Dù thời tiết miền Bắc đã sang đông khá lâu song hiện tại nền nhiệt vẫn duy trì ở mức trên 30 độ C, thậm chí lên tới 34 độ C trong ngày 17/11. Nắng nóng khiến nhiều người mệt mỏi, khó chịu, uể oải.
Chị Nguyễn Minh Hoàn (Bình Đà, Thanh Oai, Hà Nội) vẫn chưa lấy lại tinh thần sau cơn say nắng trưa 17/11 do phải đi ngoài trời hơn một tiếng buổi trưa.
Còn anh Anh Quang (Ngụy Như Kon Tum) cũng không khỏi lo lắng khi có 2 người trong nhà bị ốm do thời tiết, bản thân anh cũng rất khó chịu với thời tiết vừa hanh khô, nắng nóng như mùa hè giữa tháng 11 như vậy. Sự bất thường về thời tiết này là do hiện tượng El Nino gây nên, khiến nhiều người dân có cảm giác mệt mỏi, dễ nhiễm bệnh, đặc biệt là trẻ em.
Elnino là "thủ phạm" gây ra nắng nóng những ngày gần đây ở Hà Nội, dù đang là giữa mùa đông. Ảnh minh họa |
Theo bác sĩ, vào mùa đông, khô và lạnh, muỗi sẽ ít hơn, song vì mùa đông đến muộn nên thời điểm này, muỗi phát triển khá nhiều. Đó chính là nguyên nhân khiến dịch sốt xuất huyết đang bùng phát khá mạnh. Số người cấp cứu do dịch sốt này tại Học viện Quân y 103 chiếm tỷ lệ cao nhất.
“Mọi người bị mắc bệnh hầu hết do chủ quan với thời tiết. Chẳng hạn nhiều người xem nhẹ cái nắng mùa này, không che chắn, tránh nắng, đặc biệt lười uống nước dẫn đến tình trạng mất nước, mệt mỏi. Do đó, cần bảo vệ bản thân và người nhà, đặc biệt trẻ nhỏ và người già trong thời tiết này. Tăng cường uống nước, bù nước đối với người lao động nặng”, bác sĩ Tiến khuyến nghị.
Bác sĩ Tiến lưu ý thêm, do trời nắng, nhiều người có thói quen uống nước lạnh, nước đá. Đây chính là thói xấu dẫn tới các bệnh viêm họng.
Theo đó, để giải nhiệt, bạn có thể uống nước mía, nước nhân trần, sắn dây để cơ thể cảm thấy thoải mái hơn.
Về hiện tượng say nắng, thạc sĩ, bác sĩ Lương Quốc Chính - khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết thêm, phản ứng này còn được gọi là sốc nhiệt do tiếp xúc quá lâu với nhiệt độ cao kèm theo việc mất nước. Người bệnh có các biểu hiện như đau nhói đầu, chóng mặt, choáng váng, da đỏ, nóng, khô, thậm chí co giật, hôn mê…
Say nắng gây tổn hại cho não và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể. Do đó, cần lưu ý bảo vệ sức khỏe khi trời nắng, hạn chế đi ra ngoài và che kín cơ thể nếu bắt buộc ra ngoài.
Để tránh tình trạng mất nước, bác sĩ này tư vấn mọi người nên uống ít nhất 8 cốc nước (nước lọc, trái cây, hoặc rau) mỗi ngày...
BSCKI Vũ Thị Huyền Trang, Bệnh viện Tai - Mũi - Họng khuyến cáo thêm, thời điểm này rất thuận lợi cho các bệnh dị ứng phát triển, bao gồm viêm xoang, viêm phế quản, viêm mũi dị ứng, nghẹt mũi,... Cách phòng tốt nhất là đeo khẩu trang khi ra ngoài, giữ ấm cơ thể vào sáng sớm và đêm. Bạn cũng có thể dùng nước muối sinh lý rửa mũi hàng ngày.
Còn bác sĩ Phan Xuân Trung (Trung tâm y khoa Medic) cho rằng người dân không nên quá lo lắng tới việc mùa đông đến chậm hoặc nóng hơn so với mọi năm. Bởi cơ thể luôn có một cơ chế thích nghi và điều hòa với thời tiết. Quan trọng, chúng ta phải chủ động để đối phó với sự thay đổi bởi trong giai đoạn chuyển mùa này, thời tiết có thể thay đổi nhanh từ nóng sang lạnh, nếu không ứng phó kịp bằng việc mặc áo ấm, che chắn cẩn thận, cơ thể sẽ bị ốm.
Theo Zing