TP.HCM: Xây dựng không gian điều tiết nước

Thứ hai, 21/01/2013, 16:26
Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM sắp hoàn thành đồ án Quy hoạch không gian điều tiết nước cho cả địa bàn TP. Đây được coi là một trong những giải pháp chống ngập, thích ứng với biến đổi khí hậu hiệu quả và bền vững nhất… 

PGS-TS Hồ Long Phi, Phó ban Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM - người trực tiếp thực hiện quy hoạch - đã trao đổi với PV Báo SGGP về đề án quy hoạch này.

Hồ chứa nước

Trong tương lai, việc xây dựng các hồ điều tiết nước tại TP.HCM sẽ giúp chống ngập hiệu quả (ảnh minh họa). Ảnh: Kim Ngân

30 tiểu lưu vực

- Thưa ông, TP.HCM đã có tới 2 quy hoạch chống ngập: quy hoạch chống ngập do mưa, quy hoạch chống ngập do lũ và triều cường. Hai quy hoạch này đều nhắc tới việc phải điều tiết nước với công trình cụ thể là xây dựng hồ điều tiết nước như là một trong những phương thức quan trọng chống ngập. Tại sao bây giờ phải xây dựng thêm quy hoạch không gian điều tiết nước?

PGS-TS Hồ Long Phi: Quy hoạch không gian điều tiết nước được xây dựng trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất, hiện trạng sử dụng đất và bản đồ cao đồ số mới nhất của TP nhằm tính ra xu thế nước chảy về đâu? Nơi nào có thể trữ nước…

Đây là quy hoạch có tính chuyên sâu hơn về điều tiết nước với mục tiêu phải đưa ra được con số cụ thể để làm cơ sở cho việc triển khai xây dựng hồ điều tiết nước và làm công tác điều tiết nước trên thực tiễn. Hiện chúng tôi đã nghiên cứu và phân chia TP.HCM thành 30 tiểu lưu vực.

Trong mỗi tiểu lưu vực này, chúng tôi đang tính toán khả năng bị ngập, khả năng có thể chịu ngập và khả năng thoát nước của mỗi lưu vực để đưa ra giải pháp điều tiết nước phù hợp.

Đó là phải làm thêm hệ thống cống thoát nước, làm đê bao hay là xây hồ điều tiết? Trách nhiệm của công đồng, của doanh nghiệp, của nhà nước trong công tác chống ngập là gì?…

- Tuy chưa tính toán sâu về việc điều tiết nước nhưng cả hai quy hoạch chống ngập nêu trên đã đề cập đến việc xây dựng hồ điều tiết nước từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, công trình này gần như chưa được triển khai trong thực tế vì rất khó tìm đủ diện tích đất để làm hồ. Quy hoạch không gian điều tiết nước đã xem xét đến thực tế này chưa? Giải pháp khắc phục là gì?

Giải pháp quan trọng để thực hiện quy hoạch không gian điều tiết nước là lồng ghép với việc thực hiện quy hoạch xây dựng phát triển đô thị của TP.HCM.

Trước mắt, những khu vực nào có điều kiện làm ngay, thì triển khai ngay. Ví dụ, khu vực ngoại thành, nơi còn khá nhiều đất, có thể nghiên cứu, triển khai khoanh vùng đất để làm hồ. Ở nội thành, việc làm hồ điều tiết nước sẽ gắn chặt với quá trình chỉnh trang đô thị.

Tuy nhiên, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, không nên hiểu lầm không gian điều tiết nước đơn giản là phải dành một diện tích đất lớn xây hồ điều tiết nước mà chúng ta có thể linh hoạt sử dụng bất cứ không gian nào có thể trữ nước để làm nhiệm vụ này.

Ở Nhật, khi cần, người ta có thể trưng dụng cả hầm để xe để trữ nước nhằm xử lý tức thời tình trạng ngập lụt. Hay ở Malaysia, người ta có thể dùng các đường ngầm để trữ nước trong trường hợp cần thiết.

TP.HCM cũng có thể linh hoạt như thế. Hoặc giả trong quá trình chỉnh trang đô thị, chúng ta có thể khuyến khích người dân xây thêm bể chứa nước mưa trong nhà.

Vào mùa nắng, bể có thể là nơi trữ nước tưới cây hoặc dùng cho sinh hoạt của người dân. Vào mùa mưa, chúng có thể được trưng dụng làm hồ trữ nước, giảm ngập cho khu vực.

Với những diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu như hiện nay, các giải pháp công trình như làm đê chống ngập, làm cống thoát nước… rất dễ bị quá tải. Do vậy, chúng ta phải chuẩn bị những giải pháp uyển chuyển để ứng phó với sự bất thường của khí hậu.

Một trong những bài học rút ra từ trận ngập thế kỷ ở Bangkok (Thái Lan) vừa qua là người Thái quá tự tin với hệ thống đê bao bảo vệ Bangkok cho đến khi hệ thống này bị quá tải, nước tràn vào và Thái Lan không chuẩn bị không gian thích hợp để phân tán nước ra.

Tôi nghĩ rằng, với cách nhìn linh hoạt về không gian điều tiết nước như vậy, TP.HCM hoàn toàn có thể thực hiện thành công quy hoạch này.

Điều chỉnh quy hoạch khi cần

- Khu vực ngoại thành có thể chưa có nhiều công trình được xây dựng. Tuy nhiên, đa phần đất ở ngoại thành đều là đất có chủ, có dự án đầu tư. Việc lấy đất làm hồ điều tiết cũng không hề đơn giản…

Khu vực nào chưa có công trình xây dựng, có thể xem xét điều chỉnh quy hoạch. Nơi nào xây dựng rồi thì buộc chủ đầu tư cùng các sở ngành chức năng phải có trách nhiệm trong việc thực hiện các giải pháp chống ngập.

Các sở ngành chức năng phải rất rõ ràng trong việc xác định trách nhiệm của các chủ đầu tư trong công tác này bởi lẽ ở vùng ven, nhất là các vùng ven sông Sài Gòn, Đồng Nai, ngoài khả năng ngập do mưa, triều cường, còn có thể ngập do lũ.

Các sở ngành chức năng phải đánh giá chính xác khả năng bảo vệ của hệ thống đê bao ven sông. Nước ngập đến mức nào thì vượt quá sức chịu đựng của hệ thống đê bao và lúc ấy phải tính đến việc giữ các vùng đất thấp cho nước tràn vào nhằm bảo vệ các khu vực quan trọng khác.

Phát triển không gian đô thị gần bờ sông là một trong những xu hướng sống hiện đại. Song điều này chỉ bền vững khi các bài toán về chống ngập được tính toán xử lý một cách hiệu quả.

- Không phải đến hiện nay mới có ý kiến về việc tích hợp quy hoạch chống ngập và việc điều tiết nước với quy hoạch phát triển đô thị. Thế nhưng dường như không gian dành cho nước để chống ngập và thích ứng với biến đổi khí hậu vẫn còn khá hạn hẹp?

Như đã nói ở trên, quy hoạch không gian điều tiết nước sẽ đưa ra được những số liệu về ngập hết sức cụ thể cho từng khu vực. Với những con số rõ rằng như vậy, tôi cho rằng đơn vị liên quan sẽ khó lòng trốn tránh, trách nhiệm của mình. Động thái này sẽ giúp cho việc dành không gian phù hợp để điều tiết nước được cải thiện.

Theo SGGP

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích