Cứ vào dịp 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình Việt Nam đều sắm sửa hài mũ, cá chép để tiễn ông Công, ông Táo về trời với niềm mong ước một năm mới nhiều thuận lợi và bình an.
Đón bắt nhu cầu của người tiêu dùng, đồ hàng mã phục vụ cho dịp này đang được bày bán với nhiều mẫu mã từ mũ, quần áo, giày dép, cá chép giấy, cá chép nhựa… bắt mắt và phong phú.
Hàng mã cho ngày ông Công, ông Táo bắt đầu nhộn nhịp. Ảnh: N. N
Năm nay dù kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nhưng ngày ông Công, ông Táo được dự đoán hàng hóa vẫn bán chạy, thậm chí tư thương còn cho rằng, lượng tiêu thụ hàng mã sẽ tăng hơn so với cùng thời kỳ năm trước từ 10 - 15%.
Bà Bùi Thị Phương - một tư thương bán hàng mã trên Hàng Mã (Hoàn Kiếm - Hà Nội) cho rằng, nhu cầu mu vàng mã, đồ lễ phục biếu ông Công, ông Táo năm nay sẽ tăng nhẹ. Giá sẽ tăng thêm từ 20 - 30% so với năm trước.
"Hàng đã đưa vào đầy trong kho, kể cả khách mua tới hàng trăm bộ một lúc cũng có. Nhưng giá năm nay nhỉnh hơn năm trước và hàng ngày càng làm đẹp hơn", bà Phương cho biết.
Nhiều gia đình có điều kiện sắm tới vài triệu đồng tiền hàng mã, "biếu" ông Công, ông Táo. Ảnh: N. N |
Cũng theo bà Phương, việc giá hàng mã có thể vẫn tăng nhưng sức mua vẫn sẽ lớn. Điều này có nguyên nhân từ việc càng khó khăn trong đời sống, trong làm ăn thì nhiều người lại hướng về tâm linh với mong muốn được thanh thản, và gặp nhiều may mắn. Hơn nữa, những hàng hóa phục vụ tâm linh, đặc biệt là hàng vàng mã, giá thế nào, người tiêu dùng mua thế ấy, không mặc cả.
Chị Nguyễn Thị Vui ở Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà Nội cho biết, chuẩn bị cho ông Công, ông Táo về trời, năm ngoái chị mua hết 500.000 đồng mà hàng đã đẹp rồi. Năm nay, chi gần triệu đồng mà hàng vẫn chưa ưng ý. Đó là chưa kể đúng ngày còn phải mua cá chép sống.
"Đồ thờ cúng thì chẳng ai đi mặc cả. Nhưng cứ với cái đà này, chắc giá còn đẩy lên tiếp vào năm sau", chị Vui cho biết.
Từ hai năm nay, Iphone, Ipad bằng giấy rất được ưa chuộng sử dụng trong những dịp cúng lễ. Ảnh minh họa |
Theo khảo sát, tại phố Hàng Mã, khu vực chợ Đồng Xuân, Hàng Quạt… một bộ lễ biếu ông Táo có giá từ 120.000-180.000 đồng/bộ, nếu lấy luôn bộ cúng ông táo kèm theo bộ cúng cho đêm 30 nữa thì có giá 200.000 - 230.000 đồng/bộ; cá chép đơn loại to có giá 180.000 đồng/con, cá chép loại nhỏ được bán với giá 150.000 đồng/cặp.
Chị Hải - nhân viên bán hàng tại số 87 Hàng Mã cho biết, năm nay tưởng khó khăn người dân sẽ không mua nhiều hàng mã. Tuy nhiên, từ vài ngày nay, hàng về tới đâu là bán được tới đó. Giá cả có phần nhỉnh hơn vì công vận chuyển và vật liệu cũng đã tăng.
"Ở đây lấy hàng chuẩn từ Thuận Thành (Bắc Ninh) nên nhiều khách quen đến mua và rất thích. Tuy giá có hơi cao so với hàng ở nơi khác nhưng vẫn bán được. Ngoài hàng ở Thuận Thành, hàng mã có nguồn gốc từ Thường Tín (Hà Nội) cũng đẹp nhưng năm nay không lấy. Hàng Trung Quốc rẻ, đẹp về mẫu mã nhưng có vẻ người dân không còn thích mua như những năm trước", chị Hải nói.
Ngoài những bộ biếu ông Công, ông Táo như thường thấy, gần một năm trở lại đây, hàng mã tô điểm thêm nhiều sản phẩm mới như đồ điện tử, iPhone, iPad, xe SH, nhà lầu… tất cả đều bằng giấy.
Nhiều khách mua hàng hay có quan niệm"trần sao, âm vậy", mua máy tính bảng, iPhone 4, 5 để các ông Táo..."tấu chương" cho thuận tiện. Mỗi sản phẩm giá cũng không quá đắt nên có thể mua thêm biếu ông Công, ông Táo.
Theo VIetQ