Đến đầu xóm Cổ Bản (phường Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội), hỏi nhà anh Ngô Doãn Năm, chị Đặng Thị Hải, những người bán hàng ở chợ đã ôm bụng cười và thi nhau kể chuyện. Họ khẳng định rằng, kỷ lục sinh con của cặp vợ chồng này không chỉ vô tiền khoáng hậu ở Hà Nội, mà cả nước không có ai sánh kịp.
Xóm Cổ Bản nằm ven quận, cả làng chạy chợ nên kinh tế cũng khá giả. Riêng căn nhà của cặp vợ chồng “siêu đẻ” tầm 30 mét vuông, lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng.
Người thì đông, nhưng trong nhà có mỗi chiếc giường. Khắp nơi quần áo bừa bộn, chằng chịt dây phơi đồ người lớn, trẻ em và sơ sinh vướng cả lối đi. Mùi hăng hắc khó chịu bốc lên. Tài sản quý giá nhất trong nhà có lẽ là chiếc tivi 14 inch từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước.
Cảnh nhếch nhác trong căn nhà của cặp vợ chồng "siêu đẻ" |
Mới chỉ bước chân vào sân, những đứa trẻ đã ùa ra như ong vỡ tổ. Bộ dạng đứa nào cũng xộc xệch, nhếch nhác, nước mắt nước mũi tèm nhem, chân trần giữa mùa đông lạnh, làm tôi liên tưởng tới những em bé ở vùng cao xa xôi. Trong nhà, cô con dâu thứ đang cặm cụi nấu bữa cơm trưa đạm bạc cho đại gia đình.
Ngồi chơi được một lúc thì 2 vợ chồng về nhà. Anh Năm kể, 4 năm nay mắc bệnh nặng về dạ dày, thận, tiểu đường... liên tiếp nằm bẹp một chỗ. Những lúc bớt đau, anh lại gắng dậy, ra đồng mò cua bắt tép cùng vợ con, chạy ăn từng bữa.
Đặc điểm chung dễ nhận ra nhất của cả 2 vợ chồng chính là đôi mắt trũng sâu, gò má nhô hẳn khỏi khuôn mặt hốc hác, gầy gò, nước da đen sạm, lấm lem bùn đất, thỉnh thoảng cứ thở dốc. Chỉ trò chuyện được vài câu, anh Năm đã ho khù khụ, cáo ốm và lăn ra ngủ mê mệt trên chiếc giường bừa bộn ở góc nhà.
Chân dung cặp vợ chồng "siêu đẻ" ở Hà Nội |
Nhìn vào ông chồng đang nằm chèo queo, chị Hải lắc đầu ngán ngẩm tự nhận mình là “người đàn bà đau khổ” từ bé. Số phận tiếp tục không may khi lớn lên chị lấy phải người chồng rượu chè be bét, say là chửi bới, đánh đập vợ con liên tục, chỉ có mỗi việc thực hiện thiên chức đàn ông là... giỏi.
Chị lập gia đình năm 1988 do mai mối, lúc đó mới 19 tuổi. Gia đình anh Năm cũng chẳng khá giả gì. Cưới nhau xong, không có đất, cặp vợ chồng nghèo phải dắt díu nhau ra ngoài đê dựng tạm căn lều để ở.
Giữa năm 1989, chị sinh con gái đầu lòng trong một đêm mưa gió bão bùng ở căn lều rách, không kịp đến bệnh xá. Chỉ mới phục hồi thiên chức của người phụ nữ được vài tháng, cặp vợ chồng “sản xuất” tiếp đứa con trai thứ 2 vào năm 1990, rồi đứa thứ 3 sinh vào năm 1992, thứ 4 vào năm 1994.
Năm 1995, thời gian chị đang “bảo dưỡng”, anh em trong gia đình thương xót cho hoàn cảnh của cặp vợ chồng nghèo, con cái nheo nhóc, họ họp bàn và thống nhất chia cho 2 người một mảnh đất nhỏ ở giữa xóm Cổ Bản.
Mất 1 năm trời hì hục tự đóng gạch, nhào vữa, xây dựng, anh chị Năm – Hải cũng làm xong ngôi nhà cấp 4, đủ che mưa che nắng, và đưa cả đại gia đình về trú ẩn.
Cũng kể từ đó, chị Hải lại liên tục sinh nở, với tần suất trung bình 3 năm/ 2 con. Cho đến hiện tại, sau 25 năm tính từ lúc lập gia đình, cặp vợ chồng “siêu đẻ” này đã cho ra đời 14 đứa con, bao gồm 8 con trai, 6 con gái.
Chị Hải cùng mấy đứa con |
Chị Hải nhớ lại, hồi mới có 6 con, cán bộ dân số đến thuyết phục chị đi đặt vòng tránh thai hoặc triệt sản. Nghe lời, chị trốn chồng ra bệnh xá. Tuy nhiên, anh Năm không biết nghe ngóng thông tin từ đâu biết được nên chạy ra báo... công an. Công an bảo có 6 con rồi, đi triệt sản là đúng, nên họ không giải quyết.
“Chồng em chạy ra tận bệnh xá la ầm lên. Bà con lối xóm kéo đến xem đông nghịt. Các bác sĩ đành phải cho em về. Về nhà chồng mắng em một trận nữa vì dám làm việc “thất đức”, thế là mọi việc đổ bể”, chị Hải tiu nghỉu cho biết.
Kết quả của cú “đổ bể” ấy là 6 đứa con liên tiếp ra đời. Càng nhiều con, anh Năm chị Hải càng vất vả, suốt ngày quần quật ngoài đồng, không có thời gian nghỉ ngơi.
Thời điểm cặp vợ chồng này có 12 đứa con, báo chí vào cuộc phản ánh, gây dư luận ầm ĩ, nhưng không ăn thua. Đầu năm 2012, dù lúc đó anh Năm rất ốm yếu vì suốt ngày rượu chè, nhưng đứa con thứ 13 vẫn kịp ra đời.
Anh Năm mắc bệnh nặng mấy năm nay, nên mọi việc trong nhà đều do chị Hải lo liệu |
Sang năm 2013, anh Năm mắc bệnh rất nặng, 1 tuần mất 5 ngày nằm bẹp dí ở nhà, việc kiếm cơm cho cả đại gia đình đều do chị Hải và các con cáng đáng. Tuy nhiên, cặp vợ chồng “siêu đẻ” vẫn sinh tiếp đứa con gái thứ 14. Và có lẽ lần này do xác định không còn đủ sức khỏe để tiếp tục sinh sản, họ đặt tên cho cháu là Ngô Thị Út Thảo.
Chuyện sinh đẻ của chị cũng rất khủng khiếp, vì gần như là... đẻ rơi. Chỉ vào mấy đứa con, chị cười nhăn như mếu bảo đứa đẻ rơi góc đường, đứa sinh trong lều trông cá ngoài đồng, đứa tòi ra khi đang gánh rạ ngoài đồng.
Theo VTC