Khi tuổi cao, sức khỏe thường giảm sút. Nguyên nhân quan trọng là do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Sự lão hóa xảy ra ở từng tế bào của tất cả cơ quan làm cơ thể suy yếu. Khả năng miễn dịch kém là nguyên nhân khiến các cụ dễ bị nhiễm bệnh, đau ốm. Khi đau ốm, cơ quan tiêu hóa cũng “ốm” theo, vị giác thay đổi, cảm giác nhạt miệng, nên các cụ chán ăn, bỏ bữa cũng là chuyện dễ hiểu.
Việc bỏ bữa này khiến cho sức khỏe giảm sút vì không được cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết. Để tăng cường sức khỏe, người cao tuổi nên ăn đa dạng, cân đối và hợp lý. Điều quan trọng là chế độ dinh dưỡng này phải được duy trì đều đặn mỗi bữa, mỗi ngày. Ngoài ra, người già cũng nên kết hợp dinh dưỡng hợp lý với thể dục vừa sức để tăng cường sức khỏe hiệu quả.
Người cao tuổi nên ăn đa dạng, có chọn lọc và vừa đủ các loại thức ăn thuộc 4 nhóm thực phẩm như chất đạm, đường bột, chất béo, vitamin và chất khoáng… Ví dụ với các thực phẩm cung cấp chất béo, các cụ có thể hạn chế những thức ăn chứa nhiều chất béo no, không tốt cho sức khỏe tim mạch như mỡ, chất béo trong thịt đỏ, cholesterol trong phủ tạng…
Chất đường bột là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu nhưng cũng nên ăn vừa đủ, giảm bớt đi khoảng 30% so với khi còn trẻ, hạn chế đường, bánh kẹo… Ăn quá nhiều đường bột và ít vận động dễ gây thừa cân béo phì, tích mỡ bụng, tạo điều kiện phát sinh một số bệnh như tim mạch, đái tháo đường…
Các cụ cũng nên tăng cường ăn rau xanh, quả chín để có đầy đủ vitamin, khoáng chất và chất xơ giúp phòng tránh táo bón và loại trừ cholesterol thừa, có hại cho cơ thể. Để bảo vệ hệ tim mạch và chống lại sự lão hóa của các tế bào thần kinh, làm chậm quá trình suy giảm trí nhớ, giữ trí óc minh mẫn, bạn hạn chế ăn mặn; bổ sung các loại axit béo không no như MUFA, PUFA, Axit Oleic….
Kém ăn ở người cao tuổi do rất nhiều nguyên nhân: đau ốm, khả năng tiêu hóa suy giảm, răng yếu, nhai kém đi kèm với khả năng tiết nước bọt giảm. Điều này khiến người cao tuổi ăn không ngon miệng và đôi khi do cả yếu tố tâm lý. Người cao tuổi rất dễ rơi vào tâm trạng buồn chán, mặc cảm về tuổi già, sức yếu, là gánh nặng cho con cái… Thế nên, con cháu cần quan tâm, trò chuyện, yêu thương, kính trọng hết lòng để tâm lý người cao tuổi được an vui, hạnh phúc. Tuy nhiên, khi các cụ kém ăn, bạn không nên ép quá mức, khiến các cụ đầy bụng, khó tiêu hoặc bực mình, căng thẳng, không có lợi cho sức khỏe và không khí của cả gia đình.
Dinh dưỡng hợp lý và đầy đủ sẽ giúp người cao tuổi sống khỏe, thọ hơn. Ngoài bữa ăn đa dạng, cân đối, người cao tuổi nên chú ý uống 1-2 ly sữa mỗi ngày phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình để được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, tăng cường sức khỏe, duy trì sự minh mẫn và hạn chế bệnh tim mạch.
Theo Vnexpress