Tiếp tục ngày làm việc thứ hai của Đại hội Đại biểu (ĐB) Đảng bộ TP.HCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020, sáng 15-10, các ĐB đã thảo luận về văn kiện Đại hội X và bàn luận về nhiều vấn đề dân sinh để tìm giải pháp thực hiện trong nhiệm kỳ tới.
“Chúng ta đang tự trói tay mình”
Nói về sự phát triển của TP.HCM, ĐB Võ Văn Thưởng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, đặt ra hàng loạt câu hỏi: Tại sao TP vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng? TP không thiếu nguồn lực nhưng mỗi năm lại có một số chuyện đi sau người ta? Tại sao TP có thiết bị, công nghệ, đội ngũ trí thức nhưng có những năm công bố chỉ số áp dụng công nghệ thông tin lại thua các tỉnh lân cận?...
Ông Võ Văn Thưởng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, trao đổi với các đại biểu dự đại hội Ảnh: HOÀNG TRIỀU |
Từ câu chuyện trên, ông Võ Văn Thưởng đặt ra vấn đề làm sao để nâng cao chất lượng phục vụ của chính quyền đối với người dân. Ví dụ ngành thuế, nếu TP đặt ra mức bình quân cả nước thì không có gì tự hào. Bằng cách nào đó phải tạo cho cán bộ sức ép để vươn lên với tinh thần “chủ trương 1, biện pháp 10, quyết tâm 20”. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM tin rằng TP có nhiều dư địa để cải tiến, cải cách và phát triển những nội dung đang làm.
Trong khi đó, ĐB Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, nhìn nhận: “Chúng ta đang tự trói tay mình”. Chẳng hạn, khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các quận - huyện phải lập danh sách gửi về sở, sở gửi ra Hà Nội chờ in phôi. Nếu phôi có sai một số thì buộc phải làm lại, gửi ra Hà Nội sửa, rồi phải đợi Hà Nội gửi vào nên rất mất thời gian của người dân và doanh nghiệp; trong khi việc này TP HCM hoàn toàn làm được.
Đồng tình, ĐB Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12, chỉ ra điểm “nghẽn” trong cải cách hành chính là không có sự liên thông dữ liệu của các đơn vị trên địa bàn TP.HCM. Sở Thông tin và Truyền thông làm giải pháp cục bộ nhưng các đơn vị lấy lý do cản trở ngành dọc nên không liên thông. Một đảng viên về hưu mở doanh nghiệp thì Đảng quản lý, ngành kinh tế quản lý, ngành lao động cũng quản lý con người đó. Do đó, nên liên thông dữ liệu để tiết kiệm thời gian.
Bảo đảm nhu cầu tối thiểu cho dân
Đặc biệt, nhiều ĐB bày tỏ tâm đắc với nội dung xây dựng TP.HCM có chất lượng sống được đưa vào mục tiêu trong văn kiện Đại hội X. ĐB Hàng Thị Thu Nga cho rằng TP.HCM vẫn còn 350.000 hộ dân thiếu nước sạch nên việc đưa mục tiêu bảo đảm nước sạch cho 100% hộ dân vào cuối năm 2020 là cấp thiết, hoàn thành càng sớm càng tốt. Muốn TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình, có chất lượng sống tốt thì phải chú trọng giải quyết nhu cầu tối thiểu cho người dân.
ĐB Hà Phước Thắng tỏ ra rất tâm đắc với chỉ tiêu nước sạch bởi đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực nhất. Để thực hiện được chỉ tiêu này, bên cạnh việc đầu tư thêm đường ống dẫn nước đến vùng sâu, vùng xa, áp dụng những công nghệ lọc nước tiên tiến… thì trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra của các cơ quan chức năng rất quan trọng, cụ thể là UBND TP.HCM và Sở Giao thông Vận tải.
Ở một góc độ khác, ĐB Lê Văn Khoa cho rằng nội hàm xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt rất lớn, bao hàm tính nhân văn và sự chăm lo của Đảng, chính quyền đối với người dân như ăn ở, đi lại, khám chữa bệnh... Do đó, trước hết phải quản lý được vấn đề dân số. Hiện nay, cứ vài năm, TP.HCM lại tăng 1-2 triệu dân, gây sức ép lên cơ sở hạ tầng. Để giải quyết tăng dân số cơ học, phải lấy giải pháp kinh tế làm trọng tâm, như khuyến khích các tỉnh mở nhà máy, đồng thời có sự quản lý quy hoạch dân số từ trung ương đến địa phương.
