Ai sẽ giành chiến thắng trong vụ tàu Mistral?

Thứ ba, 19/05/2015, 07:27
Cuối tuần trước, báo Kommersant (Nga) đưa tin Pháp đã đề nghị với Nga hủy hợp đồng đóng hai tàu sân bay trực thăng lớp Mistral và chấp nhận bồi thường 785 triệu euro.    

Tuy nhiên, Pháp đưa ra điều kiện Nga phải chấp thuận cho Pháp bán tàu lại cho bên thứ ba trước đã. Nga đã trả lời Pháp không thể bán tàu cho bên thứ ba nếu không giao lại tiền trước cho Nga. Nga ước tính số tiền thiệt hại về phía Nga là 1,163 tỉ euro.

Tháng 6/2011, Nga và Pháp đã ký hợp đồng trị giá gần 1,2 tỉ euro về đóng hai tàu lớp Mistral. Dự kiến tàu đầu tiên mang tên tàu Vladivostok sẽ được giao cho Nga ngày 14/11/2014. Đột nhiên đến cuối năm ngoái, Pháp thông báo ngừng thực hiện hợp đồng đến khi có lệnh mới do Nga can thiệp vào Ukraine.

Tập đoàn công nghiệp quốc phòng DCNS của Pháp cho biết tàu Mistral thứ hai mang tên tàu Sevastopol trong thực tế đã hoàn thành như trong hợp đồng quy định.

Chuyên gia Alexei Arbatov, Giám đốc Trung tâm An ninh quốc tế thuộc Học viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế (Nga), nhận định Pháp không giao tàu Mistral thì chẳng gây thiệt hại nào cho quốc phòng Nga.

Ông cho rằng hợp đồng tàu Mistral chỉ được xem như biểu tượng về hợp tác với phương Tây và NATO bởi trước đó chưa bao giờ có hợp đồng nào như thế giữa Nga với các nước thành viên NATO. Dù vậy, đối với Nga, thiệt hại quan trọng không chỉ về tài chính mà còn về chính trị. Nga đã bị giáng một đòn mạnh vào uy tín.

Về quan điểm tiếp cận công nghệ mới thì Nga cũng bị mất mát nhiều. Hạm đội Nga đòi hỏi Nga phải có tàu sân bay để không tụt hậu. Một giải pháp ít tốn kém nhất và ít khó nhọc nhất dù là biện pháp nửa vời là mua tàu Mistral của Pháp. Trong tương lai gần Nga khó có thể tạo ra công nghệ và phương pháp mới trong ngành đóng tàu chiến.

Ngược lại, theo hãng tin TASS, tướng Yevgeny Buzhinsky nhận xét: “Theo tôi biết thì người Pháp không hề trao cho chúng ta bất kỳ công nghệ đặc biệt mới nào. Chúng ta tự làm hệ thống bánh lái. Tất cả thiết bị trên tàu đều của chúng ta. Ở đó có gì là quy trình công nghệ?”.

Ông cho rằng hợp đồng tàu Mistral thuần túy mang tính chất chính trị. Còn về quân sự, tàu Mistral cần được bổ sung thêm từ 10 đến 12 tàu nữa mới có thể lập thành đội tàu sân bay tác chiến ở các vùng biển xa. Ông nhận định Nga cũng không cần điều quân đến vùng biển xa nào để hoạt động.

Tướng Yuri Yakubov, điều phối viên của Văn phòng Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng Nga, đề nghị Nga nên cấm Pháp bán lại tàu Mistral cho nước thứ ba, yêu cầu Pháp phải trả lại cho Nga tiền đã chi theo hợp đồng, các khoản chi xây dựng cơ sở hạ tầng cho tàu và chuẩn bị đào tạo thủy thủ đoàn Nga.

Giới truyền thông Pháp đưa tin Pháp vẫn đang xem xét nhiều kịch bản về số phận của tàu sân bay trực thăng lớp Mistral, trong đó có phá dỡ tàu, đánh chìm tàu ngoài biển khơi hoặc bán lại cho Trung Quốc. Thế nhưng muốn bán Paris cũng phải hỏi ý kiến Moscow.

Theo Pháp Luật TP

Các tin cũ hơn