Luật hóa người lao động được hưởng 15 tháng lương?

Thứ hai, 21/01/2013, 14:41
"Thưởng Tết phải được nâng lên thành văn hoá, cũng như văn hoá lì xì. Mặt khác, thưởng Tết cũng nên được nâng lên thành chính sách, luật pháp hoá. Theo tôi phải quy định trong luật nội dung: người lao động được hưởng 15 tháng lương", - TS Nguyễn Thị Lan Hương – Viện trưởng Viện khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) cho biết.

Theo TS Lan Hương, hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn xem như thưởng Tết như một cái gì đó mang tính chất "ban phát", nhưng đó là tiền của người lao động đáng được hưởng.

thuong Tet

Thưởng Tết nơi thì quá cao, nơi không có

Bà Hương cho rằng, thưởng Tết thực ra là tiền lương của người lao động nhưng thể hiện sự chia sẻ sau một năm làm việc. Người lao động họ chỉ biết chờ đợi, họ không có được sự chủ động yêu cầu thưởng tết xứng đáng.

"Tôi không gọi là thưởng Tết mà gọi là tiền tết. Tiền mà tất cả mọi người đều có thì không thể gọi là thưởng. Tiền Tết được trích từ quỹ phúc lợi cơ quan, điều này được đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ. Tôi xem việc lo tiền tết cho anh em là nghĩa vụ của mình, nên không xem nó là gánh nặng. Tôi luôn cố gắng để tiền tết năm sau cao hơn năm trước".

Vì thế, theo bà thưởng Tết phải được nâng lên thành văn hoá, cũng như văn hoá lì xì. Mặt khác, thưởng Tết cũng nên được nâng lên thành chính sách, luật pháp hoá. Theo tôi phải quy định trong luật nội dung: người lao động được hưởng 15 tháng lương. Cái này bên Singapore họ đã làm rồi.

Đối với công chức cũng cần được hưởng mức lương 15 tháng/năm. Nhưng thực hiện được điều này thì còn nhiều vướng mắc. Chẳng hạn như quy định về lương tối thiểu 12 tháng nếu trả 15 tháng thì ngân sách sẽ “đội” lên.

Bà Hương cho rằng, chính sách người lao động được nhận 15 tháng lương sẽ tạo nên một văn hoá gắn bó, nếu họ bỏ việc giữa chừng, sẽ chỉ nhận được 80% thu nhập mà thôi. 15 tháng lương 1 năm tạo cho người lao động tâm lý yên tâm làm việc. Cơ chế càng công khai minh bạch, càng chia sẻ thì càng tạo ra năng suất lao động cao hơn (năng suất mềm).

Về sự chênh lệch thưởng Tết quá lớn, nơi thì trăm triệu, nơi mấy chục ngàn, bà Hương bày tỏ: "Tôi nghĩ đó không phải là thưởng Tết. Về nguyên tắc, thưởng Tết không vượt quá 30% tiền lương. Thưởng Tết cả tỷ đồng chỉ để hợp lý hoá thu nhập thôi".

Theo số liệu của Cở LĐTBXH TP Hà Nội, mức thưởng Tết âm lịch cao nhất trên địa bàn thuộc về một doanh nghiệp thuộc khối dân doanh với 74,5 triệu đồng một người. Mức thưởng của khối FDI tại Hà Nội là 66,7 triệu đồng.

Khối dân doanh 3,74 triệu đồng một người. Mức thưởng Tết của khối công ty do nhà nước sở hữu, góp vốn nhà nước có mức thưởng dao động từ 3,15-30 triệu đồng.

Mức thưởng thấp nhất của doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội là 200.000 đồng.

Trước đó, tại TP HCM, số liệu của Ban quản lý Các khu công nghiệp - khu chế xuất cho thấy, mức thưởng Tết cao nhất trên địa bàn này đang thuộc về một doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng với 400 triệu đồng một người. Một doanh nghiệp khối FDI trước đó cũng công bố mức thưởng Tết cao nhất lên tới 217 triệu đồng.

Theo TPO/VNE

Các tin cũ hơn