‘Thuốc thông minh’ có thật sự thông minh?

Thứ hai, 21/01/2013, 16:48
Khi các kỳ thi đến gần, Jared Gabay, cũng như nhiều sinh viên khác, tìm cách tập trung vào sách vở. Một viên “smart drug,” tạm dịch là “thuốc thông minh,” là cứu cánh Jared Gabay chọn để tỉnh táo học hành.
 Muốn có điểm số cao, nhiều sinh viên dùng “thuốc thông minh” để tăng sự tập trung. (Hình minh họa: Adek Berry/Gettyimages)

Số sinh viên dùng thuốc thông minh, gọi là “smart drug” hoặc “study drug,” không phải là ít tại Hoa Kỳ. Cứ ba sinh viên thì có một dùng bất hợp pháp thuốc thông minh như Addrell hay Ritalin, theo nghiên cứu của Giáo sư Alan DeSantis từ trường University of Kentucky (Mỹ).

“Mình có động lực hơn, không bị chi phối bởi mọi thứ xung quanh,” Jared, chàng sinh viên năm hai ngành Tiếng Anh tại Ðại học Riverside, nói về việc dùng thuốc. “Giờ em chỉ biết viết cho xong bài essay. Không lơ là, không nói chuyện, chỉ có viết bài.”

Addrehall, giới sinh viên gọi là “Addy,” là loại thuốc bác sĩ chuyên kê toa cho người có bệnh hiếu động ADHD. Tuy nhiên, Addrehall không hề khó kiếm trên sân trường đại học. Jared không có bệnh, cũng không có đơn thuốc của bác sĩ, nhưng vẫn dễ dàng tìm ra mối mua thuốc.

“Dễ thôi à, mình không làm gì phạm pháp, đâu phải cần sa đâu,” Jared Gabay nói, “Chỉ cần nhắn tin cho đứa bán, mình đến lấy, vậy thôi.” Sau khi uống một viên “Addy,” Jared thức suốt đêm đọc hết mớ tài liệu anh cần nghiên cứu cho bài luận văn.

Công dụng y tế của các thuốc thông minh là kích thích khả năng nhận thức và được dùng cho bệnh nhân mắc chứng khó tập trung. Sinh viên dùng thuốc để có thể học trong nhiều giờ mà không thấy mệt mỏi, vì thế, điểm số học tập sẽ tăng.

Ngược lại, việc sử dụng bừa bãi có thể dẫn đến các phản ứng phụ của thuốc: gây biếng ăn, mất ngủ, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến não bộ.

Theo Jared Gabay, sinh viên mua bán Adderall ở nhà ăn, trong thư viện, khu nội trú, và rất nhiều nơi khác trong trường. Anh nói: “Ðâu cũng có, khoảng 5 USD một viên. Tới tuần cuối kỳ thì khó kiếm hơn, mà giá có thể mắc hơn năm lần.”

“Chính mấy đứa được kê toa ADHD, mua và bán thuốc cho mấy đứa khác,” Jared nói.

Chính phủ liên bang liệt kê Adderall, và nhiều loại thuốc thông minh khác, vào loại “có khả năng gây nghiện cao nhất trong các loại thuốc cần kê toa.” Theo luật hiện hành, mua bán hay sử dụng trái phép các loại thuốc này sẽ bị truy tố và xử phạt.

Việc các sinh viên là bệnh nhân ADHD dùng thuốc của mình để kiếm lợi từ bạn bè có lẽ khó mà giải quyết ngày một ngày hai. Một trong những nguyên nhân của hiện trạnh này là sự cố gắng đạt thành tích học tập cao bằng mọi giá khi các sinh viên phải cạnh tranh điểm số trên giảng đường đại học.

Tiến sĩ Raymon Kotwicki tại trường y khoa Emory University, lo lắng về các học sinh dùng thuốc thông minh: “Họ thấy cái lợi trước mắt nhưng không thấy nguy hiểm sau này. Thuốc tạo ra các vấn đề về tinh thần và sức khỏe.”

Ðó là ông Raymon nói về các tác dụng phụ của thuốc, những điều mà ngay chính các bác sĩ luôn cảnh báo cho các bệnh nhân ADHD.

Nhiều sinh viên không nghĩ như Tiến sĩ Raymond. Phần lớn sinh viên cho rằng công dụng của thuốc thông minh cũng tương tự như của các nước tăng lực, không có hại như sử dụng bia rượu hay cần sa, trong cùng nghiên cứu của Giáo sư Alan DeSantis.

Với những sinh viên như Jared Gabay, thuốc thông minh phổ biến vì không gây hại mà còn giúp cho kết quả học tập. “Luật cấm không thực sự có hiệu lực. Mà chỉ dùng nó cho việc học tập thì cũng đâu có sao.” Một viên Adderall mang lại hiệu quả tức thì cho Jared. “Trước đây mình toàn điểm C, bây giờ thì B với A thôi.”

Khác Jared, một nữ sinh giấu tên, đang học năm cuối ngành vật lý học tại Ðại Học Berkeley, đã ngưng dùng thuốc thông minh sau mùa học thứ tư tại trường. “Mình thấy mình bắt đầu nghiện nên mình tự bỏ thuốc. Phải bỏ trước khi không kịp. Cứ nói lần này là lần cuối, mà tới bài thi tiếp theo lại lo, lại uống nữa. Nên mình bỏ luôn.” Trả lời cho câu hỏi việc ngưng thuốc có ảnh hưởng đến kết quả học hành hai năm vừa qua không, cô nói “không bao nhiêu.”

 
Thuốc Addrell hay Ritalin, chuyên dùng trị chứng ADHD, ngày càng bị nhiều sinh viên lạm dụng để tăng thành tích học tập.

Các loại thuốc tăng cường tập trung và nhận thức hiện là một phần không thể thiếu trong phương pháp trị liệu dành cho các bệnh nhân ADHD. Trong tạp chí khoa học Nature, các nhà nghiên cứu viết: “Thuốc sẽ giúp cho các cá nhân nói riêng và xã hội nói chung nếu được sử dụng một cách an toàn.”

Ở lứa tuổi 20, không phải thanh niên nào cũng biết được đâu là điểm dừng an toàn trong nỗ lực giành lấy thành tích học tập.

Theo baomoi

Các tin cũ hơn