100 người mất mạng vì giành thực phẩm trên tàu di cư Đông Nam Á

Thứ ba, 19/05/2015, 07:55
Những người di cư được cứu sống khỏi một tàu chìm ngoài khơi Indonesia cho biết khoảng 100 người trước đó chết trong cuộc chiến tranh giành những đồ ăn cuối cùng còn sót lại trên tàu.   

Những người Rohingya đứng trên một con tàu trôi dạt vào vùng biển Thái Lan, ngoài khơi đảo Koh Lipe ở biển Andaman. Ảnh: Independent

Khoảng 100 người di cư trên con tàu thiệt mạng sau một trận chiến giành những miếng thức ăn cuối cùng, BBC dẫn lời những người sống sót kể về điều kiện khủng khiếp của người di cư. Ba người đàn ông được phỏng vấn đều nói mọi người bị đâm, treo cổ hay ném xuống biển.

Tuy không thể xác minh độc lập những tuyên bố này, BBC cho biết cả ba người di cư thoát chết đều kể giống nhau trong những cuộc phỏng vấn riêng rẽ. Theo những thông tin trước đó, người di cư còn buộc phải tự uống nước tiểu để sinh tồn, bởi họ không còn đồ ăn, thức uống.

Trường hợp của 700 người di cư được cứu sống đến từ Myanmar và Bangladesh đang được chính quyền Indonesia cưu mang. Tuy nhiên, hàng nghìn người khác vẫn đang lênh đênh trên các vùng biển Đông Nam Á và bị từ chối cho lên bờ.

Bất chấp những lời kêu gọi của Liên Hợp Quốc và các tổ chức nhân đạo khác, Thái Lan, Malaysia và Indonesia dường như không sẵn lòng nhận thêm người nhập cư qua biên giới.

"Nếu chúng tôi nhận tất cả họ, ai muốn đến cũng sẽ tự do tới. Tôi đang hỏi liệu Thái Lan có thể chăm lo cho tất cả họ được không? Ngân sách sẽ đến từ đâu?", Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha nói. "Chẳng ai muốn họ cả. Mọi người đều muốn một đất nước trung chuyển như chúng tôi chịu trách nhiệm. Điều này liệu có công bằng?", ông nói thêm.

"Chúng tôi đã rất tốt với những người đột nhập qua biên giới của chúng tôi. Chúng tôi đối xử với họ một cách nhân đạo, nhưng họ không thể tràn vào bờ biển của chúng tôi như vậy", Wan Junaidi Jafaar, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia, nói.

Nhiều người đi trên tàu di cư là người Rohingya, một dân tộc thiểu số theo đạo Hồi, không được cấp quốc tịch ở Myanmar và hiện ở trong tình trạng không có quốc tịch. Người Rohingya ở Myanmar không được tiếp cận đầy đủ với nền giáo dục và y tế và không thể tự do đi lại. Các nước láng giềng lo ngại việc chấp nhận một vài người Rohingya sẽ kéo theo một dòng người di cư nghèo, không có tri thức.

Sau nhiều tuần các nước không có hành động nào, một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp được dự kiến tổ chức tại Thái Lan vào ngày 29/5 tới để bàn về cuộc khủng hoảng di cư Vịnh Bengal. Tuy nhiên, chính phủ Myanmar dọa không tham dự, cáo buộc các nước khác đổ lỗi cho nước này vì tình hình hiện nay.

nguoi-di-cu-9533-1431945430.jpg

Nhiều người di cư được giải cứu trong tình trạng đói ăn và mất nước. Ảnh: BBC

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích