầm ở quần đảo Trường Sa mà họ chiếm đóng trái phép vào những năm 1988, 1995 thành các hòn đảo nhân tạo khổng lồ với âm mưu xây dựng “chuỗi căn cứ quân sự trên biển”, tùy tiện vạch ra lãnh hải 12 hải lý xung quanh chúng… học giả Trung Quốc, ông Lý Lệnh Hoa đã liên tiếp viết bài phê phán mạnh mẽ cách làm sai trái đó, chỉ rõ hành động của Trung Quốc trên biển hiện nay đang đi ngược lại lợi ích của chính Trung Quốc, gây nên tình trạng bất ổn trong khu vực.
Thật ấu trĩ, nực cười
Trong bài “Cần phải làm dịu cục diện căng thẳng trên Nam Hải” đăng trên diễn đàn mạng Sina.com ngày 16/5, ông Lý Lệnh Hoa phê phán: “Hiện nay một số quan chức và học giả Trung Quốc đưa ra luận điệu chỉ xem xét chủ quyền lãnh thổ, chăm chăm bảo vệ cái gọi là chủ quyền lãnh thổ đảo bãi, thật là ấu trĩ, nực cười. Mặt khác, đến nay vẫn có các nhân vật có quyền uy nêu lên cái gọi là “quần đảo Nam Sa và vùng biển phụ cận” mơ hồ và thiếu hàm nghĩa pháp luật”.
Ông chỉ rõ: “Trong nước (Trung Quốc) hiện có một số học giả, thậm chí chuyên gia quân sự đến nay vẫn nhấn mạnh “tính hợp lý hợp pháp” của cái gọi là “Đường 9 đoạn” lịch sử, coi nó là đường biên giới biển của Trung Quốc, cần phải bảo vệ.v.v. Đó là lối suy nghĩ không có lý tính, vừa không thể giải quyết được vấn đề tranh chấp, vừa không đem lại lợi ích thực sự và an ninh lâu dài cho Trung Quốc”. Ông khẳng định: cái gọi là “Đường 9 đoạn” không có bất cứ tác dụng gì trong đàm phán phân định biên giới biển!
Trong bài báo nhan đề “Trung Quốc cần sớm giải quyết vấn đề biên giới trên biển” đăng ngày 17/5, ông Lý Lệnh Hoa viết: “Trung Quốc cần sớm giải quyết vấn đề biên giới trên biển giống như biên giới trên đất liền. Chiến lược “nhất đới nhất lộ” (tức Con đường tơ lụa trên đất liền và Con đường tơ lụa trên biển-TP) do Trung Quốc đề ra cần phải có một hoàn cảnh quốc tế tốt đẹp. Muốn Đông Hải và Nam Hải (tức biển Hoa Đông và biển Đông, theo cách gọi của Trung Quốc- TP) trở thành vùng biển hòa bình, hợp tác và hữu nghị không chỉ là nói suông mà được, mà cần phải có chính sách đúng đắn và tỉnh táo. Phải đứng trên cao mới nhìn được xa…”.
Ông phê phán: “Tình trạng ầm ĩ hiện nay do hoạt động lấp biển tạo đảo (của Trung Quốc) gây nên là rất không nên có…”. Ông cho rằng Trung Quốc cần quan tâm đến việc phân định biên giới trên biển giống như phân định biên giới trên bộ. Ông lưu ý: “Từ đầu năm nay Trung Quốc và Hàn Quốc đã bắt đầu đàm phán chính thức về biên giới trên biển. Tháng 4 năm nay, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc, hai bên đã thỏa thuận kiểm soát các bất đồng trên biển, bày tỏ nỗ lực làm tốt công tác đàm phán phân định ranh giới trên biển phía Nam cửa Vịnh Bắc Bộ. Đó đều là những việc cần thiết và phù hợp”.
Phê phán luận điệu sai trái của báo chí Trung Quốc
Ông Lý Lệnh Hoa mạnh mẽ phê phán những luận điệu sai trái liên tục xuất hiện trên “Thời báo Hoàn cầu” thời gian gần đây. Ông viết: “Một số bài viết của một số nhà báo trên trang nhất “Thời báo Hoàn cầu” đưa ra các quan điểm của các chuyên gia, học giả thường thiếu kiến thức cơ bản về luật quốc tế, đặc biệt là UNLOS 1982, đưa ra những kiến giải không đúng về xác định điểm cơ bản, đường cơ bản của lãnh hải, về lý luận phân định ranh giới biển.
