1. Tân Tổng thư ký ASEAN sẽ lãnh đạo như thế nào?
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Lương Minh nhậm chức Tổng thư ký ASEAN từ ngày 1/1/2013. Ông sẽ phải xỏ vào một đôi giày lớn khi mà người tiền nhiệm của ông, Surin Pitsuwan, đã chứng tỏ là một nhà lãnh đạo năng động trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua và được đánh giá là người lãnh đạo ASEAN hiệu quả nhất từ trước tới nay.
Nếu nhiệm vụ của ông Surin là biến ASEAN thành một cái tên quen thuộc trên trường quốc tế, thì nhiệm vụ của ông Lê Lương Minh sẽ là bảo vệ vị trí trung tâm của Hiệp hội sau khi vượt qua các thách thức cả bên trong và bên ngoài.
Kinh nghiệm ngoại giao dày dạn của ông sẽ có ích cho việc đạt các mục tiêu chính mà ông đặt ra, trong đó có thúc đẩy hội nhập kinh tế và các cuộc đàm phán về biển Đông.
Cũng sẽ rất đáng tò mò để chờ xem liệu ông Lê Lương Minh có thể đạt tiến bộ trong một số cuộc cải cách mà ông Surin đã thúc đẩy, như củng cố Ban thư ký ASEAN, hay không.
2. Những làn sóng mới ở biển Đông?
Năm 2012 đã chứng kiến căng thẳng leo thang tại biển Đông liên quan đến tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines tại bãi cạn Scarborough, chia rẽ sâu sắc trong lòng ASEAN, và vụ Bắc Kinh phát hành loại hộ chiếu điện tử có in bản đổ "đường 9 đoạn" hòng mong các nước khác thừa nhận những yêu sách thái quá của họ.
Vậy điều gì sẽ diễn ra trong năm 2013? Liệu khu vực này có đạt tiến bộ hướng tới việc lập một bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) mang tính ràng buộc, hay sẽ là một làn sóng xác quyết khác của Trung Quốc kéo theo những trả đũa của các nước có tranh chấp, hay một chút yên bình trước một cơn bão mới?
3. Liệu chính sách "tái cân bằng" của Mỹ có được duy trì?
Chính sách chuyển "trọng tâm", hay "tái cân bằng", hướng tới châu Á - Thái Bình Dương, của Mỹ nhận được cả sự hài lòng pha lẫn nghi ngại của các nước Đông Nam Á.
Sự hoài nghi xuất phát từ thực tế là sự hiện diện tăng cường của Mỹ trong khu vực này có thể không kéo dài vì những khó khăn kinh tế và chia rẽ chính trị ở bên trong nước Mỹ, cộng thêm những xao nhãng tại các khu vực khác, và sự ra đi của những nhân vật năng động như Hillary Clinton và Kurt Campbell. Giới chức Mỹ nhấn mạnh rằng những lo ngại như vậy là thái quá.
Tuy nhiên, năm 2013 sẽ là năm để đánh giá Đông Nam Á có vị trí như thế nào trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Barack Obama trong nhiệm kỳ hai.
4. Liệu ASEAN có thể thống nhất?
Cựu Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan đã nhiều lần nhấn mạnh rằng thách thức chính của Hiệp hội này sẽ là liệu các thành viên có thể hướng tới hội nhập khu vực lớn hơn hay không.
Dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong năm 2012, nhưng một số vấn đề đã khiến ASEAN phải hoãn lại việc khởi động Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) gần một năm, tới cuối năm 2015.
Quan trọng hơn bất kỳ mốc thời gian nào, đó là việc các quốc gia Đông Nam Á có thể vượt qua các bất đồng của mình trong năm 2013 không chỉ vì lợi ích của việc thống nhất khu vực mà còn vì một sự hội nhập lớn hơn của toàn châu Á, châu lục mà ASEAN chiếm vị trí đầu tàu.
5. Tăng trưởng sẽ "mạnh" tới mức nào?
Có một số dự báo tăng trưởng kinh tế tại Đông Nam Á trong năm 2013 sẽ rất mạnh mẽ. Dự báo công bố hồi tháng 11/2012 của OECD cho rằng tăng trưởng Đông Nam Á sẽ bắt đầu trở lại một mức trước khủng hoảng, và đạt trung bình 5,5% vào năm 2017.
Theo tổ chức này, Đông Nam Á sẽ được chứng kiến lượng cầu trong khu vực và tiêu dùng tư nhân cũng như đầu tư tăng trưởng mạnh, nhiều hơn là xuất khẩu, chính vì vậy, khu vực này sẽ tránh được tác động từ mức tăng trưởng chậm lại ở Ấn Độ và Trung Quốc.
Đầu tháng này, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đã sửa lại dự báo tăng trưởng khu vực Đông Nam Á từ 5,2% lên 5,3%. Nhưng chìa khóa sẽ là mức độ các nguy cơ trong năm 2013 - nhất là những vấn đề dai dẳng ở châu Âu và những bất chắc ở Mỹ - có thể làm ảnh hưởng tới các triển vọng tăng trưởng trong khu vực.
6. Brunei liệu có làm tốt nhiệm vụ trên "ghế nóng"?
Tập trung vào từng quốc gia cụ thể, mọi con mắt sẽ đổ dồn về Brunei trong năm 2013 khi nước này nắm giữ cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN.
