Nhiều người cho rằng, văn bản phản hồi của UBND thành phố giúp họ giữ niềm tin về một cơ quan mà lâu nay họ tin cậy.
“Không đúng thì không tự tin phản hồi”
Ngày 20/1, trả lời phỏng vấn NTNN, ông Trương Đình Thanh (91 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Phước, quận Hải Châu) chia sẻ: Tôi cho rằng sự thật không hoàn toàn như trong kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP). Chúng tôi không có cơ sở để phản đối nhưng chúng tôi tin UBND thành phố không thể phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng như vậy.
Thành phố Đà Nẵng thời gian qua làm rất tốt việc xây dựng chỉnh trang đô thị.
|
Ông Thanh lý giải, UBND thành phố đã giúp cho Đà Nẵng phát triển rất nhiều: “Nếu ai đã sống và làm việc ở thành phố này cỡ 20 năm sẽ nhận thấy TP.Đà Nẵng thay đổi quá nhiều, nhất là phường Thuận Phước.
Trước đây, đây là một phường ven biển nghèo thì nay Thuận Phước đã là những khu phố mới khang trang. Hồ Đầm Rong nhếch nhác ngày nào giờ trở thành khu dân cư sầm uất, đường sá khang trang, đi lại thuận tiện. Hồi năm 1985 khi tôi còn là Phó Chủ tịch UBND phường, lúc đó khu Đa Phước không có đường đi, thường xuyên bị sóng biển xâm lấn, dân cư phức tạp, không có điện, nước...
Bây giờ bến cá Thuận Phước cũng đã nâng cấp thành cảng du lịch xinh đẹp. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy sự thành tâm của lãnh đạo thành phố. Nếu một cơ quan nhiều sai phạm như kết luận của TTCP thì liệu có thể làm cho Thuận Phước nói riêng và Đà Nẵng nói chung phát triển như hiện nay được không?”.
Ông Trần Mạnh - cán bộ hưu trí phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê tỏ ra rất vui mừng khi báo chí loan tin về văn bản trả lời của UBND thành phố.
“Văn bản của UBND thành phố được triển khai nhanh, chỉ sau 1 ngày TTCP công bố kết luận. Văn bản có nội dung cụ thể, lý luận sắc bén và hợp lý. Có làm đúng thì mới nhanh chóng và tự tin phản hồi như vậy được chứ!” - lời ông Mạnh.
“Đấu” từng điểm một
Vào trưa 19/1, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đã ký văn bản "Phản hồi của TP. Đà Nẵng về kết luận của TTCP về việc chấp hành pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và một số dự án đầu tư liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất tại TP. Đà Nẵng".
Trước khi ký văn bản này, ông Văn Hữu Chiến đã thống nhất nội dung với Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh. Cụ thể, UBND TP.Đà Nẵng không đồng ý phần lớn nội dung kết luận của TTCP, nhất là việc TTCP kết luận rằng Đà Nẵng đã gây thất thoát ở 6/46 dự án thanh tra, với số tiền lên trên 3.400 tỷ đồng.
Theo UBND thành phố, việc TTCP thanh tra 46 dự án, trong đó có một số dự án, TTCP lấy giá đất của Hội đồng thẩm định giá đất thành phố làm căn cứ chính rồi so với giá đất mà UBND thành phố quyết định có sự chênh lệch, và kết luận là thất thoát là không có cơ sở.
"Theo quy định, việc phê duyệt giá đất để thu tiền sử dụng đất thuộc thẩm quyền của UBND thành phố. Hội đồng thẩm định giá đất thành phố do UBND thành phố thành lập gồm đại diện Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Cục Thuế thành phố, Văn phòng UBND thành phố chỉ là bộ phận tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo UBND thành phố trong việc xem xét và quyết định giá đất.
Trong văn bản phản hồi, ông Chiến cũng cho biết, UBND TP. Đà Nẵng đã có công văn đề nghị Bộ TNMT, Bộ Tài chính, Bộ KHĐT sớm sắp xếp thời gian vào làm việc với thành phố để xác minh làm rõ theo sự việc mà TTCP kết luận theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. |
Chính vì điều này nên việc đồng ý giảm, tăng hoặc giữ nguyên giá đất theo đề nghị Hội đồng Thẩm định giá đất thành phố là việc làm bình thường và đúng thẩm quyền của UBND thành phố” - trích văn bản.
Văn bản của UBND thành phố cũng phản ứng với từng ví dụ cụ thể mà kết luận của TTCP nêu ra.