Các bài xã luận của ban biên tập trên mục “Diễn đàn quốc tế” của báo này thường khẳng định cái gọi là “Đường 9 đoạn” lịch sử trên Nam Hải (biển Đông), đưa ra những luận điểm sai trái, mơ hồ về địa vị pháp luật và phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của các đảo, bãi ngầm nhỏ. Cách làm đó chỉ tổ gây nên tác dụng kiểu “đổ dầu dập lửa”, gây nên ảnh hưởng trái chiều nghiêm trọng đến việc phân định biên giới trên biển, đặc biệt là với cuộc đàm phán hoạch định ranh giới cửa Vịnh Bắc Bộ mà hai nước Trung-Việt đang tiến hành, cần phải nghiêm khắc phê phán”.
Ông Lý Lệnh Hoa nhấn mạnh: Trung Quốc và các nước ven biển Đông đều là các quốc gia ký UNLOS 1982, việc giải quyết tranh chấp cần phải căn cứ vào tinh thần và các điều khoản của Công ước này; cần phải đề xướng kết hợp đàm phán song phương kết hợp đa phương; nếu không, công tác phân định biên giới biển của Trung Quốc cứ kéo dài không biết đến khi nào mới giải quyết được.
Trong bài báo nhan đề “Bàn về việc quan chức Trung Quốc cần phải học tập sâu sắc UNLOS 1982” đăng ngày 21/5, học giả Lý Lệnh Hoa đã phê phán mạnh mẽ quan điểm, thái độ hai mặt của một số học giả, quan chức Trung Quốc về UNLOS 1982 như Dị Tôn Lương - Vụ phó biên giới và các vấn đề hải dương Bộ Ngoại giao, Ngô Sỹ Tồn - Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải.
Những người này trong khi khẳng định ý nghĩa, tác dụng quan trọng của UNLOS 1982 trong việc khai thác, sử dụng đại dương, xây dựng trật tự biển công bằng, hợp lý; lại đồng thời khẳng định về cái gọi là “Đường 9 đoạn” lịch sử phi pháp, không được quốc tế công nhận.
Đối với Ngô Sỹ Tồn, ông Lý Lệnh Hoa phê phán: “là Viện trưởng nghiên cứu Nam Hải, nhưng ông ta luôn khẳng định về cái gọi là “Đường 9 đoạn” lịch sử; từ trước đến nay không chịu khó học và tìm hiểu về tinh thần và các điều khoản của UNLOS 1982; không hiểu điểm cơ bản, đường cơ bản của lãnh hải được xác định như thế nào; không hiểu, không biết về lý luận và thực tiễn phân định biên giới biển trên quốc tế hiện nay. Ông ta đã hạ thấp UNLOS 1982 khiến người nước ngoài phải lên tiếng.
Cụ thể ông Clive Schofield, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu tài nguyên và an ninh biển Australia, chuyên gia về phân định biên giới biển quốc tế đã phê phán: đường cơ bản dùng để xác định chiều rộng lãnh hải và là khởi điểm để thực thi UNLOS 1982, nhưng ngay phát biểu của Ngô Sỹ Tồn về hoạch định đường cơ bản cũng gây nên tranh cãi.
Học giả Lý Lệnh Hoa cũng phê phán việc Trung Quốc lẩn tránh việc đối diện với vụ kiện của Philippines về tranh chấp chủ quyền biển. Ông cho rằng, mặc dù Trung Quốc không chấp nhận phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế nhưng tòa án vẫn cứ tiếp tục trình tự xét xử. Cự tuyệt đối diện Philippines trước tòa, Trung Quốc đã tự đánh mất cơ hội để nói rõ lập trường của mình, đó là điều rất đáng tiếc.
Ông Lý Lệnh Hoa, cựu chuyên viên nghiên cứu thuộc Trung tâm Thông tin Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc, nhà nghiên cứu nổi tiếng về luật biển của Trung Quốc. |