Nếu vài năm trước, xu hướng báo chí đa phương tiện hay còn gọi là báo chí hội tụ được coi là hot thì nay xu thế này đã trở nên lạc hậu. Hiện nay, nói đến báo chí phải là báo chí đa nền tảng... Đó là chia sẻ của nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) tại buổi tọa đàm "Báo chí đang thay đổi: Chiến lược truyền thông cũng đổi thay", được tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Thời của báo chí đa nền tảng
Nếu báo in suy thoái nhường chỗ cho báo điện tử thì nay báo điện tử lại tiếp tục gặp "hạn" trước áp lực cạnh tranh của mạng xã hội. Năm 2014, doanh thu quảng cáo trực tuyến là 51 tỷ USD thì riêng thị phần của 5 hãng truyền thông lớn sở hữu những mạng xã hội (Google, Facebook, Yahoo, Microsoft và AOL) đã chiếm tới 30,5 tỷ USD. Trong đó Facebook nổi lên là một "kẻ ngáng đường" vô cùng khó chịu và mạng xã hội này liên tiếp gặt hái những thành công, đồng thời cũng khiến xu hướng báo chí có sự thay đổi đáng kể.
Theo nhà báo Lê Quốc Minh, nghiên cứu báo chí quốc tế và đặc biệt là báo chí Mỹ cùng với Bắc Âu (2 nền báo chí tự do này có sự tương đồng) thì những xu hướng này thường sẽ xảy ra ở Việt Nam khoảng 5-7 năm sau đó và thời gian gần đây những xu hướng ấy đến nhanh hơn.
Báo chí truyền thông cùng với công nghệ đang biến đổi rất nhanh do ảnh hưởng của mạng xã hội. Nếu hôm nay anh là đỉnh cao, ngày mai nếu anh không nắm bắt được xu hướng của thời cuộc rất có thể anh sẽ rơi xuống vực thẳm. Ông Minh ví dụ, năm 2000 tờ Thể thao Văn hóa của TTXVN được đánh giá là đỉnh cao, thì nay nó đã bị những tờ báo ra sau qua mặt.
Hiện doanh thu báo in toàn cầu đang sụt giảm nhanh chóng, chỉ còn bằng những năm 2000. Trong khi báo điện tử hoặc phiên bản điện tử của báo giấy cũng phải vật lộn cạnh tranh với mạng xã hội (Facebook, Twitter, Google+, Youtube...), điều này có tác động rất lớn đến đời sống báo chí toàn cầu.
Ở Việt Nam, nhiều Tổng Biên tập thắc mắc, chúng tôi có nhân sự giỏi, nội dung tốt, PR cũng bài bản nhưng sao tờ báo vẫn đi xuống chứ chưa nói gì tới thành công!? Nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng, lý do các báo này đã không nắm bắt và nhận định được xu hướng báo chí và truyền thông.
Dĩ nhiên, nắm bắt xu hướng là việc không hề dễ dàng, có khi trúng, có khi trượt nhưng báo chí luôn gắn với xu hướng công nghệ và nếu am tường về xu thế công nghệ, áp dụng tối đa những tính năng/ phần mềm của công nghệ mới thì các tòa báo hiện đại (không chỉ là hội tụ, không chỉ là điện tử) mới có thể bắt kịp được.
Cái đó ngày nay được gọi là báo chí đa nền tảng. Tức là người dùng có thể đọc báo mọi lúc, mọi nơi và không nhất thiết phải vào trang của bạn để đọc mà đọc trên nền tảng hoặc ứng dụng thứ 3 như News Feed của Facebook chẳng hạn.
Người dùng đọc bài của bạn trên Báo mới hoặc Facebook chứ không cần vào trang báo của bạn. |
Vậy báo chí đa nền tảng là gì? Là xu hướng báo chí người đọc có thể tiếp cận mọi lúc mọi nơi trên tất cả các nền tảng khác nhau với những thiết bị khác nhau. Để dễ hình dung, với vị trí người đọc, bạn có thể đọc báo từ báo giấy, báo điện tử; Đọc trên nhiều thiết bị, từ máy tính, thiết bị cầm tay (smartphone, iPad, Notebook...). Với người làm báo, không đơn thuần tin tức chỉ là chữ (text), hình ảnh (image), video/clip mà được mở rộng ra nhiều hình thức truyền tải hơn...