2012 đã là một năm với nhiều vấn đề đối với Chủ tịch Campuchia khi Phnom Penh dẫn tới (và một số người nói là phải chịu trách nhiệm vì) thất bại chưa từng thấy của Hiệp hội này vì không thể ra một thông cáo chung trong hội nghị cấp cao.
Một số người cho rằng những nước nhỏ hơn hoặc kém phát triển hơn trong ASEAN sắp giữ chức chủ tịch luân phiên Hiệp hội - như Brunei năm 2013, Myanmar năm 2014, Lào năm 2016 - sẽ là một nguyên nhân để lo ngại.
Dù Brunei thường muốn ở thế yếu trong tranh chấp, (họ vốn là một trong những nước có yêu sách tại biển Đông, khác với Campuchia), nhưng họ có thể tỏ ra là một lãnh đạo có năng lực và đưa ra một đường hướng mạnh mẽ, cứng rắn hơn chống lại Bắc Kinh.
7. Thay đổi hay tiếp tục tại Malaysia?
Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã phải giải tán quốc hội và kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử trước ngày 28/4/2013, cuộc bầu cử mà đảng Barisan Nasional (BN) của ông sẽ tìm cách giành lại những ghế đã mất trong cuộc bỏ phiếu năm 2008 để có được đa số 2/3.
Dù BN đã đưa đất nước qua một năm 2012 kinh tế phát triển tốt đẹp, nhưng một loạt các vụ bê bối tham nhũng và sự không hài lòng ngày càng lớn của các cử tri người gốc Ấn Độ và gốc Trung Quốc cũng như của giới trẻ có thể đặt ra nhiều vấn đề đối với đảng của ông Najib trong cuộc bầu cử tới.
Trong khi ít người cho rằng liên minh chính trị đắc cử lãnh đạo lâu nhất thế giới này sẽ thất bại, lại có nhiều người dự báo đây sẽ là một cuộc đua sít sao giữa đảng của ông Najib với những lợi thế tiềm ẩn, với phe đối lập do cựu Phó Thủ tướng Anwar Ibrahim dẫn đầu.
8. Liệu "mùa xuân Myanmar" có tiếp tục?
Trong khi nhiều người tiếp tục ngạc nhiên về những tiến bộ hiện nay trong cải cách ở Myanmar, một số khác lại tỏ ra thận trọng rằng tiến bộ này vẫn có thể bị đảo ngược. Một số cuộc biểu tình trên đường phố rất có thể làm con tàu chệch đường ray, hoặc trì hoãn thay đổi.
Đó có thể là phản ứng của những người lạc hậu, và có thể của quân đội - hiện vẫn hùng mạnh; có thể là những cuộc biểu tình dẫn ở các khu vực dân tộc thiểu số vượt qua ngoài tầm kiểm soát; và nguy cơ đối với sức khỏe của vị Tổng thống đã cao tuổi U Thein Sein và lãnh đạo phe đối lập Aung San Suu Kyi - hai nhân vật rất quan trọng trong các nỗ lực cải cách. Liệu "mùa xuân Myanmar" có kéo dài qua năm 2013?
9. Philippines có mãi là viên kim cương?
2012 đã là một năm đặc biệt tốt đẹp đối với Philippines. Về kinh tế, nước này nằm trong danh sách nước có tăng trưởng nhanh nhất châu Á, sau Trung Quốc, và thị trường chứng khoán liên tục phá vỡ kỷ lục. Một số chuyên gia gọi đây là "viên kim cương của khu vực".
Các thành quả khác ngoài địa hạt kinh tế cũng rất đáng kể, trong đó có việc ký kết một thỏa thuận hòa bình bước ngoặt với Mặt trận Hồi giáo giải phóng Moro (MILF) và thông qua đạo luật cải cách thuế khóa lịch sử...
Tổng thống Benigno Aquino III đã nhận được tỷ lệ ủng hộ cao và nói rằng năm 2013 sẽ là một năm tốt hơn nữa. Nhưng các kỷ lục trong 2012 sẽ khó có thể "đánh bại", và những thách thức lớn vẫn còn, từ tỷ lệ thất nghiệp và tham nhũng trong nước tới các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở bên ngoài.
10. Các cuộc bầu cử ở Campuchia sẽ đem lại điều gì?
Từ giữa năm 2012, một số người đã tuyên bố rằng chiến thắng ngoạn mục của đảng Nhân dân Campuchia của Thủ tướng Hun Sen trong các cuộc bầu cử địa phương tháng Sáu là dấu hiệu cho thấy ông sẽ giành một chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7/2013.
Nếu như vậy, ông Hun Sen sẽ bảo vệ vị trí của mình trong câu lạc bộ 10 vị lãnh đạo được dân bầu ra tại vị lâu nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, những nhân tố như sự nổi lên của hai đảng đối lập hàng đầu Campuchia, và sự không hài lòng của trong các vấn đề như cải cách ruộng đất sẽ đặt ra không ít nguy cơ, có thể giúp phe đối lập giành thêm ghế.
Danh sách trên tất nhiên vẫn chưa đầy đủ. Nó không kể tới một số vấn đề khác và nhiều nước khác có thể được hoan nghênh nhiệt liệt trong năm 2013 như những con thiên nga trắng tiềm năng rất khó dự báo. Tuy nhiên, 10 sự kiện nói trên đã cho thấy năm con rắn sẽ không thể là một năm buồn tẻ đối với Đông Nam Á.
Theo VNN/The Diplomat