Chiến lược 'vệt dầu loang' ở Trung Quốc và những thành phố ma

Chủ nhật, 24/05/2015, 13:53
Cũng giống như một con tàu cao tốc đang chạy với tốc độ quá cao, thì đột ngột hãm phanh cũng đồng nghĩa với thảm họa. Và Trung Quốc ở thời điểm hiện tại đang đối mặt với thảm họa thực sự. Và dễ thấy nhất về thảm họa ấy, lại đang là những thành phố ma ở Trung Quốc.
Một thành phố ma tại Trung Quốc (Ảnh: TL)
Đó không phải là một tiêu đề của một cuốn tiểu thuyết kinh dị vốn đang ngày càng được ưa chuộng trong xã hội Trung Quốc, mà đang là một thực trạng đáng báo động thực sự của nền kinh tế thứ hai thế giới. Đã có quá nhiều người nói về việc kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại và thậm chí là có tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1990, nhưng không nhiều người nhìn nhận được hậu quả thực sự của sự giảm tốc đột ngột này.
Cũng giống như một con tàu cao tốc đang chạy với tốc độ quá cao, thì đột ngột hãm phanh cũng đồng nghĩa với thảm họa. Và Trung Quốc ở thời điểm hiện tại đang đối mặt với thảm họa thực sự. Và dễ thấy nhất về thảm họa ấy, lại đang là những thành phố ma ở Trung Quốc.
Trong suốt ba thập kỷ qua, quãng thời gian mà Trung Quốc đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế kỷ lục, rất nhiều người đã ví quốc gia này như một con tàu cao tốc khổng lồ. Sự ví von đó về một phương diện nhất định là chính xác. Sự ví von này cũng chính xác kể cả ở thái cực ngược lại, đó là khi kinh tế Trung Quốc đình trệ.
Một con tàu cao tốc đang chạy quá nhanh phải phanh gấp cũng đồng nghĩa với thảm họa. Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại, và nó cũng có nghĩa là nền kinh tế thứ hai thế giới này đang phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng.
Đó là nợ công cao, sức tiêu thụ nội địa giảm, các doanh nghiệp phải giảm quy mô hoạt động và thậm chí là phá sản hàng loạt. Nhưng tất cả những điều đó vẫn chỉ hiển thị qua những con số trong những bản báo cáo và bảng thống kê. Nếu phải đánh giá một cách trực quan nhất, thì không gì có thể trở thành dẫn chứng cho những hậu quả ấy rõ ràng như những thành phố ma ở nước này.
Nhiều người đã biết đến sự tồn tại của những thị trấn ma ở Trung Quốc, những thị trấn vắng vẻ chỉ có sự hiện diện của những ông bà già do gần như tất cả con cái họ đã lên thành phố tìm việc làm. Nhưng dù sao những thị trấn ma này ít nhất vẫn còn có sức sống. Còn những thành phố ma ở Trung Quốc thì không.
Đó là những thành phố và khu đô thị được xây dựng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, nhưng đã bị bỏ hoang vì nhiều lý do. Có thể do chủ đầu tư không đủ tài chính thực hiện nốt dự án, hoặc là những dự án ma được dựng lên bởi những kẻ lừa đảo để moi tiền của khách hàng. Nhưng lý do chủ yếu nhất là việc các tập đoàn xây dựng đã thiếu sự tính toán khi xây dựng các đô thị và thành phố này. Họ đã dự đoán sai hướng phát triển hoặc thời gian phát triển của nền kinh tế nội địa Trung Quốc.
Sở dĩ như thế, là vì cách tư duy chiến lược để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế ở Trung Quốc. Công thức để tối ưu tốc độ phát triển kinh tế ở quốc gia này là, dự đoán được tiềm năng tăng trưởng tại các địa phương để có sự chuẩn bị trước. Đó là lý do có rất nhiều những thành phố mới mọc lên ở Trung Quốc trong một thời gian ngắn kỷ lục.
