Theo Sở Xây dựng, số lượng nhà “ổ chuột” có thể cao hơn con số 17.000 căn, bởi 67 tuyến kênh chưa có số liệu khảo sát và chưa cắm mốc hành lang an toàn. Cũng theo Sở Xây dựng, việc thay đổi ranh giới giải tỏa hành lang kênh rạch cộng với các quận có nhiều nhánh kênh rạch cần chỉnh trang, nên số lượng nhà lụp xụp tăng lên.
Trong giai đoạn 2016-2020, Tp.HCM sẽ thực hiện quyết liệt việc di dời và giải tỏa trắng hơn 17.000 hộ gia đình này để thực hiện công tác chỉnh trang đô thị, tạo bộ mặt mới cho một thành phố hội nhập.
Từ năm 1993 đến nay tốc độ giải phóng loại nhà ổ chuột này còn khá chậm, theo lý giải của Sở Xây dựng do thành phố thiếu nguồn ngân sách cho đến bù giải tỏa, hỗ trợ tái định cư. Bên cạnh đó, thị trường BĐS đóng băng nhiều năm liền nên không kích thích được doanh nghiệp tham gia cùng phát triển các dự án cải tạo, chỉnh trang và mở rộng đô thị.
Trong 5 năm tới, thành phố sẽ tập trung di dời hàng chục nghìn hộ dân đang sinh sống dọc các tuyến kênh rạch đang có dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị, nạo vét, thoát nước như: Tham Lương - Bến Cát, Rạch Nhảy - Ruột Ngựa, Bàu Trâu... với tổng số vốn đền bù, giải tỏa khoảng 12.400 tỷ đồng.
Được biết, UBND Tp.HCM vừa chấp thuận chủ trương thực hiện dự án nạo vét toàn tuyến hành lang bảo vệ rạch Văn Thánh (đoạn từ đường Điện Biên Phủ đến ngã ba kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè) nhằm tăng cường khả năng chống ngập cho khu vực quận Bình Thạnh. Để thực hiện dự án, dự kiến sẽ có tổng cộng 827 căn nhà bị giải tỏa (trong đó 637 căn bị giải tỏa hoàn toàn và 190 căn còn lại giải tỏa một phần).
Trong 7 chương trình đột phá mà Đại hội Đảng bộ Tp.HCM nhiệm kỳ 2015-2020 đưa ra, có thêm 1 chương trình mới (Đại hội IX chỉ có 6 chương trình), đó là “Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị”. Nhiệm vụ trọng tâm là tập trung hoàn thiện việc di dời, tái bố trí toàn bộ nhà ở trên và ven kênh rạch, nâng cấp các khu phố có nhiều nhà lụp xụp, xây dựng mới các chung cư xuống cấp, chỉnh trang đô thị, tạo thêm quỹ đất dành cho giao thông và công trình công cộng…
Tuy nhiên, Hiệp hội BĐS Tp.HCM cho rằng, để giải quyết vấn đề căn cơ và mang tính bền vững, các giải pháp của thành phố cần được hướng đến tất cả thành phần dân cư. Theo đó, phát triển đô thị phải đi kèm với phát triển đa dạng chủng loại nhà ở, vừa chỉnh trang phát triển các khu vực đô thị cũ (cũng phải chỉnh trang theo dự án, theo từng ô phố, khu phố để tránh tình trạng khoét lõm nhếch nhác, không đồng bộ), vừa hình thành nên những khu đô thị mới, để BĐS thực sự trở thành ngành kinh tế đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Thành phố.
Đây cũng sẽ là một cơ hội rất lớn đối với các doanh nghiệp BĐS trong và ngoài nước, tạo nên xu hướng đầu tư dự án nhà ở hướng sông bùng nổ mạnh. Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư BĐS lớn tại thành phố đã “xí” sẵn các quỹ đất lớn dọc theo các con kênh lớn ở quận 4, 8, Bình Thạnh… để chuẩn bị tung dự án căn hộ sinh thái ra thị trường.
Chẳng hạn như công ty Nhà Hòa Bình, địa ốc Trung Thủy, Novaland, Phát Đạt, Tiến Phước, TNR Holdings đang nắm trong tay các diện tích đất đủ lớn để phát triển dự án trong thời gian tới. Mới đây nhất, công ty địa ốc Phúc Khang cũng đã công bố ra thị trường dự án xanh theo tiêu chuẩn Mỹ đầu tiên tại Việt Nam là Diamond Lotus. Dự án tọa lạc dọc bờ sông Vĩnh Bình (quận 8). Tiếp đó, công ty địa ốc An Gia Investment cũng giới thiệu dự án cao cấp An Gia Skyline bên bờ sông Sài Gòn (quận 7)…
Cận cảnh những "khu ổ chuột" của Tp.HCM.
