“Có văn hóa” và “có học” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau cả về nội dung lẫn hình thức. Điều này hẳn nhiên ai cũng biết. Bởi vậy, dòng chữ trên tấm băng rôn ở Bình Định mới gây ra những tranh cãi, thậm chí là phản ứng dữ dội đến thế.
Câu chuyện văn hóa giao thông, khi vi phạm luật giao thông, vượt đèn đỏ ngang nhiên, phớt lờ biển cấm… gần như là “đặc sản” của người Việt, thì chuyện người ta buộc phải trưng ra những tấm băng rôn kiểu “vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học” cho thấy sự chịu đựng của cơ quan quản lý đã ở ngưỡng tận cùng.
Tấm băng rôn ở Bình Định gây nhiều tranh cãi. |
Tấm băng rôn dù đã được tháo xuống, có thể cất vào một xó nào đó của Ủy ban ATGT Bình Định, nhưng nó lại gióng lên hồi chuông báo động về sự vô văn hóa giao thông của rất đông người Việt.
Khi viết những dòng này, tôi nhớ lại chuyện mỗi lần chở con gái đi học. Thường do vội vàng, lo con chậm giờ vào lớp, nên có khi đèn vàng đã bật, tôi và không ít phụ huynh khác vẫn cố tình vượt lên, cố chạy xe, dù biết chỉ một tích tắc nữa đèn sẽ chuyển sang màu đỏ.
Vào những lúc như thế, cô con gái 9 tuổi lại kêu lên thảng thốt “mẹ vượt đèn đỏ sao?”.
Tôi ngượng! Nhưng vẫn cố chống chế bằng câu “đang đèn vàng nên được đi con ạ”.
Con gái im lặng một hồi rồi buông từng lời như không phải chỉ nói với tôi “Sao cô giáo dạy đèn vàng là đã phải dừng lại rồi mẹ nhỉ?”.
Tôi đọc được trong câu hỏi của con gái một sự trách móc, xen lẫn hoài nghi về những điều con bé đã được học ở trường. Có lẽ, trong đầu con bé đang tự hỏi “sao cô giáo lại dạy điều mà trong thực tế không diễn ra như thế?”.
Hành vi của người lớn bao giờ cũng là tấm gương, là bài học dễ tiếp thu nhất, dễ in trong trí nhớ của trẻ nhỏ. Giả dụ trong nhiều lần nữa, tôi và những bà mẹ khác khi chở con đi học vẫn tiếp tục và tiếp tục vi phạm luật giao thông một cách hồn nhiên như thế, hẳn nhiên chúng tôi sẽ là “tấm gương’ để con trẻ học theo.
Phải chăng, vi phạm luật giao thông trở thành ‘chuyện thường ngày ở huyện’, là vấn nạn quốc gia có lẽ cũng vì như thế!
Vi phạm luật giao thông trở thành 'chuyện thường ngày ở huyện' Ảnh minh họa |
Thực tế từ nhiều năm nay, luật giao thông đã được đưa vào giảng dạy ngay từ cấp tiểu học. Kiểm tra kiến thức trẻ con giờ thấy chúng nắm luật giao thông hơn cả người lớn. Rõ ràng nhờ thế vấn đề “ít học”, kém hiểu biết, thiếu kiến thức về luật giao thông sẽ ngày càng giảm đi.
Nhưng vì sao ra đường bây giờ lại toàn thấy điều ngược lại? Chuyện vượt đèn đỏ phổ biến đến mức, nhiều người gọi nó là “căn bệnh trầm kha” của người Việt. Nhiều người mặc nhiên coi như “lỗi nhỏ ý mà”, “không có CSGT thì cứ vượt, có sao đâu?”…
Đành phải thừa nhận một điều ở nước ta, ý thức tự giác của người tham gia giao thông rất kém. Tình trạng người dân khi tham gia giao thông cứ thấy bóng dáng CSGT thì chấp hành, nếu không thì cứ hồn nhiên vi phạm luật, bất chấp đèn đỏ, đi vào đường một chiều… đã và đang ngày càng phổ biến.
Phải chăng xã hội càng phát triển, con người càng vội vã, ý thức càng kém đi, văn minh càng đi xuống?
Tình trạng tham gia giao thông kiểu “chỉ biết mình” của người Việt phổ biến đến mức cả thế giới đều biết ở “Hà Nội không vội được đâu’, biết văn hóa giao thông của người Việt là “mạnh ai nấy đi”, càng thấy biển cấm càng vượt, càng rẽ.
Thủ đô Hà Nội đương nhiên là nơi văn minh nhất nước. Vậy nhưng tình trạng vi phạm giao thông lại nhan nhản, diễn ra từng phút, từng giờ. Muốn 'mục sở thị', bạn chỉ cần đứng ở ngã tư, nơi có đèn xanh đèn đỏ một giờ, sẽ thống kê được con số vi phạm giao thông, kiểu vượt đèn đỏ, rẽ sang đường sai quy định nhiều đến mức đáng kinh ngạc.
Đáng nói, những người vi phạm phần đông không phải là những lao động bình dân, đi xe đạp, bán hàng rong trên phố. Họ là những người đi xe đắt tiền, áo quần sang trọng, toát lên vẻ tri thức vốn có của người thành thị.
Vậy rõ ràng, chuyện ít học hay nhiều học không liên quan đến “văn hóa giao thông”. Ở đây sự vô văn hóa giao thông nhiều khi bắt nguồn từ chính sự “có tri thức”, có hiểu biết, nắm luật trong lòng bàn tay… nên dễ dàng vi phạm.
Thực tế, nhiều người có học, có quyền, có tiền nên suy nghĩ hồn nhiên kiểu cứ vi phạm đi, nếu bị bắt thì bốc máy gọi cho người này, người khác xin hộ. Hoặc giả cùng lắm thì nộp phạt, vài chục, thậm chí trăm ngàn có đáng gì…
Đúng là vài trăm ngàn nộp phạt không đáng gì. Đúng là vi phạm giao thông kiểu vượt đèn đỏ “chỉ là chuyện nhỏ”. Nhưng có lẽ, những người có tri thức nhưng thiếu văn hóa giao thông đã không hề nghĩ tới một điều, rằng chính do hành vi thiếu văn hóa của mình là nguyên nhân của hàng loạt vụ tai nạn thảm khốc đang diễn ra hàng ngày.
Không có bài học nào được rút ra nếu chính những người vô văn hóa giao thông chưa gặp phải những hệ lụy đau lòng. Thế nên, nhiều nơi cơ quan quản lý đã phải tạm gác lại việc giáo dục ý thức tham gia giao thông kiểu tuyên truyền suông, chuyển sang việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tăng chế tài xử phạt… với hy vọng sẽ giảm bớt phần nào người vi phạm.
Năm 2014, Hà Nội đã có phương án lắp đặt hàng ngàn camera để phạt nguội những người phạm giao thông. Chủ trương này phù hợp với xu thế văn minh, có thể hy vọng phần nào giảm bớt những hành vi vi phạm luật kiểu “không thấy CSGT là hồn nhiên vi phạm”.
Nhưng dẫu sao, xét ở góc độ văn hóa, vẫn thấy đáng buồn cho một đất nước có hơn 4000 năm lịch sử, một Thủ đô được coi là điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách Quốc tế nhưng luôn thấp thỏm trước những hành vi vô văn hóa giao thông phổ biến đến mức đáng báo động hiện nay.
Theo VTCnews