Trao đổi với PV, thạc sỹ Tô Đức (Trưởng phòng Công tác xã hội, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Nghị định 67 năm 2007 và Nghị định 13 năm 2010, quy định người bị tâm thần được hưởng trợ cấp hằng tháng, được tiếp nhận vào cơ sở BTXH, được mua bảo hiểm y tế, khi chết được hỗ trợ mai táng phí...
Vụ chạy bệnh án tâm thần tại Hải Dương |
Hơn 200.000 người tâm thần
Hiện có bao nhiêu người được hưởng trợ cấp tâm thần hằng tháng, thưa ông?
Hiện có khoảng 10% dân số bị rối nhiễu tâm trí, trong đó có rối nhiễu tâm thần. Rối nhiễu tâm trí có rất nhiều dạng như do uống rượu, nghiện ma tuý, động kinh, rối loạn trầm cảm... Chiếm tỷ lệ 10% dân số là con số rất lớn nhưng so với nhiều quốc gia, số người rối nhiễu tâm trí tại Việt Nam ở mức trung bình.
Trong đó, số người bị nặng, mãn tính, chữa trị nhiều lần không thuyên giảm, thuộc đối tượng được BTXH và nhận trợ cấp hằng tháng là 200.000 người.
Mức trợ cấp thấp nhất 270 ngàn đồng/người/tháng cho đối tượng xã, phường quản lý; cao nhất 450 ngàn đồng/người/tháng cho đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở BTXH.
Đây là khoản hỗ trợ tối thiểu của Nhà nước, tuỳ vào điều kiện của từng địa phương mức hỗ trợ có thể cao hơn. Ví dụ ở Quảng Ninh mức hỗ trợ gấp 1,5 lần mức quy định.
Vậy đối tượng thế nào mới được xác nhận là tâm thần?
Theo Nghị định số 13/2010/NĐ-CP, đó là những người mắc bệnh tâm thần thuộc các loại tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần đã được cơ quan y tế chuyên khoa tâm thần chữa trị nhiều lần nhưng chưa thuyên giảm.
Ông Tô Đức. |
Nhiều cá nhân lợi dụng để vụ lợi
Ông bình luận gì về hiện tượng có nhiều người cố tình chạy hồ sơ để được hưởng chế độ của người tâm thần?
Chính sách cho người bị tâm thần, người bị rối nhiễu tâm trí là chính sách rất nhân văn, nhân đạo.
Những người bị tâm thần không có khả năng để bảo vệ quyền con người vì họ không có nhận thức, không có khả năng đòi hỏi quyền con người cho mình, họ phụ thuộc hoàn toàn vào Nhà nước, vào cộng đồng.
Bạn bè quốc tế cũng đánh giá những chính sách cho người tâm thần Việt Nam đang đi đúng hướng, toàn diện.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, một số cá nhân vì động cơ vụ lợi. Người ta bằng cách này cách kia, có những việc làm sai trái. Đây là những con sâu làm rầu nồi canh chứ không phải là lỗi hệ thống.
Với những cá nhân, tập thể sai phạm, họ phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khi có những thông tin sai phạm, các cơ quan cần nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xử lý.
8.000 tỷ đồng cho đề án tâm thần 2011-2020 Ông Tô Đức cho biết, Cục Bảo trợ xã hội đang triển khai Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần. Tổng số tiền cho đề án giai đoạn 2011- 2020 khoảng 8.000 tỷ đồng; trong đó huy động từ cộng đồng 5.000 tỷ đồng, Nhà nước hơn 2.000 tỷ đồng, số còn lại là đóng góp của bạn bè quốc tế. |
Báo chí vừa phát hiện vụ chạy bệnh án tại BV Tâm thần Hải Dương, liệu trong quy trình xét duyệt hiện nay có kẽ hở nào không để họ lợi dụng?
Tôi cho rằng, để một chính sách thực thi tốt, cơ quan quản lý cần có báo chí và người dân để giám sát. Để từ đó tìm ra và bịt được lỗ hổng của chính sách.
Cơ quan y tế điều trị một người bệnh tâm thần đều phải có sổ điều trị, có giấy vào viện, ra viện, có kết luận của bác sỹ cả quá trình điều trị của bệnh nhân.
Tất cả các vấn đề này Luật Khám chữa bệnh đã giao thẩm quyền cho cơ quan y tế, ngành lao động không can thiệp được. Do đó, cơ sở y tế làm sai thì họ phải chịu trách nhiệm.
Cơ chế của ngành lao động khi xây dựng thủ tục hồ sơ, về mặt dấu hiệu y tế, bắt buộc phải có hồ sơ bệnh án và có xác nhận của cơ quan y tế.
Còn về dấu hiệu kiểm soát xã hội, để hạn chế tối đa tiêu cực, chính là biện pháp thông qua cộng đồng thôn xóm và biên bản xét duyệt của cấp xã.
Khi làm tại địa phương, anh chủ tịch hoặc phó chủ tịch nể người này người kia có thể làm giúp, nhưng trong số cộng đồng ấy người ta phát hiện ra, người ta có đơn thư đến huyện hoặc sở lao động, lập tức những trường hợp này sẽ phải bị thanh kiểm tra và phải dừng trợ cấp ngay.
Còn thực tế, vẫn có những cá nhân nghĩ ra được nhiều chiêu trò thì cũng khó phát hiện.
Công khai để chống tiêu cực
"Những gia đình có người bị tâm thần thường rất nghèo. Họ đưa con em đi chữa trị nhiều lần rất tốn kém. Nhiều gia đình khánh kiệt, không cho người bị tâm thần đi chữa trị nữa mà nhốt vào cũi. Thậm chí, nhiều gia đình còn không biết được con em bị tâm thần thì được hưởng trợ cấp " Ông Tô Đức |
Nói như vậy, việc xét duyệt chế độ trợ cấp cho người tâm thần không có vai trò của các bệnh viện tâm thần tỉnh?
Về quy trình, người nhà bệnh nhân tâm thần phải có đơn đề nghị, có sơ yếu lý lịch, có bệnh án, nộp hồ sơ lên hội đồng xét duyệt của xã.
Xã xét duyệt đúng là bị tâm thần mới chuyển lên huyện. Huyện rà soát lại hồ sơ, trình chủ tịch huyện ra quyết định hưởng trợ cấp tâm thần.
Còn các bệnh viện tâm thần tỉnh, họ chỉ có vai trò điều trị và chữa bệnh cho người tâm thần chứ không phải là thành phần tham gia xét duyệt.
Theo ông, về lâu dài cần áp dụng biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng chạy tâm thần để hưởng trợ cấp?
Biện pháp hữu hiệu nhất là công khai ở cộng đồng, để cộng đồng giám sát. Tôi thông báo ông A, bà B bị bệnh tâm thần đến tổ dân phố để người dân biết. Qua đó, sẽ biết được người đó có bị tâm thần hay là không. Không ai giám sát tốt bằng chính nhân dân giám sát lẫn nhau để phát hiện ra người đó có bị tâm thần hay không.
Cảm ơn ông!
Theo Tienphong