Đơn cử như 2 khu đất ký hiệu A4, A5 khu đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc giao cho Công ty Phú Mỹ. Ở 2 khu đất này, TTCP kết luận: “Khu đất A4, A5 (khu dân cư đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc), năm 2007 chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Xây dựng thương mại Phú Mỹ để xây dựng chung cư, căn hộ cao cấp, văn phòng cho thuê và khách sạn du lịch, lãnh đạo UBND thành phố và Hội đồng không xác định theo giá đất ở mà giữ nguyên giá theo giá đất sản xuất kinh doanh (bằng 0,7 giá đất ở) gây thất thu cho ngân sách.
Đến năm 2010, Công ty cổ phần Xây dựng thương mại Phú Mỹ chuyển nhượng cho Công ty Bất động sản Phương Trang với số tiền là 285.645.920.000 đồng. Chênh lệch so với giá của thành phố xác định năm 2007 là 22.680.432.000 đồng”.
UBND cho rằng kết luận vậy là không có cơ sở. Vì Hội đồng thẩm định giá đất thành phố đề xuất mức giá khởi điểm để đấu giá đất theo mục đích sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp là 2.570.000 đồng/m2 và được UBND thành phố quyết định theo đúng đơn giá nêu trên.
Sau khi đăng báo công khai đấu giá theo quy định của pháp luật nhưng hết thời hạn quy định vẫn không có tổ chức, cá nhân nào tham gia đấu giá và chỉ có Công ty cổ phần Xây dựng thương mại Phú Mỹ có đơn xin nhận quyền sử dụng đất và được UBND thành phố thống nhất giao quyền sử dụng 2 khu đất A4, A5 với đơn giá sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp 2.570.000 đồng/m2.
Sau khi công ty này nộp toàn bộ tiền sử dụng 2 khu đất và được UBND thành phố cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo giấy chứng nhận đã cấp cho Công ty Phú Mỹ (số AK280458 và AK280459) thì mục đích sử dụng các khu đất này là đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp.
Như vậy, UBND thành phố thu tiền sử dụng đất đối với Công ty Phú Mỹ là đất sản xuất kinh doanh, không phải là đất ở như ý kiến của TTCP...
Ông Trần Văn Minh - Phó ban Tổ chức T.Ư, nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng: “Kết luận chưa đúng với hoàn cảnh”
Liên quan đến kết luận của TTCP, ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng ban Nội chính Trung ương, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định những kết luận sai phạm về quản lý đất đai gây thất thoát nguồn ngân sách nhà nước của TTCP là không có cơ sở, thiếu tính thuyết phục và không đi sát với thực tế. Ông Thanh cho rằng việc phê duyệt giá đất để thu tiền sử dụng đất thuộc thẩm quyền của UBND thành phố - Hội đồng thẩm định giá đất thành phố gồm đại diện Sở Tài chính, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng, Cục Thuế thành phố. Việc đồng ý giảm, tăng hoặc giữ nguyên theo đề nghị của Hội đồng thẩm định giá đất thành phố là việc làm bình thường và đúng thẩm quyền. Cũng theo ông Thanh, việc Đà Nẵng áp dụng giảm 10% cho các tổ chức, cá nhân nộp đủ tiền sử dụng đất trong vòng 30 ngày sau khi nhận đất tái định cư là vận dụng các chủ trương của Chính phủ, "điều này có lợi là thành phố thu được tiền ngay để đầu tư các công trình, không để tiền bị trượt giá mà dân cũng có lợi, sao gọi là sai phạm?". Trong khi đó, nguyên Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Trần Văn Minh (hiện là Phó Trưởng ban Tổ chức T.Ư) cũng cho biết: “Nội dung kết luận của TTCP "liên quan đến 3 đời chủ tịch" là ông Huỳnh Năm (đã nghỉ hưu), ông Hoàng Tuấn Anh (hiện là Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) và tôi. Tôi chỉ là một phần. Chuyện đó cũng cũ rồi". Trả lời câu hỏi rằng "kết luận của TTCP có liên quan đến một giai đoạn ông làm chủ tịch, tức có liên quan đến cá nhân ông, vậy ông có bình luận, giải trình gì không?", ông Minh cho biết: "Thành quả có nhiều, còn khuyết điểm thì mới chỉ là quan điểm của cơ quan thanh tra, chứ UBND TP. Đà Nẵng vẫn đang tiếp tục giải trình. Tôi nghĩ rằng kết luận chưa thật sự đúng với hoàn cảnh của thành phố, chưa phù hợp với một số chủ trương của thành phố . Còn cá nhân tôi, tôi cũng bình tĩnh, tới đây cái gì liên quan đến mình thì tôi sẽ trả lời". |
Theo Danviet