Muốn con thành công? Ðừng trả tiền học cho chúng

Thứ hai, 21/01/2013, 14:01
Phụ huynh đang tần tảo, dành dụm tiền bạc để chuẩn bị cho con vào đại học sau này nên chú ý: kết quả một cuộc nghiên cứu toàn quốc được công bố mới đây cho thấy cha mẹ càng giúp nhiều tiền bao nhiêu - cho dù là đài thọ toàn bộ hay giúp cho một phần các chi phí đi học - thì mức điểm trung bình của con họ càng xuống thấp hơn.

 

Nghĩa là, ý tưởng giúp tiền cho con để chúng không phải bận tâm về tài chánh khi vào đại học, không phải đi làm thêm hay lo lắng mượn nợ, chưa chắc đã là điều đúng-bản tin của tờ New York Times (Mỹ) cho biết.

Kết quả cuộc nghiên cứu mang tên “More Is More or More Is Less? Parent Financial Investments During College,” do Giáo sư Laura Hamilton, dạy môn xã hội học trường đại học University of California (UC) tại Merced, thực hiện cho thấy sự giúp đỡ tài chánh của cha mẹ càng nhiều thì mức điểm trung bình của người sinh viên càng giảm, và điều này đúng ở mọi trường đại học bốn năm, dù công hay tư, danh giá hay bình thường.

Bản tin viết, cuộc nghiên cứu nhận thấy các sinh viên được cha mẹ lo lắng đầy đủ mọi chi phí thì thường hay có nhiều thời giờ để hưởng thụ đời sống hơn. Nghĩa là, họ vui chơi party nhiều hơn là dành thời giờ cho việc học. Phần lớn các sinh viên không ăn chơi quá đến nỗi bị đuổi học nhưng họ thường chỉ có điểm thấp.

“Ðây là một ảnh hưởng có giới hạn, không đủ mạnh để đẩy người sinh viên rớt hẳn ra ngoài,” theo lời Tiến sĩ Hamilton, người thực hiện cuộc nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí American Sociological Review (Mỹ) số ra Tháng 1/2013.

“Tuy nhiên, đây là điều làm nhiều người ngạc nhiên vì ai cũng nghĩ rằng càng giúp thêm nhiều tiền cho con thì việc học hành của chúng lại càng thuận lợi hơn.”

Vẫn theo bản tin, ảnh hưởng xấu đối với điểm trung bình của người sinh viên dựa trên mức trợ giúp của cha mẹ được thấy ít hơn tại các đại học có tiếng là nhiều sinh viên giỏi, so với các trường đại học tư, đắt tiền. Và mức tốt nghiệp cao hơn của các sinh viên được cha mẹ cung cấp đầy đủ tiền bạc để đi học cũng không phải là điều ngạc nhiên, theo Giáo sư Hamilton, vì nhiều sinh viên phải nghỉ học thường bởi lý do tài chánh.

Tiến Sĩ Hamilton cho rằng các sinh viên được sự hỗ trợ tài chánh quá dễ dàng từ cha mẹ có thể không coi trọng việc học của họ như các sinh viên chật vật hơn về tiền bạc. Bà bắt đầu để ý đến vấn đề này nhiều năm trước đây, sau khi sống một năm trong ký túc xá sinh viên và quan sát các sinh viên chung quanh, theo dõi tiến trình học hành của các sinh viên này cho tới khi ra trường, và sau đó phỏng vấn cha mẹ họ.

“Ðiều lạ là nhiều bậc cha mẹ đóng góp rất nhiều tiền cho việc học của con mình đã không có được kết quả tương xứng với sự đầu tư của họ,” bà cho hay. “Các sinh viên này thường sẽ tiếp tục việc học cho đến khi ra trường, nhưng điểm trung bình của họ rất tầm thường, có thể nói là tệ, và cũng có những người tôi chưa hề thấy họ bỏ thời giờ học bài. Tôi tự hỏi không hiểu đây có phải là vấn đề chung trên tầm mức quốc gia hay không, thúc đẩy tôi tiến hành cuộc nghiên cứu này và xác nhận được rằng đây là điều đúng ở khắp các trường.”

Trong cuộc nghiên cứu này, Tiến sĩ Hamilton dùng ba tập dữ kiện do chính phủ liên bang Mỹ thu thập - đó là Baccalaureate and Beyond Study, Beginning Postsecondary Students Study và National Postsecondary Student Aid Study.

Và Tiến sĩ Hamilton thấy rằng không chỉ “con nhà giàu” có điểm thấp mà “con nhà nghèo” nếu được cung phụng đầy đủ cũng có điểm kém.

“Trong cuộc nghiên cứu, có một số gia đình giàu có nhưng không giúp nhiều vì nghĩ con mình quá ỷ lại, trong khi cũng có những gia đình phải sống hết sức tằn tiện, mượn tiền của người thân, mượn nợ ngân hàng... để trả cho con mình đi học,” bà nói.

Nhưng điểm đáng lưu ý ở đây, theo Giáo sư Hamilton, là sinh viên từ các gia đình sang cả nếu bị điểm thấp thì cũng chẳng sao, vì họ có nhiều mối quen biết rộng rãi khác để dễ dàng kiếm việc cho con mình. Trong khi đối với các gia đình trung lưu hay nghèo hơn, thì đây là vấn đề lớn, bởi vì “họ làm việc vất vả để trả chi phí đại học cho con, xài hết tiền dành dụm để nghỉ hưu và cạn hết các món tiền dự trữ khi con họ tốt nghiệp đại học.”

Tiến sĩ Hamilton thấy rằng những sinh viên có điểm thấp này thường là những người được cha mẹ sẵn sàng bỏ tiền chu cấp mà không hề thảo luận về trách nhiệm học hành của họ. Các bậc cha mẹ có thể giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của việc giúp tiền cho người sinh viên bằng cách đặt ra rõ ràng những mục tiêu, nói rõ sự trông đợi của họ nơi con mình.

Như vậy thì việc giúp tiền cho con đi học đại học có phải là điều nên làm hay không?

“Xét cho cùng, việc giúp tiền cho con mình đi học không phải là điều dở,” Tiến sĩ Hamilton nói. “Các con tôi còn nhỏ, nhưng tôi cũng nghĩ đến việc dành dụm để trả tiền đại học cho chúng - nhưng chỉ sau khi nói chuyện rõ ràng về các chi phí và mức điểm mà tôi chờ đợi chúng phải đạt được.”

Các tin cũ hơn