Từ lâu, TP.HCM đề ra kế hoạch di dời và tái định cư các hộ dân sống ven và trên kênh rạch. Đến nay kế hoạch này đã bước sang năm thứ tư nhưng việc triển khai vẫn gần như giậm chân tại chỗ. |
Những dự án của một số chủ đầu tư mạnh về vốn sẽ có tiến độ di dời các hộ dân sống ven kênh, sông diễn ra nhanh chóng hơn. |
Con số nhà lụp xụp ven kênh rạch của thành phố có thể cao hơn con số hơn 17.000 bởi theo Sở Xây dựng thành phố thì số liệu khảo sát trên không bao gồm 67 tuyến kênh rạch chưa có số liệu khảo sát, chưa cắm mốc hành lang an toàn kênh rạch nằm rải rác ở các quận 7, quận 8, quận 12… |
Theo Sở Xây dựng thành phố, trong 10 năm qua trung bình mỗi năm thành phố đền bù di dời được 1.000 hộ dân sống trên và ven kênh rạch tại 29 dự án ở nhiều quận. Kết quả thực hiện không đạt so với chỉ tiêu đề ra. |
Do khó khăn về chính sách đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng, nguồn vốn thực hiện các dự án …, Sở Xây dựng thành phố cho rằng để phấn đấu từ nay đến năm 2020 hoàn thành di dời toàn bộ hơn 17.000 hộ sinh sống ven kênh rạch là không khả thi, cần xác định lại lộ trình, phân kỳ phù hợp hơn. |
Các căn nhà ổ chuột ven kênh quận 4. Nhiều người dân cho biết, do điều kiện kinh tế quá khó khăn, họ phải bám trụ trên những con kênh hôi thối nồng nặc, đầy mầm bệnh như thế này và mong thành phố có một chính sách di dời hợp lý. |
Các hộ dân sống ven kênh còn cho biết, họ luôn sống trong tâm trạng hồi hộp lo sợ, bởi không biết khi nào căn nhà của mình đổ sập xuống lòng kênh. Hàng năm thành phố có hơn 100 căn nhà sụp đổ do sạt lở bờ kênh. |
Riêng phương án tạo vốn để đầu tư xây dựng quỹ nhà tái định cư, Sở Xây dựng đề xuất thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn và có chính sách ưu đãi để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng quỹ nhà. |
Theo Sở Xây dựng Tp.HCM, nguyên nhân chủ yếu làm chậm việc di dời các hộ sống ven kênh rạch là do thiếu vốn. |
Với nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn 5 năm tới, thành phố đã thêm 1 chương trình đột phá là chỉnh trang đô thị, với kỳ vọng tạo ra một bộ mặt mới cho quá trình phát triển và hội nhập của Tp.HCM. Các khu ổ chuột tại quận 8 như thế này sẽ được thay thế bằng những khu đô thị khang trang. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dọc tuyến đường Tôn Thất Thuyết, quận 4 hiện vẫn tồn tại hơn 500 căn nhà dọc con kênh này sinh sống. Có những ngôi nhà diện tích chỉ có 6m2 cho 4 con người. |
Trong thời gian tới, Tp.HCM sẽ giải tỏa hơn 800 căn nhà tạm dọc hai bên rạch Văn Thánh, quận Bình Thạnh để phục vụ dự án nạo vét chống ngập, chỉnh trang khu vực quanh nhà ga và tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đi qua. |
Những căn nhà bệ rạc bên dòng kênh Văn Thánh, nằm cạnh tuyến đường Điện Biên Phủ sầm uất bật nhất của Tp.HCM. Với mùi hôi nồng nặc, nhiều người đi ngang qua con kênh này đều phải nín thở hoặc bịt mũi. |
Tuyến rạch Văn Thánh (thuộc hệ thống kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè) dài trên 2km, có vai trò rất quan trọng trong việc tiêu thoát nước khu vực quận Bình Thạnh. Thời gian qua, do bị bồi lấp và lấn chiếm nhiều nên con rạch này đã mất dần khả năng giao thông đường thủy và khả năng thoát nước. |
Con sông Vĩnh Bình (quận 8) nhìn từ trên cao, dọc hai bên bờ sông đang tồn tại hàng trăm hộ gia đình chen chúc sống trong điều kiện rất bệ rạc, mùi hôi thối nồng nặc từ dòng nước bốc lên hàng ngày rất dễ gây bệnh cho con người... |
Theo Tri Thức Trẻ