Cưỡng hiếp - vấn nạn quốc gia
Theo kết quả của một cuộc khảo sát hồi cuối tháng 12/2012 của Phòng Hợp tác Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (ASSOCHAM), 92% phụ nữ đi làm cho biết, họ cảm thấy không an toàn, đặc biệt là vào ban đêm tại tất cả các trung tâm kinh tế lớn trong cả nước. Trong số những khu vực đô thị, New Delhi đứng đầu danh sách với 92% số phụ nữ được hỏi tiết lộ, họ cảm thấy không an toàn, tiếp theo là ở Bangalore với tỷ lệ 85% và ở Kolkata với tỷ lệ 82%.
Ngoài ra, phụ nữ Ấn Độ cũng cho biết, họ không cảm thấy an toàn khi làm việc trong các ngành công nghiệp chủ chốt như thông tin, khách sạn, hàng không dân sự, y tế và ngành công nghiệp may mặc.
Phụ nữ Ấn Độ nơm nớp sợ hãi bị tấn công tình dục. |
Một nghiên cứu của Quỹ Phát triển Xã hội ASSOCHAM (ASDF) dựa trên những phản hồi của cả phụ nữ đi làm lẫn không đi làm cho kết quả, 100% người được hỏi cho rằng, nỗi bất an của phụ nữ cả nước chính là thách thức trong nước lớn nhất mà Ấn Độ đang phải đối mặt. Nghiên cứu được tiến hành thông qua một cuộc khảo sát trên phụ nữ sống ở các thành phố lớn và phồn hoa nhất Ấn Độ như Thủ đô New Delhi, Mumbai, Kolkata, Bangalore, Hyderabad, Ahmedabad, Pune và Dehradun.
“Lao động nữ Ấn Độ lo ngại về sự an toàn của chính họ ở ngay cả những nơi như là bệnh viện”, Tổng thư ký của ASSOCHAM, D. S. Rawat nhấn mạnh.
Ngoài ra, nhiều phụ nữ Ấn Độ chia sẻ, họ thấp thỏm lo sợ bị tấn công tình dục mỗi khi ra khỏi nhà. Tại quốc gia 1,2 tỷ người, theo số liệu thống kê tội phạm chính thức của Cục Hồ sơ Tội phạm quốc gia, cứ mỗi 22 phút, lại xảy ra một vụ cưỡng hiếp ở Ấn Độ. Trước làn sóng các vụ cưỡng hiếp nghiêm trọng diễn ra liên tục thời gian qua, tòa án tối cao Ấn Độ tuần trước buộc phải đưa ra cảnh báo, Delhi là nơi hoàn toàn "không an toàn" cho phụ nữ.
Ở Delhi năm ngoái, hơn 600 phụ nữ bị hãm hiếp đã được báo cáo. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, con số thực tế còn cao hơn nhiều bởi nhiều nạn nhân bị cưỡng hiếp chọn cách im lặng, giữ kín chuyện mình bị làm nhục.
Lý do chính là bởi họ không vượt qua được mặc cảm, sự xấu hổ, sợ làm mất danh dự của bản thân và gia đình hoặc thậm chí, sợ mình không được bảo vệ khi nhiều trường hợp người thực thi pháp luật, bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân cũng biến thành yêu râu xanh. Một minh chứng là, đầu tháng này, một cô gái bị 4 người đàn ông hãm hiếp sau đó lại tiếp tục bị làm nhục bởi một sĩ quan cảnh sát có nhiệm vụ thụ lý vụ việc này.
Còn theo Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia năm 2011, bang Tây Bengal của Ấn Độ để xảy ra 29.133 vụ cưỡng hiếp, chiếm 12,7% trong tổng số 228.650 vụ được báo cáo trên khắp Ấn Độ.
Những số liệu trên và một chuỗi những vụ cưỡng hiếp nghiêm trọng xảy ra ở khắp đất nước Nam Á thời gian qua thổi bùng lên các cuộc tranh luận về các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Trong đó, những nguyên nhân chính được tranh cãi nhiều bao gồm sự Âu hóa trong xã hội với chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa hưởng thụ và cá nhân phát triển mạnh mẽ - hệ quả của sự tăng trưởng kinh tế thần tốc; hệ quả của trình trạng phá bỏ thai nhi và trẻ sơ sinh mang giới tính nữ dẫn tới sự mất cân bằng giới tính sâu sắc; một số quan niệm cổ hủ của các nhóm bảo thủ và đặc biệt quan trọng là lỗ hổng trong hệ thống pháp luật đã khiến Ấn Độ không thể kiểm soát và ngăn chặn vấn nạn trên.
Các bé gái Ấn Độ viết thông điệp phản đối cưỡng hiếp sau vụ một nhóm thanh niên ngang nhiên hiếp một nữ sinh 23 tuổi trên xe bus ở Thủ đô Delhi đến chết. |
Lỗ hổng lớn trong hệ thống luật pháp
Sau hàng loạt những vụ cưỡng hiếp nghiêm trọng xảy ra gần đây ở khắp Ấn Độ, các nhà hoạt động nhân quyền nhấn mạnh, tình trạng trên là do đất nước không có một hệ thống pháp luật đủ mạnh mẽ để ngăn chặn các "yêu râu xanh", khiến chúng lộng hành.
Đồng tình với quan điểm đó, các nhóm bảo vệ quyền lợi phụ nữ khác cáo buộc, các biện pháp truy tố "yêu râu xanh” có quá nhiều hạn chế nên mới dẫn đến việc Chính phủ không thể ngăn chặn được các vụ cưỡng hiếp xảy ra trên khắp đất nước.
