Người cao cổ Karen

Thứ hai, 21/01/2013, 14:46
Chiang Rai là một trong những cố đô Thái Lan nằm về phía Bắc Thái. Ðây cũng là vùng Tam Giác Vàng (Golden Triangle) nổi tiếng của 3 xứ Miến-Thái-Lào. Ngày xưa nơi đây một thời vang bóng về thuốc phiện cần sa và đồng thời người ta cũng thường nghe nói đến về phụ nữ người Karen với phương cách làm đẹp lạ lùng là đeo các vòng kiềng vào cổ, làm cho cổ như cao lên. Ðây là một thời trang mà dân tộc thiểu số Karen cho là tuyệt mỹ.

 

 Khu vực Tam giác Vàng Miến-Thái-Lào

Dân tộc Karen (Kayin trong ngôn ngữ Miến Ðiện) là bộ tộc nằm dọc theo phía Ðông Nam xứ Miến và ở rải rác bên biên giới Miến Ðiện-Thái Lan. Tuy gọi là một dân tộc thiểu số nhưng đây lại là một bộ tộc khá lớn với dân số gần 7 triệu dân và một số ít khoảng 350.000 dân nằm trong lãnh thổ phía Tây Bắc Thái bên dãy Mã Hồng Sơn.

Trong số dân ít ỏi này có một số là người Karen đến sinh sống trong lãnh thổ Thái. Với điểm đặc biệt về nét cao cổ của người phụ nữ hiếm thấy trên thế giới, người Karen đã trở thành một điểm du lịch thu hút du khách khi đến du ngoạn thành phố Chiang Rai và khu vực Tam giác Vàng. Hình như có tất cả 3 “khu làng của người Karen” được tạo lập gần Chiang Rai và giờ đây trở thành một điểm du lịch tại vùng Tây Bắc Thái Lan nhằm lôi kéo sự hiếu kỳ của du khách về bộ tộc Karen.

Sinh hoạt buôn bán trong khu làng Karen

Không phải người phụ nữ Karen khi sinh ra đã là những người phụ nữ cao cổ bất bình thường, mà đây là một tiến trình buộc những người thiếu nữ Karen phải chịu đựng những đau đớn một khi họ đã muốn làm đẹp theo ý họ. Làm cho cổ cao thêm hơn bình thường là một phong tục mà người Karen cho là đẹp, cho là một nét văn hóa độc đáo riêng của họ.

Ngay từ thuở nhỏ khoảng chừng 5-6 tuổi, các cô bé Karen đã được người mẹ tập đeo vòng kiềng vào cổ. Số vòng đồng quấn quanh cổ được tăng dần lên theo sự cao lớn của đứa bé. Có dịp đến tận nơi, gặp gỡ những phụ nữ Karen cao cổ và tìm hiểu thông tin về tiến trình làm cao cổ, cũng như xem cách sinh hoạt hàng ngày của họ; người ta mới nhận thấy rằng mỗi bộ tộc hay dân tộc đều có những điều mình không thể giải thích và hiểu được tại sao họ lại làm như thế.

Người ta chứng minh được rằng các vòng đeo cổ nặng trĩu (khoảng 4kg) trên cổ người phụ nữ không phải làm cho cổ họ dài thêm ra, nhưng vì vòng đeo nặng quá nên ấn phần dưới xương cổ thấp xuống, tạo cho cổ người phụ nữ trông như dài thêm ra. Chính vì thế mà phần xương cổ rất yếu, đầu của họ luôn dễ cúi về phía trước hơn. Nhất là khi xem họ ngồi dệt vải, đầu và lưng của người phụ nữ Karen gần như tạo thành một góc 90 độ.

