Cuộc đời của những bé gái bị bán
Cô bé tên là Rukhsana đang quét nhà khi cảnh sát ập vào. Dáng vẻ gầy gò, mảnh khảnh nhưng gây ấn tượng với đôi mắt to, cô bé đứng giữa căn phòng và ôm chặt cây chổi trên tay. Nhân viên cảnh sát Barry cất giọng nói sang sảng hỏi cô bé: "Cháu bao nhiêu tuổi rồi?” Tại sao cháu ở đây"?
Vấn nạn bắt cóc và buôn bán phụ nữ, đặc biệt là các bé gái đang diễn ra ngày càng phức tạp ở Ấn Độ. |
“Cháu 14 tuổi. Cháu bị bắt cóc”, cô bé Rukhsana nhỏ nhẹ trả lời. Tuy nhiên, khi cô bé định mở lời nói thêm một điều gì đó, một phụ nữ lớn tuổi lao tới và quát lên: “Con bé nói dối đấy. Con bé 18, 19 tuổi rồi. Bố mẹ của nó đã bán nó cho tôi”.
Khi cảnh sát chuẩn bị đưa Rukhsana ra xe công vụ, người phụ nữ kêu lên, yêu cầu họ đứng lại. Rồi bà ta nhảy bổ lại gần cô bé Rukhsana và lột lấy đôi bông tai em đang đeo. “Chúng là của tôi”, người phụ nữ nói.
|
Cô bé Rukhsana (ngoài cùng bên phải) kể lại với cảnh sát về quá trình mình bị bắt cóc và cuộc sống địa ngục của em trong một chiếc xe công vụ. Cha của Rukhsana (người đàn ông ngoài cùng bên trái) đứng ngay cạnh chiếc xe, ngóng vào bên trong, lặng người với từng lời kể của con gái. |
Một năm trước, cô bé Rukhsana, 13 tuổi, sống yên ổn bên cha mẹ và 2 người em ruột tại một ngôi làng gần biên giới Ấn Độ và Bangladesh. "Cháu thích đến trường và thích chơi với em gái bé bỏng của cháu", cô bé nhớ lại.
Tuy nhiên, thời thơ ấu với những tháng ngày hạnh phúc của Rukhsana kết thúc khi một ngày, trên đường đi học về, cô bé bị 3 người đàn ông bắt cóc. Những kẻ này tóm lấy Rukhsana và nhanh chóng đẩy em vào trong một chiếc xe hơi rồi phóng vụt đi.
“Họ lôi ra một con dao sắc lẹm và tuyên bố, sẽ cắt cháu thành từng mảnh nếu cháu chống cự”, cô bé hồi tưởng lại.
Sau cuộc hành trình kéo dài 3 ngày và liên tục thay đổi các phương tiện đi lại từ xe ô tô, xe buýt tới tàu hỏa, cuối cùng, những kẻ bắt cóc đưa Rukhsana đáng thương tới một ngôi nhà ở một bang miền Bắc Ấn Độ, bang Haryana, nơi cô bé bị bán cho một gia đình có 4 người.
Gia đình này bao gồm một người phụ nữ lớn tuổi và 3 người đàn ông, đều là con trai của bà. Trong suốt một năm, Rukhsana không được phép bước nửa bước ra khỏi nhà. Cô bé cho biết, cô bị chửi mắng, đánh đập và thường xuyên bị cưỡng hiếp bởi người đàn ông lớn tuổi nhất trong số 3 người con trai của người phụ nữ. Đồng thời, người này tự xưng là chồng của cô bé.
“Người đó từng nói với cháu rằng: “Tao đã mua mày vì thế mày phải làm tất cả những gì tao yêu cầu”. Rồi mỗi ngày cháu đều bị người đó và mẹ của gã hành hạ. Cháu đau đớn nghĩ rằng, mình sẽ chẳng bao giờ còn cơ hội gặp lại cha mẹ và các em một lần nữa. Ngày nào cháu cũng phải rơi nước mắt”, cô bé Rukhsana chia sẻ.