“Đất nước này đơn giản không có đủ cơ sở hạ tầng bao gồm khả năng triển khai các cuộc điều tra đầy đủ lẫn những phiên xét xử nhanh chóng để bảo vệ phụ nữ, nạn nhân của một cưỡng hiếp hoặc trừng phạt những kẻ tấn công. 6 thập kỷ sau khi độc lập, chúng ta không nên phải chịu đựng những nỗi lo sợ vấn nạn ấy thêm nữa. Một chuỗi những nỗi sợ hãi như vậy cần phải bị xóa bỏ”, bà Sukanya Gupta, điều phối viên của một tổ chức bảo vệ quyền lợi của phụ nữ tên là Swayam có trụ sở tại Kolkata nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo kết quả khảo sát của ASSOCHAM, nguyên nhân quan trọng khiến phụ nữ cảm thấy không an toàn và bị rình rập ở những nơi vắng vẻ, thậm chí, ngay khi họ ra khỏi nhà là vì họ không có khả năng nhận được sự trợ giúp nhanh chóng trong những trường hợp khẩn cấp, như một vụ tấn công tình dục.
Lực lượng cảnh sát Ấn Độ gần như không có khả năng lập tức tới giải cứu nạn nhân trong trường hợp họ gặp nạn. Nhiều phụ nữ ở Kolkata, nơi nhiều người vẫn còn bị sốc sau khi một phụ nữ bị cưỡng hiếp trong một chiếc xe hơi của một nhóm người cố gắng tiếp cận và giả bộ bắt chuyện với cô vào một buổi chiều muộn ở đại lộ Park Street hồi tháng 2 cho biết, họ cảm thấy thất vọng và phẫn nộ vì lỗ hổng trong hệ thống an ninh nội địa.
“Gần Kolkata, một thị trấn ngoại ô tên là Barasat mang tai tiếng rất nặng nề khi để xảy ra hàng loạt các vụ cưỡng hiếp. Trong đó, có nhiều khu vực ở đây, các tai nạn như vậy xảy ra theo định kỳ, lặp đi lặp lại. Thế nhưng cảnh sát địa phương không hề có bất cứ động tĩnh gì, cũng không có bất cứ sự triển khai nào để giúp đỡ và hỗ trợ các cô gái về nhà an toàn”, bà Gupta tuyên bố.
Cảnh sát Ấn Độ chứng tỏ sự bất lực của họ để ngăn chặn nạn cưỡng hiếp sau khi hàng loạt thiếu nữ liên tiếp trở thành nạn nhân của yêu râu xanh trong thời gian qua. |
Còn nạn nhân của vụ cưỡng hiếp ở đại lộ Park Street đã công khai phát biểu trên truyền hình sau hàng loạt các vụ cưỡng hiếp nghiêm trọng ở Delhi rằng, hiện cô vẫn đang phải chờ đợi công lý được thực thi trong khi hai bị cáo đã bỏ trốn và một cuộc xét xử công bằng vẫn chưa diễn ra.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xã hội (CSR) có trụ sở tại New Delhi là Ranjana Kumari nhấn mạnh, Ấn Độ cần phải ngay lập tức xem xét và thảo luận về luật hiếp dâm và định nghĩa về một vụ cưỡng hiếp.
"Việc sửa đổi, bổ sung luật pháp đã được chuẩn bị trong suốt 7 năm qua. Sau nhiều cuộc thảo luận, lấy ý kiến, một loạt các điều luật sửa đổi, bổ sung hoặc các quy định mới đã sẵn sàng để được chính thức đưa vào áp dụng cho toàn xã hội nhưng có vẻ như Chính phủ không mấy sốt sắng để đệ trình vấn đề này lên Quốc hội ", bà Gupta nhấn mạnh.
Nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ này cho biết: "Các điều luật về tấn công tình dục của chúng ta không xác định cụ thể và đầy đủ về một vụ cưỡng hiếp. Luật pháp mới chỉ đề cập đến trường hợp, một phụ nữ bị yêu râu xanh cưỡng đoạt thành công. Còn hàng loạt trường hợp, tình huống khác cần phải được xem xét, cấu thành tội danh. Cũng nhất thiết, cần phải có các biện pháp trừng phạt gia tăng và việc hỗ trợ về tài chính cho nạn nhân trong một vụ cưỡng hiếp không nên bị gọi là “sự đền bù" nữa. Ngoài ra, chúng tôi cũng chống lại bất cứ thỏa thuận hòa giải nào giữa yêu râu xanh và các nạn nhân".
Theo một ước tính chính thức của Chính phủ Ấn Độ, hiện nước này có khoảng 100.000 trường hợp hiếp dâm vẫn chưa được giải quyết ở các cấp tòa án khác nhau.
Còn theo ASSOCHAM, dư luận trong nước đang yêu cầu Chính phủ Ấn Độ phải triển khai lắp đặt hệ thống GPS có tính hiệu quả cao để bảo vệ sự an toàn của phụ nữ, đặc biệt là những người thường xuyên sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Ngoài ra, các công ty, để đảm bảo an toàn và an ninh cho nữ nhân viên của mình, cũng cần lắp đặt các thiết bị an ninh hiện đại nhằm giúp họ tránh nguy cơ bị tấn công tình dục tại nơi công sở.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khẳng định, nhiều biện pháp khác cũng cần được triển khai đồng bộ, như cảnh sát phải kiểm tra, xác minh thân thế của tất cả các lái xe taxi trong khu vực họ quản lý.
Theo Infonet