Từ ngày 20/1/2013, Thông tư 30/2012 chính thức có hiệu lực do vậy, những cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố phải đảm bảo đủ điều kiện ATTP.
Tới thời điểm đó, người kinh doanh dịch vụ ăn uống phải có giấy chứng nhận sức khoẻ và giấy tập huấn ATTP. Điều này khiến người kinh doanh "ngỡ ngàng", lo lắng không biết phải làm như thế nào.
Trước vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với TS. Lâm Quốc Hùng, trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, bộ Y tế. Ông Hùng cho biết: "Bộ ban hành Thông tư 30 nhằm giải quyết toàn bộ điều kiện về sản xuất kinh doanh. Điều này không mới mà chỉ cụ thể hoá của Nghị định 41 để dễ dàng triển khai trong thực tế. Tuy nhiên, theo Thông tư này nhiều tiêu chí được giảm bớt và đối tượng của nó cũng khác đi".
T.S Lâm Quốc Hùng đang chia sẻ với PV |
Cũng theo ông Hùng, những quy định mới này góp phần đưa người kinh doanh và người tiêu dùng vào một môi trường kinh doanh văn minh. Người tiêu dùng cần loại bỏ đi những ý thích, thói quen tuỳ tiện như trước kia.
Với người kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố thì phải có những hiểu biết về ATTP và có giấy chứng nhận sức khoẻ. Đây là tiêu chí tối thiểu để người bán hàng thể hiện trách nhiệm công dân với cộng đồng, xã hội. Nếu một người bị mắc bệnh truyền nhiễm mà vẫn "xung phong" bán hàng ăn điều tất yếu những người mua hàng sẽ lây bệnh.
Theo quy định, người kinh doanh không phải đi làm những thủ tục xét nghiệm rườm rà, nhưng họ buộc phải chứng minh mình không có bệnh tật truyền nhiễm. Sau khi đi khám tại các cơ sở y tế, nếu như người bán không có bệnh tật sẽ được cấp giấy chứng nhận đủ sức khoẻ để kinh doanh ở những nơi được phép.
Như vậy, tất cả các cơ sở y tế từ trạm xá của xã, phường trở lên đều có quyền cấp giấy chứng nhận sức khoẻ cho hàng rong. Điều này, thuận lợi cho người bán hàng là chắc chắn rồi, vì chỉ cần bỏ ra 10-15 ngàn đồng là "mua" được giấy chứng nhận sức khoẻ. Phải chăng đây lại là chuyện thêm "giấy phép con" và tăng thu cho các cơ sở y tế?
Bên cạnh đó, việc lấy giấy chứng nhận tập huấn ATTP, theo ông Hùng là điều vô cùng dễ dàng nhưng rất nhiều người không chịu làm. Người kinh doanh chỉ cần đến phường đăng ký học, cán bộ phường sẽ bố trí một buổi tập huấn.
Sau buổi tập huấn đó, người kinh doanh sẽ phải làm một bài kiểm tra lại kiến thức, đủ điều kiện sẽ được cấp giấy. Còn với những người bán hàng rong, họ sẽ phải đăng ký tập huấn ATTP ở chính nơi họ đăng ký tạm trú, tạm vắng. Mức phí cho giấy chứng nhận ATTP là 15.000 đồng.
Song thực tế này sẽ dồn trách nhiệm lên phường nếu thực hiện những lớp tập huấn nghiêm túc. Còn với tiêu chí "không làm khó" thì để có giấy chứng nhận, có thể người kinh doanh chỉ nộp tiền là được cấp giấy để đối phó lực lượng chức năng.
Rõ ràng như vậy, cả hai yêu cầu với người kinh doanh thức ăn đường phố chẳng qua chỉ là những "giấy phép con" dễ dàng "mua" được với số tiền phù hợp với gánh hàng rong?!
Về những chuyện quản lý theo kiểu hình thức này, khi PV nêu ra, những người có trách nhiệm chỉ ậm ờ… "chúng tôi cũng đã tính đến".
Nói thêm về vấn đề ATTP, ông Hùng còn cho biết, người Việt Nam còn có một thói quen vô cùng xấu trong việc mua bán hàng hoá: Không bao giờ lấy hoá đơn mua bán. Một trăm triệu cũng như một nghìn, trong khi đó, ở nước ngoài, dù mua một gói tăm cũng phải có biên lai mua bán.
Mua bán phải có hoá đơn chính là việc mọi người chia sẻ trách nhiệm công dân với đất nước. Nếu thực hiện đúng, người tiêu dùng dù chỉ ăn một bát bún, xuất cơm ở bất kỳ hàng quán nào cũng cần được xuất hoá đơn.
Trong trường hợp, nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm thì căn cứ vào hoá đơn cơ quan chức năng sẽ tìm ra nguyên nhân, xử phạt và yêu cầu bồi thường. Đây chính là cách để đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng…
Theo nhiều chuyên gia: Siết lại trật tư kinh doanh thức ăn đường phố là việc phải làm ngay, tuy nhiên bộ Y tế cần tính toán đến tính khả thi, tránh hình thức, tránh chuyện… đánh trống bỏ dùi. Điều đó sẽ gây khó khăn cho người kinh doanh và chẳng đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Theo Nguoiduatin