Nghệ sĩ trẻ Phạm Đình Dũng – gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2012. |
Ngày còn nhỏ, mình vẫn nhớ cứ đến khi mỗi dịp Tết cổ truyền lại được đi nhặt pháo. Ngày ấy, trước cửa nhà mỗi người dân ở quê mình đều có xác pháo hồng trông rất rực rỡ.
Tiếng pháo râm ran, mùi pháo thơm trong không khí đậm chất Xuân với hoa đào nở báo hiệu một mùa Xuân mới đang về.
Mình còn nhớ ở quê có cả những đội múa lân thường xuyên biểu diễn trong những ngày Tết cổ truyền. Mình còn nhớ khi đó những đứa trẻ như mình cứ chạy lăng xăng theo những đội múa lân xem biểu diễn và đi nhặt pháo.
Những hình đó đã quá gần gũi, thân thuộc với những người như mình và ở thế hệ của mình. Đó là những hình ảnh đẹp của Tết cổ truyền của dân tộc.
Hình ảnh những đội múa lân ngày Tết mang đến không khí vui tươi, rộn ràng |
Hiện tại, công việc của mình khá bận rộn. Một năm 365 ngày, nhà hát múa rối Thăng Long nơi mình công tác không nghỉ một buổi diễn nào. Thậm chí, trong những ngày lễ, Tết, một ngày có thể diễn tới 4-5 chương trình.
Tuy công việc rất bận rộn nhưng mỗi khi Tết đến xuân về, mình vẫn dành thời gian đón Tết bên gia đình. Trong nhà mình, mẹ là người gói bánh chưng, vì vậy năm nào mình cũng theo mẹ gói bánh, nấu xôi để thắp hương cho tổ tiên, ông bà.
Điều mà mình thích nhất đó là những ngày gần Tết được đi mua quất, hoa đào, hoa dơn, hoa ly để về trang trí trong phòng khách cho rực rỡ màu hoa để khi khách vào chơi nhà cảm nhận thấy rõ nét không khí của ngày Tết.
Mình muốn Tết đến phải có một không khí trẻ trung, mới mẻ, tràn ngập ngay trong nhà. Mọi năm mình vẫn thường làm những công việc như thế này để đón Tết cổ truyền của dân tộc.
Dù đã lớn và cũng đã đi làm được vài năm nhưng mỗi dịp Tết cổ truyền của dân tộc, mình lại nhận được mừng tuổi từ bố mẹ. Sau đó, mình cũng lì xì lại bố mẹ mong những điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình trong năm mới.
Ngoài ra, mình còn mừng tuổi ông bà và những em nhỏ trong gia đình. Theo mình nghĩ, người con trai, nhất là người con trai chưa có gia đình phải có trách nhiệm san sẻ “cái lộc” ấy cùng mọi người. Mình cũng mừng tuổi mọi người những tờ tiền đỏ để mong may mắn đến với những người thân của mình.
Tục lì xì đầu năm mới của người Việt là một nét văn hóa truyền thống mà không ở nơi đâu có được. Duy trì tục lệ này nhằm mang tới may mắn cho người thân, trước hết là về tiền bạc, sức khỏe và mọi may mắn trong cuộc sống, công việc.
Những hình ảnh về Tết cổ truyền chỉ có ở Việt Nam |
Mình cũng đã từng đọc những chia sẻ của GS Võ Tòng Xuân về việc đề xuất Việt Nam nên ăn Tết ta theo dương lịch. Theo mình nghĩ, cách nói của GS Võ Tòng Xuân cũng mang tính chất chủ quan của cá nhân giáo sư.
Tết cổ truyền của dân tôc phải giữ vì đó là bản sắc riêng. Mình cũng đã từng đi công tác nhiều nước trên thế giới, mỗi nước đều phải có một nét đặc biệt, nét riêng của từng nước. Ví dụ như âm nhạc truyền thống của mình thì đó là những nét đặc sắc mà không ở nơi đâu có được.
Ví dụ loại hình rối nước mình đã đi diễn vòng quanh thế giới thì duy nhất nhà hát của đất nước Việt Nam có rối nước. Chính sự duy nhất đó là điều mình tự hào với bạn bè quốc tế vì bộ môn nghệ thuật đặc sắc và riêng nhất.
Cũng như vậy, Tết âm lịch, một trong những là nét đặc sắc trong truyền thống của dân tộc Việt Nam, phải giữ gìn, bảo tồn và phát huy chứ không được phá bỏ hoặc thay đổi nó bằng những cái khác.
Có những cái mới, mình có thể du nhập thêm vào và cải tiến cho phù hợp với văn hóa Việt Nam.
Mình cũng phải chia sẻ thực sự nếu phải đi biểu diễn xa mà không được ở nhà đón Tết cổ truyền cùng gia đình, người thân và bè bạn thì mình cảm thấy buồn, rất buồn.
Mình có cảm nhận như thế bởi khi đi công tác tại nước ngoài, mình có gặp những người Việt Kiều và có nghe họ chia sẻ. Dù bên nước ngoài, họ có cộng đồng, có gia đình nhưng mỗi khi đến Tết âm lịch, những người con xa xứ cũng buồn lắm.
Buồn vì bởi lẽ tất cả mọi người xung quanh không đón Tết, chỉ có gia đình những người Việt ăn Tết. Đón Tết cổ truyền của dân tộc nhưng không có không khí chung của cả đất nước vì vậy họ cũng rất buồn.
Thực sự từ ngày về nhà hát múa rối Thăng Long chưa bao giờ nghỉ Tết bởi vì tất cả mọi ngày trong năm, nhà hát vẫn diễn như bình thường. Thậm chí còn diễn nhiều hơn vào 30 Tết hay mùng 1 Tết.
Trong khi mọi người đón Tết cổ truyền ấm cúng bên gia đình thì mình lại đi làm. Mùng 1 Tết, mình vẫn phải xách cặp lồng cơm đến nhà hát để chuẩn bị phục vụ cho khách du lịch đến xem.
Nhưng các cụ cũng đã bảo rằng: “Năm hết Tết đến” thì tất cả mọi thứ còn đang dang dở đều có thể dừng lại để về bên gia đình. Cả năm bận bịu công việc ở khắp nơi rồi mà đến ngày cuối năm lại không được về bên gia đình thì đối với mình, mình cảm giác hơi bị tủi thân .
GS Võ Tòng Xuân chia sẻ cũng có ý đúng nhưng đa phần người Việt Nam đều có mong muốn được về với gia đình mỗi khi Tết đến xuân về.
Theo mình có thể rút ngắn thời gian nghỉ Tết âm lịch chứ không nên gộp hai kỳ nghỉ Tết vào một.
Mình nghĩ nếu cái gì ép cũng không tốt. Ngày Tết không chỉ có đào, có quất mà có không khí tự nhiên vốn có của đất trời, của cả lòng người. Cứ đến ngày ấy, giờ ấy mới có không khí như thế. Đấy mới là nét sâu trong tâm hồn của người Việt.
Chúng ta hòa nhập nhưng không nên hòa tan. Những cái gì thuộc về truyền thống văn hóa của dân tộc thì chúng ta phải giữ gìn và phát huy.
Theo VTC