Theo ông, trong bối cảnh hiện nay là cần thiết phải quy hoạch quản lý và phát triển báo chí?
- Trong vòng 10 năm trở lại đây, số lượng báo in tăng rất nhanh, từ hơn 600 ấn phẩm (năm 2001) đã lên đến hơn 1.100 ấn phẩm với 845 cơ quan báo chí.
Hệ thống phát thanh truyền hình ổn định về số lượng đài, nhưng tăng mạnh về số lượng kênh, chương trình và thời lượng phát sóng.
Báo điện tử cũng lên đến hàng nghìn trang điện tử, hàng trăm trang mạng xã hội. Số lượng tăng nhanh trong thời gian ngắn nhưng cơ cấu lại chưa hợp lý. Có tình trạng một bộ, ngành, tổ chức có nhiều ấn phẩm khác nhau. Một số báo có nhiều ấn phẩm phụ với nội dung không phù hợp với tôn chỉ mục đích.
Các phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện ở Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn |
Cùng với đó là sự buông lỏng quản lý của nhiều cơ quan chủ quản, nhất là báo điện tử đã tạo nên một bức tranh thông tin khá phức tạp nên cần thiết phải được quy hoạch lại để đảm bảo sự phát triển bền vững, lâu dài hơn.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ quan quản lý báo chí được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh là dự báo thật sát các xu thế, theo ông, công tác dự báo hiện nay gặp khó khăn gì?
- Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 sẽ được trình ra Trung ương trong vài ngày tới. Chúng tôi tin tưởng đề án này có nhiều điểm mới, phù hợp và tiến bộ. Công tác dự báo tốt sẽ giúp nền báo chí phát triển đúng như lộ trình đã đề ra. Việc phát triển đúng hướng sẽ phù hợp lâu dài với tình hình thực tiễn. Những vướng mắc trong quá trình thực hiện đề án sẽ được tháo gỡ một cách hợp lý.
Thời gian qua, Bộ TTTT đã có nhiều biện pháp mạnh tay đối với những cơ quan báo chí có đưa thông tin sai sự thật, đưa thông tin không phù hợp...?
- Năm 2014, Bộ đã tiến hành nhiều biện pháp cùng một lúc để xoá bỏ tình trạng bức xúc của dư luận về thông tin sai sự thật, bịa đặt, câu khách, rẻ tiền, chạy theo thị hiếu tầm thường. Đến thời điểm này, tôi khẳng định tình trạng đã được cải thiện rõ rệt.
Tôi mong báo chí tiếp tục phát huy, làm đúng theo luật, ý thức trách nhiệm với xã hội ngày càng cao hơn nữa. Quản lý hàng trăm cơ quan báo chí gặp nhiều khó khăn, nhưng quan trọng nhất là luật chưa thật phù hợp và tình trạng các cơ quan chủ quản buông lỏng trách nhiệm quản lý. Những khó khăn này sẽ được tập trung giải quyết trong năm 2015, khi đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến 2025 được thông qua.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Theo Laodong