"Thật khó để tuyên truyền về chủ trương đội mũ bảo hiểm cho trẻ em bằng cả đoạn văn bản lê thê thế này, thế kia. Sao chúng ta không làm một bản rap nói về vấn đề này, chúng sẽ tiếp nhận và dễ nhớ hơn", ông Minh chia sẻ.
Mạng xã hội bắt báo chí phải thay đổi
Một điều dễ dàng nhận ra, ngày nay số lượng độc giả vào đọc báo ít hơn truy nhập mạng xã hội. Trong số đó, 60% người dùng truy nhập internet từ mobile. Do đó, mạng xã hội đã buộc báo chí phải thay đổi trước áp lực cạnh tranh thông tin cũng như thay đổi nền tảng tiếp cận người đọc của chính mình.
Ở Việt Nam, nếu các báo lớn (báo giấy) khi có tin bài hot thường "găm" báo giấy ra rồi mới đưa lên điện tử. Nay xu thế này phải đảo ngược lại, phải đưa lên điện tử trước. Với các nền tảng, thứ tự ưu tiên cũng cần thay đổi: Social first, rồi đến mobile/ipad first và cuối cùng mới là web first.
Một thực tế khác, hầu hết các báo của Việt Nam đã ra phiên bản điện tử (đơn thuần chỉ là trang tin); cũng tạo những địa chỉ liên kết mạng xã hội; cũng lập những địa chỉ mạng xã hội của tờ báo (fanpage) nhưng hiệu ứng mang lại chưa cao.
Theo nhà báo Lê Quốc Minh, báo chí Việt Nam chưa đánh giá đúng tầm vai trò của mạng xã hội và có cách "ứng xử" phù hợp. Đơn cử, những fanpage của nhiều báo thường do một vài biên tập viên phụ trách. Nhiệm vụ là có bài nào nóng thì đẩy lên đó mà thiếu đi tính tương tác cần thiết do đó người dùng cũng không mấy thiết tha với tác phẩm của bạn.
Trong khi đó, mạng xã hội được ví như tờ báo của nhân dân bởi tính phổ dụng, độ tương tác và tính đa dạng thông tin mà báo chí chính thống không theo kịp. Cùng với sự phát triển nhanh của công nghệ (thiết bị mới, phần mềm hỗ trợ), người dùng có thể hoàn toàn tự sản xuất tin tức và truyền tin trên mạng xã hội như những "nhà báo" thực thụ.
Đơn cử, thấy một sự kiện hay, người dùng có thể dùng iPhone để làm những video clip về sự kiện và đẩy thẳng lên trang cá nhân (Youtube, Facebook) rồi chia sẻ cho người khác. Với số lượng người dùng đông đảo, lượng tin tức phong phú và cập nhật chính là điều không phải khi nào báo chí cũng có thể "chạy theo" mạng xã hội về khoản này.
Chính vì vậy, nói không ngoa mạng xã hội đang bắt báo chí phải thay đổi để phục vụ nhu cầu của độc giả ngày một khắt khe và thông tuệ hơn.
Những chiếc flycam quay video đang trở thành 1 trào lưu trong làng báo Việt.
Tuy nhiên, "đúng như tính "cộng sinh" giữa báo chí và mạng xã hội. Nhà báo khác với người dùng mạng xã hội ở 3 điểm: Phải biết thẩm định thông tin; Có trách nhiệm với xã hội; Coi độc giả là trên hết. Với người dùng mạng xã hội, sự "chém gió" của họ không bị vướng bởi lăng kính nào, miễn họ không đưa tin bịa đặt, vu khống (sẽ chịu sự giám sát của luật pháp) thì nhà báo phải là người biết định hướng thông tin và cân nhắc xem cái gì nên đưa và không nên đưa; thời điểm phát tán thông tin cho phù hợp những quy chuẩn đạo đức và nghề nghiệp.
Bản thân các nhà báo trước tiên cũng là người dùng mạng xã hội, việc thu nhận/ sản xuất/ phát tán tin tức của nhà báo trên báo chí và trên mạng xã hội cũng là câu chuyện hết sức thú vị trong đời sống báo chí hiện nay trên thế giới được nhiều chuyên gia truyền thông mổ xẻ chưa có hồi kết", ông Minh chia sẻ thêm...
Theo Infonet