Theo ĐB Trang Viết Thanh, xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt là mong đợi của người dân và quyết tâm của chính quyền. Nhưng hiện nay, còn nhiều vấn đề gây bức xúc như tai nạn giao thông, an ninh trật tự, ngập nước... “Phải giải quyết được việc bức xúc trước mắt thì tiêu chí này mới mong đạt được” - ông nói. Ông Thanh cũng đề nghị TP.HCM có giải pháp cụ thể, đột phá, quyết tâm chính trị cao và sớm đưa ra bộ tiêu chí lượng hóa cụ thể.
Chiều nay, công bố Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X Cùng ngày, đại hội đã nghe Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải báo cáo về công tác nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa X nhiệm kỳ 2015-2020. ĐB đã tiến hành thảo luận các yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu, độ tuổi về danh sách ban chấp hành mới do Ban Chấp hành khóa IX đề xuất cũng như đề cử, ứng cử nhân sự Ban Chấp hành khóa X. Trong ngày làm việc hôm nay (16-10), đại hội sẽ tiến hành bầu cử Ban Chấp hành Đảng bộ khóa X và công bố kết quả vào buổi chiều. |
Ông TRẦN TRỌNG TUẤN, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM: Để người nghèo có cuộc sống tốt hơn
Mục tiêu của Chương trình đột phá chỉnh trang và phát triển đô thị - chương trình đột phá thứ 7 của nhiệm kỳ 2015-2020- là đến năm 2020 di dời 9.805 căn nhà, tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh rạch; giải quyết cơ bản việc xây dựng mới thay thế các chung cư bị hư hỏng nặng kết hợp chỉnh trang đô thị nhằm tạo ra các khu nhà ở mới có chất lượng tốt hơn, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Như vậy sẽ có 120.000m2 sàn chung cư hư hỏng nặng bị tháo dỡ và xây 240.000m2 sàn các chung cư mới. Quan điểm của TP.HCM khi thực hiện chương trình này là chăm lo, giải quyết nhà ở cho người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp và người nghèo có cuộc sống ngày càng tốt hơn; xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội TP. Ông Huỳnh Thành Đạt, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM : Giáo dục tiên tiến tạo bước “nhảy năng lượng” TP.HCM đã và đang đối mặt nhiều thách thức như mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh còn thấp. Do đó, cần phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thay đổi cấu trúc kinh tế để thích ứng với thời đại. Trong đó, khoa học - công nghệ, trí tuệ và sáng tạo sẽ đồng hành với nguồn nhân lực chất lượng cao quyết định chất lượng tăng trưởng kinh tế. Để vượt qua khó khăn trong điều kiện nguồn lực về tài chính và hạ tầng kinh tế - xã hội còn hạn chế, theo kinh nghiệm của các nước thì chỉ có nguồn nhân lực chất lượng cao mới có thể giải quyết. Muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phải nhận thức rằng giáo dục đại học tiên tiến sẽ mang lại những bước “nhảy năng lượng” và những “xúc cảm sáng tạo” để tạo ra các giá trị cao cho công cuộc đổi mới và phát triển của TP.HCM. Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM: Thúc đẩy khoa học, công nghệ Trong nhiệm kỳ vừa qua, tổng sản phẩm nội địa của TP.HCM tăng trưởng bình quân 9,6%/năm, trong đó sự đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) bình quân đạt khoảng 33%. Một thành tố căn bản đóng góp vào chỉ số TFP chính là sự tác động của khoa học và công nghệ, mà theo một nghiên cứu của Trung tâm Năng suất Việt Nam đánh giá là đóng góp 74% vào sự tăng trưởng của chỉ số TFP. TP.HCM cần hoàn thiện thể chế, xây dựng môi trường thuận lợi nhất để thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp trên nền tảng khoa học và công nghệ nhằm sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học và công nghệ của khu vực Đông Nam Á. |