Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh |
Sáng ngày 18/11, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII tiếp tục bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Tại phiên chất vấn này, các vị đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi cho Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.
Đăng đàn mở đầu phiên chất vấn sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, về quy trình ban hành luật, cử tri và đại biểu Quốc hội đã đề xuất ban hành nhiều luật như Luật doanh nghiệp vừa và nhỏ thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp tư nhân, nhưng vẫn chưa ban hành.
“Mặc dù vậy, Quốc hội đã có nhiều Nghị quyết và Nghị định hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là động lực quan trọng của phát triển kinh tế, nhưng cần phải có Luật để quản lý tốt hơn” – Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Sau phần trả lời chất vấn của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân tiếp tục đăng đàn trả lời về đóng góp của khoa học công nghệ trong nông nghiệp.
Bộ trưởng cho biết, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian qua khoa học công nghệ đóng góp khoảng 30% vào tăng trưởng nông nghiệp. Đóng góp của khoa học công nghệ cho toàn nền kinh tế thể hiện qua yếu tố năng suất tổng hợp (TFP).
“Trước năm 2010 chỉ số này của Việt Nam rất thấp, có năm bằng 0 hoặc âm chủ yếu do thiếu vốn và trình độ lao động. 4 năm gần đây, chỉ số này của Việt Nam đã tăng và dần ổn định. Năm 2014 theo tính toán của Tổng cục thống kê và Tổng cục năng suất, chỉ số TFP đã đạt 34%; năm 2015 là 39%. Tức là đóng góp của công nghệ vào năng suất của Việt Nam đã chiếm gần 1/3” – Bộ trưởng Nguyễn Quân dẫn chứng.
Theo Bộ trưởng, phần đóng góp này được tổ hợp từ các yếu tố đầu vào và đầu ra. Các sản phẩm khoa học được công bố và bảo hộ về tài sản trí tuệ, phấn đấu trung bình giai đoạn 2011-2020 chỉ số TFP của Việt Nam đạt 30-35%.
“Đây là tốc độ trung bình với các nước đang phát triển như Việt Nam. Hiện nay nước dẫn đầu về khoa học công nghệ như Israel, Singapore cũng chỉ trên 60%. Nếu làm tốt thì phần đóng góp của công nghệ lớn hơn vốn và lao động” – Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết.
Cũng tại phiên thảo luận sáng nay, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn về tình trạng các công trình xây dựng mất an toàn như cháy nổ, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Theo Bộ trưởng, việc kiểm soát thiết kế kỹ thuật công trình thuộc cơ quan chuyên môn của các Bộ, Sở xây dựng địa phương. Trong luật yêu cầu khi cơ quan chuyên môn ko đủ điều kiện thẩm định thì được thuê các tổ chức tư vấn có đủ năng lực để thực hiện. Luật quy định nhiệm vụ của các chủ tư vấn, chủ đầu tư trong việc kiểm tra các công trình và thẩm định của cơ quan nhà nước về áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến đầu tư xây dựng.
Về vấn đề an toàn cháy nổ, theo Luật phòng cháy chữa cháy, Bộ Công an chịu trách nhiệm thẩm định phòng cháy chữa cháy tại các các công trình, trong đó có công trình nhà cao tầng. Trước tình hình nhà cao tầng, Bộ Xây dựng và Bộ Công an trình Chính phủ để rà soát toàn bộ về vấn đề phòng cháy chữa cháy. Nếu công trình chưa đủ điều kiện hoặc quản lý chưa đạt yêu cầu thì phải điều chỉnh và xử lý nghiêm sai phạm.
Về năng lực thẩm định chất lượng nhà cao tầng Việt Nam, Bộ trưởng cho biết, các cơ quan tư vấn tại Việt Nam có thể kiểm định các công trình, tòa nhà 45 tầng; trên 45 tầng phải nhờ đến tư vấn nước ngoài. Thẩm định công trình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề này.
Liên quan đến thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, đặc biệt đối với các dự án đầu tư công trong lĩnh vực của Bộ xây dựng, Bộ trưởng Xây dựng chia sẻ, hiện nay chưa có số liệu chính xác để biết được thất thoát trong xây dựng là bao nhiêu % nhưng thất thoát là có thật và là vấn đề gây bức xúc. Các cơ quan chuyên môn về xây dựng đã tiến hành tính toán con số này.
Bên cạnh đó, theo người đứng đầu ngành Xây dựng, việc đấu thầu không đảm bảo minh bạch sẽ dẫn đến thất thoát. Qua kiểm toán ban đầu, năm 2015 các địa phương, bộ ngành đã cắt giảm được khoảng 5,6% tổng dự toán công trình.
“Với trách nhiệm kiểm soát quá trình xây dựng, Bộ Xây dựng đã ban hành 189 quyết định xử phạt, kiến nghị xử lý kinh tế hàng nghìn tỷ đồng” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng nói về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, có việc lãng phí và thất thoát trong tất cả lĩnh vực khi sử dụng các nguồn lực. Đây là vấn đề nghiêm trọng và chưa kiểm soát được.
Tuy nhiên, trên thực tế việc kiểm tra, kiểm soát lãng phí thất thoát rất nghiêm trọng mà chưa được kiểm soát. Dẫn chứng, trong năm 2014 chỉ có 5 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lớn kê khai là có lãng phí thất thoát, kém hiệu quả. Song theo Bộ trưởng, đây không phải là tất cả, nên để kiểm tra, kiểm soát hoạt động này thì cần phải có tính toán cụ thể và xem lại cơ chế.
“Đang có việc lãng phí thất thoát ngay từ khâu thẩm định dự án, tổng mức đầu tư chứ không phải chỉ trong thi công. Dứt khoát với đất nước phát triển thì đây là vấn đề phải ngăn chặn, nhưng đây là việc lâu dài và khó. Nên để nói lãng phí ấy định lượng bao nhiêu, chiếm bao nhiêu % GDP thì rất khó. Đây là vấn đề nhức nhối là cần phải ngăn chặn” – Bộ trưởng khẳng định.
Theo đó, Bộ trưởng Vinh cho rằng các bộ chủ quản và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phải siết chặt lại lại hoạt động này, xây dựng luật làm cơ sở để định mức thẩm định, thi công để có cơ chế kiểm soát chặt chẽ.
Bộ trưởng cũng cho rằng, việc ngăn chặn lãng phí, thất thoát là có thể làm được và là việc cần phải làm. Tuy nhiên, làm đến đâu, tìm ra nguyên nhân hạn chế để làm sao sử dụng đồng vốn hiệu quả hơn là vấn đề rất quan trọng.
Cũng liên quan đến việc xây dựng Luật doanh nghiệp nhỏ và vừa để thúc đẩy DN phát triển, Bộ trưởng Vinh cho biết đã đề nghị Chính phủ xây dựng Luật hỗ trợ DNNVV; được Quốc hội chấp thuận và đưa vào chương trình. Tuy nhiên, có nhiều chương trình cần làm nên sẽ chuyển sang kỳ họp sau.
Theo Tri Thức Trẻ