Trong khi đó, Rupa, một cô gái 25 tuổi và đã trở thành một người mẹ cho biết, cô bị bọn buôn người bắt cóc tại quê nhà Bihar trong khi đang đi chợ rồi bị đưa tới tới Haryana. Tại đây, cũng như Rukhsana, cô cũng bị bán cho một gia đình và bị ép buộc phải kết hôn với người con trai trong gia đình này.
"Người chồng ép buộc" của Rupa không thể kiếm được vợ cùng quê nên đã trả tiền để mua cô từ bọn bắt cóc. Cuộc đời Rupa trở thành địa ngục khi sống trong gia đình xa lạ. Cô bị bạo hành không chỉ về thể xác mà còn về tinh thần. Gia đình chồng đã nhẫn tâm ép cô phá thai 2 lần khi biết đứa con mà cô mang trong bụng là con gái. Họ chỉ chấp nhận để cô sinh con khi đứa trẻ là con trai.
Tiết lộ động trời của kẻ buôn người
Các cô gái Ấn Độ đối mặt với nguy cơ cao bị bắt cóc và bị bán bởi những kẻ buôn người tàn nhẫn với hàng loạt thủ đoạn tinh vi. |
Người viết bài này đã gặp gỡ một người đàn ông chuyên hành nghề buôn bán phụ nữ trong một khu ổ chuột ở Calcutta, và được người này tiết lộ về công việc làm ăn của hắn.
"Nhu cầu đang tăng lên và do đó, tôi kiếm được rất nhiều tiền. Cho đến nay tôi đã mua được ba căn nhà ở Delhi. Mỗi năm tôi bán khoảng 150 đến 200 cô gái, tuổi từ 10, 11 đến 16, 17. Tôi không trực tiếp tới các vùng quê để kiếm nguồn hàng. Có nhiều người đàn ông khác làm việc đó cho tôi.
Chúng tôi lừa cha mẹ của các cô gái rằng, chúng tôi sẽ giúp con cái họ tìm công ăn việc làm ở Delhi. Sau đó, chúng tôi cứ việc đưa các nạn nhân đi và bán họ. Chuyện gì xảy ra sau đó với họ không phải thứ tôi quan tâm”, kẻ buôn người cho biết.
Ngoài ra, kẻ buôn người tiết lộ, hắn kiếm được khoảng 55.000 rúp (1.000 USD) cho mỗi cô gái. Tuy nhiên, tiết lộ động trời nhất của tên này chính là, những kẻ buôn người như hắn đã dễ dàng hối lộ tất cả cảnh sát và giới chức địa phương để công việc làm ăn được suôn sẻ.
“Cảnh sát biết những gì chúng tôi làm. Trên đường vận chuyển các cô gái tới nơi họ bị bán, chúng tôi phải qua nhiều trạm cảnh sát và phải hối lộ họ. Chúng tôi lót tay tất cả cảnh sát ở nhiều nơi như ở Calcutta, Delhi hay Haryana. Nếu chẳng may tôi bị bắt và phải đi tù, tôi cũng chẳng việc gì phải sợ. Tôi thừa tiền để chạy án”.
Tất nhiên, cảnh sát Ấn Độ phủ nhận chuyện hối lộ. Người đứng đầu đơn vị điều tra hình sự chống nạn buôn người, đặc biệt là phụ nữ ở Tây Bengal tên là Shankar Chakraborty khẳng định, không có chuyện hối lộ trong đơn vị mình. Ông Shankar Chakraborty cũng tuyên bố, họ luôn kiên quyết xử lý và điều tra triệt để các vụ buôn bán người trái phép.
Đồng thời, ông Chakraborty cũng nhấn mạnh, Chính phủ cũng như lực lượng cảnh sát Ấn Độ đang ngày càng nhận thức sâu sắc hơn và quyết tâm chặn đứng về vấn nạn này. Hiện nay, cứ mỗi đơn vị cảnh sát ở Tây Bengal đều được biên chế một sĩ quan chống nạn buôn người.
