Hai lần qua mặt cai ngục bằng trực thăng
Vassilis Palecostas là một trong những tên tội phạm nổi tiếng nhất tại Hy Lạp. Hắn cùng người anh trai ruột Nicos là hai tay cướp ngân hàng nức tiếng. Cả hai được người dân coi là những người hùng giống như nhân vật huyền thoại Robin Hood vì phần lớn những gì cướp được, họ đều chia cho dân nghèo.
Ngoài ra, trong các phi vụ của mình, anh em nhà Palecostas đều cố gắng không gây tổn hại đến những người vô tội. Với "tiếng tăm" như vậy, Vassilis và Nicos cũng có nhiều "ân oán" phức tạp với nhà tù Korydallos - nhà tù lớn nhất tại Hy Lạp. Năm 1990, Nicos từng bị bắt rồi trốn khỏi nhà tù này sau một vụ đào thoát tập thể của tù nhân. Sau đó, hai anh em đã tiến hành một loạt những vụ cướp ngân hàng trong nhiều năm.
Tên tội phạm khét tiếng Hy Lạp Vassilis Paleokosstas (giữa) hiện vẫn ngoài vòng pháp luật sau hai cuộc đào tẩu táo bạo bằng trực thăng. |
Năm 1999, đến lượt cậu em Vassilis cũng sa lưới pháp luật và phải nhận bản án 25 năm tù vì tội bắt cóc, cướp nhà băng. Để giải thoát cho cậu em khỏi cảnh "ăn cơm tù", Nicos đã tổ chức một cuộc vượt ngục táo bạo cho Vassilis. Kịch bản của cuộc vượt ngục này khiến các nhân viên của nhà tù Korydallos vô cùng ngỡ ngàng bởi Nicos hiên ngang sử dụng trực thăng để mang phạm nhân đi, một điều mà họ chưa bao giờ nghĩ tới.
Đó là một ngày tháng 6/2006, khi một chiếc trực thăng đột ngột hạ cánh xuống nóc nhà tù Korydallos. Các giám thị không hề nghi ngờ gì vì nghĩ rằng đây là trực thăng chở một quan chức cao cấp nào đó tới thăm. Chính vì vậy, khi Vassilis và tên bạn tù Alket Rizai của hắn đu thang dây lên máy bay để tẩu thoát, các giám ngục chỉ còn biết đứng dưới tròn mắt nhìn theo.
Khi cảnh sát mở cuộc điều tra, tất cả mới ngỡ ngàng khi biết các thành viên băng cướp do Nicos đứng đầu đã cướp một chiếc trực thăng chuyên chở khách du lịch tham quan vùng bờ biển gần đó, dùng súng đe dọa viên phi công phải chở chúng tới nhà tù để giải cứu hai tên tội phạm. Sau chiến dịch săn lùng gắt gao của cảnh sát Hy Lạp, Nicos bị bắt giữ, tiếp theo đến lượt Alket Rizai. Riêng tên Vassilis thì mãi tới tháng 8/2008 cảnh sát mới bắt lại được.
Trong thời gian được tự do, Vassilis đã kịp tổ chức vụ bắt cóc thương gia nổi tiếng Gregos Milonas - Giám đốc điều hành Công ty Alumin đồng thời là Chủ tịch Liên đoàn công nghiệp phía bắc Hy Lạp ngay tại nhà riêng của ông này. Vassilis đã giam giữ thương gia này trong suốt 2 tuần cho tới khi nhận được tiền chuộc. Nhưng cũng nhờ chính những đồng tiền chuộc đã được bí mật đánh dấu mà cảnh sát đã lần ra dấu vết và lần lượt bắt giữ từng thành viên trong băng nhóm của Vassilis.
Những ầm ĩ của vụ vượt ngục bằng trực thăng đầu tiên ở Hy Lạp này chưa kịp lắng xuống thì ba năm sau, giới quan chức nhà tù Korydallos lại một phen bẽ mặt nữa khi một vụ việc tương tự diễn ra. Điều đặc biệt, kẻ vượt ngục vẫn là hai tên tội phạm ngày nào và cách thức chúng thực hiện không khác gì ba năm trước.
Vụ việc bắt đầu vào giữa buổi chiều 22/2/2009, khi một trực thăng bay lượn vòng trên mái nhà tù rồi nhanh chóng thả thang dây xuống. Ngay lập tức, hai tù nhân Vassilis Paleocostas (42 tuổi) và Alket Rizai (34 tuổi) có sự chuẩn bị từ trước đã đu thang dây để lên máy bay.
Theo lời một số nhân chứng, cai ngục khi thấy hai tên tù nhân trốn đã lấy súng bắn vào chiếc trực thăng nhưng do khoảng cách khá xa nên không thể làm chúng bị thương. Người phụ nữ trên trực thăng cũng đã bắn đáp trả cai ngục bằng súng trường. Chiếc trực thăng sau đó được tìm thấy ở phía bắc Athens nhưng không có dấu vết của những kẻ chạy trốn ngoài viên phi công bị trói và bịt miệng gần đó.
Theo lời khai của viên phi công thì có một cặp vợ chồng đã vài lần thuê chiếc trực thăng của anh ta để đi dạo chơi nhưng lần này họ đã dùng súng và lựu đạn để bắt anh ta phải hạ cánh xuống nhà tù. Người phụ nữ được cho là chủ mưu chính trong phi vụ này được xác định chính là cô bồ trung thành của Vassilis.