Các thành phố này không hình thành từ sự quần tụ dân cư một cách tự nhiên, mà là kết quả của việc tính toán chiến lược phát triển, theo đó những thành phố và khu đô thị sẽ được xây dựng sẵn để hút người lao động đến sinh sống. Các thành phố có quy mô lên tới cả triệu dân vì thế sẽ được xây dựng sẵn và sau đó sẽ dần được lấp đầy bởi những người di cư, người lao động.
Trong một thời gian ngắn, chính sách này đã tạo được những thành công lớn. Chiến lược phát triển theo lối vệt dầu loang ở Trung Quốc bắt nguồn từ những thành phố duyên hải miền Đông cho phép Bắc Kinh dự đoán được những khu vực phát triển lân cận kế tiếp. Các thành phố mới mọc lên lần lượt hướng về phía Tây và đi sâu vào trong lục địa.
Đến thời điểm này, nhìn thấy sự béo bở và hấp dẫn từ việc xây dựng những thành phố và khu đô thị kiểu này đã lôi kéo những tập đoàn bất động sản lớn nhất của Trung Quốc vào cuộc. Đa phần các thành phố và khu đô thị mới này được lấy từ đất nông nghiệp vốn có giá thành thấp, và sau đó sẽ được đội lên gấp nhiều lần sau khi các khu đô thị được hình thành.
Và để thu hút sự chú ý và tăng cường sức hấp dẫn, hầu như mỗi khu đô thị mới này đều được xây dựng một công trình làm biểu tượng, và thường là mô phỏng các công trình nổi tiếng trên thế giới. Dễ dàng tìm thấy những bức ảnh chụp những thành phố mới xây ở Trung Quốc với những công trình như tháp Eiffel, tòa nhà chọc trời ở Manhattan hay tháp đồng hồ Big Ben.
Nhưng tất cả đã sụp đổ sau khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Bất động sản có lẽ sẽ là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Hầu như không ai có thể tính toán được việc kinh tế nước này giảm tốc lại diễn ra ở thời điểm hiện tại, nên cho tới tận năm 2014 vẫn có rất nhiều các dự án bất động sản quy mô được triển khai.
Và cũng như tất cả các nền kinh tế mới nổi khác, bất động sản ở Trung Quốc bị thổi lên một mặt bằng giá quá cao. Và khi nền kinh tế xẹp xuống thì quả bong bóng bất động sản vỡ. Trong số các tập đoàn lớn nhất Trung Quốc phá sản và có nguy cơ bị phá sản từ đầu năm 2015 đến nay, thì các tập đoàn kinh doanh bất động sản chiếm đa số.
Kẻ xấu số đầu tiên là tập đoàn bất động sản Kaisa khi đã chính thức nộp đơn xin phá sản, và kẻ xấu số tiếp theo có vẻ như sẽ là Ordos Huayan với khoản nợ lên tới 1,2 tỉ Nhân dân tệ. Khu đô thị Ordos của tập đoàn này cũng đang nằm trong danh sách 10 thành phố ma lớn nhất Trung Quốc, khi gần như không có một bóng người lai vãng ở thành phố trị giá hàng trăm triệu nhân dân tệ này.
Sự thiếu tính toán, và lòng tham, vì thế đang khiến Trung Quốc mất đi một phần không nhỏ nguồn lực của nền kinh tế đang bị giam trong các dự án bất động sản. Những gì đang diễn ra ở Trung Quốc khiến chúng ta nhớ lại những gì diễn ra ở Mỹ năm 2007, khi thị trường bất động sản bị đẩy giá lên quá cao và hệ thống ngân hàng cũng nhảy vào cuộc chơi đã khiến cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ nổ ra, dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu chỉ một năm sau đó.
Các thành phố ma ở Trung Quốc cũng đang là giới hạn của sự phát triển kinh tế theo lối vệt dầu loang tiến về phía Tây ở nước này. Chỉ đến khi nào kinh tế Trung Quốc đủ mạnh để tiếp tục phát triển về phía Tây thì những thành phố ma này mới có thể được sử dụng. Còn ở thời điểm hiện tại, nó chỉ đơn giản là một biểu tượng cho sự thiếu cẩn trọng và lòng tham của người Trung Quốc mà thôi.
Theo Motthegioi.vn

Các tin cũ hơn