Giải toả phải đi đôi với sắp xếp

Thứ hai, 21/01/2013, 16:17
 "Chúng tôi vẫn đi bán bình thường vì chưa thấy ai bảo phải đi kiểm tra sức khoẻ hay tập huấn gì cả. Đã “rong” thì lấy đâu ra vốn để sắm đầy đủ các trang thiết bị, nếu có sắm được thì cũng chả thể “rong đống thiết bị” ấy để vừa đi vừa bán. Nếu chúng tôi nghỉ hết thì các cô chú có ăn sáng ở nhà và ăn trưa ở nhà hàng mãi được không?"

Đây là câu trả lời của đa phần những người bán hàng rong Hà Nội ngày 20.1.2013 – ngày đầu tiên thông tư 30 của bộ Y tế về vệ sinh an toàn thực phẩm chính thức có hiệu lực. Nếu thông tư này được siết chặt thì sẽ có hàng ngàn người thất nghiệp, nhưng dường như những “tiểu thương” này không tin vào tính khả thi của thông tư, vẫn thờ ơ và bình chân như vại.

“Áp dụng với tôi, nhưng tôi chưa biết!”

hang rong

Nếu thông tư 30 của Bộ Y tế về vệ sinh an toàn thực phẩm chính thức có hiệu lực thì sẽ có hàng ngàn người bán hàng rong thất nghiệp. Ảnh: Thanh Hảo

Trưa ngày 20.1, trên đường phố Xuân Thuỷ, Nghĩa Tân, Giảng Võ, khu vực Bách Khoa... nơi tập trung nhiều quán ăn vỉa hè ở Hà Nội, các quán hàng vẫn hoạt động như ngày thường. Khi được hỏi về thông tư 30, chỉ có một vài chủ quán nói có nghe tới, còn hầu hết đều lắc đầu không biết và nói rằng chưa thấy ai bảo đi kiểm tra sức khoẻ hay thông báo gì cả.

Ngay tại chợ Gạo (Phú Gia, Tây Hồ, Hà Nội) nơi có rất nhiều người dân thường vào phố bán xôi, bánh đa kê, bánh rán, bánh bao...

Khi được cho xem nội dung thông tư, bác Nguyễn Hoa (gần 20 năm bán xôi rong vào phố) hỏi lại rằng: “Nếu chúng tôi tập huấn và được cấp giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, được khám và cấp giấy xác nhận đủ điều kiện sức khoẻ theo quy định, nhưng hôm tôi mệt nghỉ, con dâu tôi đi bán thay có phải khám sức khoẻ và xin cấp giấy không? Sao áp dụng với chúng tôi lại không cho chúng tôi thời gian để hiểu đã làm ngay?”

Còn chị Kim, chủ cửa hàng nộm trên phố Bích Câu (Hà Nội) cho hay, “tôi bán nộm gần 15 năm rồi nên thấy rõ việc quy định nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói, chế biến sẵn bảo đảm có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định là rất khó. Ví dụ nước mắm, nem cuốn... chúng tôi cũng phải mua lại làm sao biết người ta có cho phụ gia hay không”?

Phải có lộ trình để người dân sắp xếp

Chỉ đọc qua một vài nội dung đã thấy tính khó khả thi của thông tư. Ngay trong trường hợp các cơ quan quản lý có đủ người và thực hiện đúng theo những tiêu chí của thông tư thì gần như 100% các hàng rong, quán vỉa hè đều vi phạm vì họ không thể thoả mãn được các điều kiện.

Chỉ riêng thành phố Hà Nội với khoảng 47.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó loại hình dịch vụ ăn uống đường phố chiếm tới hơn 26.000 cơ sở thì hàng ngàn người lao động sẽ đứng bên bờ thất nghiệp. Chưa kể với tầng lớp công nhân, sinh viên, viên chức có thu nhập trung bình và thấp sẽ lựa chọn gì cho mình với những bữa ăn có ít thời gian để nấu nướng?

Chị Oanh bán bún đậu mắm tôm phố Trần Huy Liệu, Hà Nội chia sẻ: “Tôi cũng được nghe về quy định này. Nếu họ bắt buộc phải sắm đầy đủ trang thiết bị như vậy chắc tôi lại về quê, nhưng về quê phần ruộng tốt đã bị lấy hết, giờ còn toàn ruộng xấu, có làm cũng không đủ ăn”.

Cùng quan điểm này, anh Phú Hưng (công nhân xây dựng tại Mỹ Đình) cho hay, buổi sáng anh thường ăn xôi để đi làm, vừa no vừa ấm bụng. Trưa thì hôm làm cặp bánh mì, hôm ăn bún đậu vừa ngon lại bình dân. Nhưng nếu những hàng quán này đóng cửa hết chắc anh phải ăn mì tôm quanh năm vì ở một mình vừa lười vừa không có thời gian nấu nướng, nếu bữa nào cũng vào hàng ăn thì chỉ có nước về quê.

Bác Nguyễn Mai (người có hơn 30 năm làm trong ngành quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm – An Dương Vương, Hà Nội) bày tỏ, nghe nội dung thông tư thì ai cũng thích, nhất là trong thời đại ung thư nhiều như hiện nay.

Nhưng vấn đề là quy định thế nào để thực hiện được, bằng không chỉ đạt được ý nghĩa... tuyên truyền. Nếu chúng ta chỉ có bàn ăn sạch, bát đũa sạch, trong khi lại đi nhập gà thải, phủ tạng động vật nước ngoài đã thiu thối rồi về tẩy lại bằng hoá chất để bày lên thì cũng không thể gọi là an toàn.

Muốn giải toả được chữ “bẩn” trong ngành thực phẩm, chúng ta phải có thêm thật nhiều những trang trại rau sạch, thịt sạch, quản lý thật tốt vấn đề nhập khẩu thực phẩm, có lộ trình để người dân sắp xếp công việc chứ không thể nói giải toả là giải toả ngay.

Theo SGTT

Các tin cũ hơn