Nghi án có sự tiếp tay từ bên trong nhà tù
Vụ vượt ngục lần thứ hai bằng trực thăng của Vassilis đã giáng một đòn nặng nề vào uy tín của nhà tù Korydallos nói riêng và các cơ quan hành pháp của Hy Lạp nói chung. Ngay sau vụ này, Bộ trưởng Tư pháp Hy Lạp đã ký quyết định cách chức 3 quan chức cao cấp gồm: Giám đốc nhà tù Korydallos, Thanh tra trưởng của Bộ về các nhà tù và Tổng thư ký Bộ Tư pháp.
Một góc nhà tù Korydallos. |
Ngoài ra, 8 quan chức và nhân viên khác tại nhà tù Korydallos cũng bị tạm đình chỉ công tác. Theo kế hoạch thì ngày 23/2/2009 là ngày mở phiên tòa đầu tiên xét xử Vassilis Palecostas vì tội cướp nhà băng và bắt cóc, Alket Rizai vì tội giết người. Cả hai chắc chắn sẽ phải nhận một bản án nghiêm khắc hơn vì cuộc vượt ngục táo bạo trước đó.
Có lẽ, sai lầm lớn nhất của phía cơ quan quản lý nhà tù Korydallos là đã để cả hai tên này được tự do đi lại trong sân của nhà tù trước khi ra tòa. Đây chính là cơ hội để chúng có thể quan sát địa điểm và chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc đào tẩu.
Mặc dù hai bị cáo chính đã "cao chạy xa bay" nhưng phiên tòa xét xử chúng vẫn diễn ra vào ngày 24/2 (tức là chậm hơn một ngày so với kế hoạch). Đứng trước phiên tòa là 5 bị cáo bất đắc dĩ: 4 nhân viên bảo vệ nhà tù và viên phi công trực thăng. Các điều tra viên nghi ngờ 5 bị cáo trên có dính dáng tới vụ việc này vì các động cơ khác, chẳng hạn như tiền bạc.
Tuy nhiên, cuối cùng tất cả đều có những lý lẽ để được xử trắng án: Các giám ngục cho biết họ đã cố gắng nhằm bắn vào những kẻ chạy trốn dù phải hứng chịu làn đạn đáp trả, còn viên phi công thì biện minh rằng anh ta buộc phải giúp bọn tội phạm để cứu mạng sống của mình. Một số luật sư của các bị cáo đã từ bỏ vụ án giữa chừng vì cho rằng phiên tòa thực sự là một "trò hề", cảnh sát không thể đưa ra đủ bằng chứng để tổ chức xét xử.
Không thể phủ nhận sự tinh vi của những tên tội phạm nhưng hai vụ đào tẩu cùng một cách thức tại cùng một nhà tù khiến nhiều người không khỏi đặt ra những câu hỏi nghi vấn. Có hay không sự tiếp tay của các nhân viên trong tù? Đây là câu hỏi mà trong suốt những năm qua cảnh sát Hy Lạp vẫn chưa tìm được câu trả lời chính xác nhất. Năm 2010, cảnh sát đã bắt được tên Alket Rizai nhưng tin tức về Vassilis thì đến nay vẫn "bặt vô âm tín".
Ít ai biết rằng, những cuộc vượt ngục bằng trực thăng tưởng như chỉ có trong phim Hollywood lại xảy ra khá nhiều ở hiện thực. Tính đến nay, trên toàn thế giới đã có khoảng gần 50 vụ đào tẩu bằng phương thức "hoành tráng" này. Vụ đầu tiên xảy ra ở Mexico vào ngày 19/8/1971 khi một chiếc trực thăng hạ cánh xuống sân nhà tù Santa Acatitla Martha và giúp Joel David Kaplan - một doanh nhân Mỹ phạm tội giết người trốn thoát. Mới đây nhất là vụ đào tẩu của Aleksey Shestakov (36 tuổi), tên tội phạm mang hai tội danh giết người bị kết án 24 năm tù và đã thụ án được gần 10 năm ở nhà tù tại làng Sheksna, vùng Volgagda, miền Trung nước Nga. Aleksey Shestakov đã đích thân gọi điện thoại từ nhà tù để đặt thuê chiếc trực thăng Mi-2 cho một "phái đoàn cấp cao". Vào 23/3/2012, đồng bọn của hắn ta (gồm một người phụ nữ và một người đàn ông) đã tới nhận đơn đặt hàng và dùng súng khống chế phi công. Khi trực thăng tới nhà tù, đồng bọn hạ thang dây xuống để Shestakov trèo lên từ ban công nhà tù. Khi ra khỏi Vologda, chúng xuống máy bay, thả phi công và lẩn trốn. Tuy nhiên, Aleksey Shestakov không trốn được lâu; cảnh sát đã xác định được vị trí của hắn và bắt giữ lại ngay lập tức. Để thực hiện phi vụ này, Shestakov đã phải chi 68.000 USD cho 2 đồng bọn là Aleksandr Rusakov và Tatyana Vazhalina - trước đó đều đã từng ngồi tù vì phạm tội. Khi bị bắt, Vazhalina khai nhận để thực hiện phi vụ, cô ta đã phải dùng 2 điện thoại với 6 số khác nhau để liên lạc nhằm tránh sự chú ý của lực lượng an ninh. |
Theo Nguoiduatin