Tuy nhiên, khối lượng công việc mà họ phải giải quyết vẫn quá tải. Không thể phủ nhận, lực lượng cảnh sát chống buôn người của Ấn Độ vẫn còn mỏng với khối lượng công việc đồ sộ mà họ phải giải quyết.
“Chúng tôi đã tổ chức các chương trình tập huấn cho cảnh sát cũng như phát động các chiến dịch nâng cao nhận thức về vấn nạn buôn người. Chúng tôi đã giải thoát cho rất nhiều cô gái, ở các bang khác nhau khắp Ấn Độ. Cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn”, ông Chakraborty nhấn mạnh.
Thế nhưng, BBC bình luận, rõ ràng vòng quay của vấn nạn buôn người và lạm dụng phụ nữ ở Ấn Độ vẫn đang tiếp diễn.
Hé lộ nguyên nhân
Theo BBC, hàng chục nghìn bé gái ở Ấn Độ đã "bỗng dưng biến mất" mỗi năm. Các bé gái này bị bán làm nô lệ tình dục ở dọc khắp đất nước. Một số lượng không nhỏ các cô bé bị bắt cóc giống như cô bé Rukhsana bị ép kết hôn với những người đàn ông xa lạ và cuộc sống của họ trở thành địa ngục.
Tình trạng này xảy ra phổ biến nhất ở các bang miền Bắc Ấn Độ, nơi tỷ lệ trai gái chênh lệch đáng kể do hệ quả của tình trạng phá bỏ bất hợp pháp các thai nhi hoặc trẻ sơ sinh mang giới tính nữ.
Các bé gái không được xem trọng ở Ấn Độ. |
Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc cũng cho biết, 50 triệu phụ nữ đã mất tích như là hệ lụy của nạn phá bỏ thai nhi và giết hại trẻ sơ sinh mang giới tính nữ ở Ấn Độ.
“Các cô gái ở đây thực sự rất ít. Có rất nhiều cô gái đến từ Bengal ở đây. Tôi đã phải trả tiền để mua cô gái này”, người phụ nữ đã mua cô gái Rukhsana khóc lóc trong khi cố thuyết phục cảnh sát đừng mang cô bé đi.
Dù không có thống kê chính thức về số lượng các cô gái bị bắt cóc rồi bị bán và bị lạm dụng tình dục ở các bang miền Bắc của Ấn Độ nhưng các nhà hoạt động xã hội tin rằng, con số này đang ngày càng gia tăng. Điều này xuất phát từ nhu cầu phụ nữ ở các bang khá giàu có ở miền Bắc Ấn Độ ngày càng lớn.
Các bang miền Bắc Ấn Độ là nơi nạn bắt cóc, buôn bán các bé gái diễn ra phức tạp và nghiêm trọng nhất. |
“Mọi gia đình ở miền Bắc Ấn Độ đều đang phải đối mặt với một áp lực rất lớn khi trong mỗi nhà đều có những người đàn ông không thể kiếm được vợ và đang tuyệt vọng bởi tình trạng thiếu phụ nữ”, Rishi Kant, một nhà hoạt động xã hội của tổ chức Shakti Vahini cho hay. Tổ chức Shakti Vahini đang hợp tác chặt chẽ với cảnh sát để giải cứu các cô gái là nạn nhân của nạn buôn bán người và bị lạm dụng tình dục.
Tại một huyện được gọi là South 24 Pergana của vùng Sunderbans, Tây Bengal, một khảo sát của BBC tại 5 ngôi làng mang lại kết quả, làng nào cũng có các trẻ em bị mất tích và gần như tất cả đều là nữ.
Trong khi đó, theo một số liệu chính thức mới nhất, gần 35.000 trẻ em đã được báo cáo mất tích ở Ấn Độ trong năm ngoái. Trong đó, 11.000 trẻ em đến từ bang Tây Bengal. Tuy nhiên, cảnh sát cho biết, chỉ có 30% các trường hợp mất tích đã được báo cáo.
Theo Infonet