Lúc nào họ cũng để một tấm khăn nhỏ giữa cổ và vòng đeo như để thấm mồ hôi. Tấm khăn nhỏ này trông thế mà cũng tạo ra một nét rất dễ thương nơi những người cao cổ Karen. Nhưng những người phụ nữ này không chỉ có vòng đeo cổ mà họ còn “bó” cả hai chân bằng những vòng kiềng phía dưới đầu gối một chút. Mục đích chính là để cho các vòng kiềng này thích ứng với nhau, làm tăng thêm vẻ đẹp cả người.

 

Một phụ nữ Karen trung niên.

Nếu có ai hỏi tôi nét cao cổ ở người phụ nữ như thế có đẹp không? Tôi cũng không ngần ngại nói ngay ý kiến của mình là dáng họ trông rất đẹp.

Có đôi lần cảm thấy tò mò và muốn tìm hiểu thêm về những cảm giác bất tiện của người phụ nữ khi họ phải đeo vòng cao nặng trên cổ như thế, tôi được họ cho biết không có điều gì làm cho họ khó chịu. Chỉ trừ mỗi lần thay vòng, tăng thêm độ cao vòng đeo thì họ phải chịu một thời gian đau đớn. Nhưng đồng thời, đây cũng là lúc mà họ có dịp tắm vòng quanh cổ cho thoải mái. Còn ngoài ra họ sinh hoạt hàng ngày bình thường, họ cũng đàn hát, dệt vải, làm lụng công việc hàng ngày.

Những thiếu nữ Karen không ít người rất dễ thương, xinh đẹp. Thoáng trông qua tưởng như họ còn rất trẻ, như thực tế thì không như thế! Họ cũng có mái ấm gia đình, cũng sinh con như tất cả mọi người. Họ rất thích trang điểm, làm đẹp. Một tấm gương nhỏ bên chiếc bàn chân cao chân ngắn, những khăn vải màu sắc quấn trên đầu khiến cho phụ nữ Karen khác hẳn những phụ nữ của các bộ tộc thiểu số khác.

 

 Cách đeo vòng cổ của người phụ nữ Karen.

Nhưng nét đẹp nào cũng có những điểm yếu của nó, người cao cổ nếu bị tháo vòng đeo cổ thì cũng như bị bản án tử hình treo vì họ rất dễ bị gãy cổ. Nếu một người phụ nữ Karen nào phạm tội ngoại tình thì vòng đeo cổ sẽ được tháo ra như là hình phạt dành cho họ.

 

Sự ảnh hưởng xương cổ khi đeo vòng nặng gần 4 kg.

Phần lớn các phụ nữ Karen ở đây đều có “sạp hàng” bày biện những món hàng như khăn quàng cổ, có những khăn do chính họ dệt bán cho du khách nhưng cũng có nhiều món hàng mà tôi biết chắc là made-in-China cũng được họ bán để kiếm chút lời. Họ lúc nào cũng nở nụ cười kín đáo nhẹ nhàng chào hàng du khách.

Lòng chùng xuống vì mình không thể nào giúp hết được cho họ. Những đôi lúc bất chợt, tôi có cảm giác hình như người phụ nữ trung niên Karen nào cũng có điều gì tư lự, có cái nhìn như từ ở một nơi xa vắng nhìn về chính họ

Thiếu nữ Karen trang điểm với vòng kiềng đeo cổ

Nỗi xa vắng đó phải chăng là nỗi lòng của những người tạm dung trên đất khách.

 

 Một phụ nữ Karen tư lự bên quầy hàng nhỏ bé của mình

Chính quyền Thái Lan đã biến đời sống của họ như là một tụ điểm du lịch, mời mọc du khách đến du ngoạn vùng Tây Bắc Thái. Ở đây, tôi chỉ muốn viết về cái nét đẹp người, nét đẹp thẩm mỹ trong nền văn hóa dân tộc thiểu số Karen giới thiệu đến người đọc.

 

Tiếng đàn hát của người phụ nữ Karen.

 

Dệt vải là một trong những cách kiếm sống của người Karen.

 

Hai mẹ con người Karen làm đẹp theo cách làm cao cổ.

Theo baomoi

Các tin cũ hơn