Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) |
Trao đổi bên lề Quốc hội, nhiều ĐB cho rằng việc xử phạt các cá nhân trong câu chuyện là hơi vội vàng, mức xử phạt quá nặng, không “thấu tình đạt lý”.
ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho rằng, câu chuyện xử phạt cán bộ vì nói xấu Chủ tịch tỉnh trên facebook có thể coi là một chuyện “đặc biệt”, bởi đây là lần đầu tiên có sự việc này xảy ra và bị xử lý.
Theo ông Thắng, việc cán bộ viết những dòng chê Chủ tịch tỉnh trên facebook có vi phạm hay không thì phải căn cứ vào quy định của pháp luật. Muốn xử phạt một hành vi nào đó thì cũng phải xem nó có vi phạm pháp luật hay không và được quy định trong khung nào, mức độ nào để xử lý.
“Các cơ quan chức năng phải có căn cứ vào pháp luật cụ thể để đưa ra một kết luận chính xác. Còn nếu chỉ căn cứ vào hiện tượng và câu nói đó, cùng một lúc xử lý mấy cá nhân, kể cả những người liên quan chỉ like trạng thái như vậy là không thoả đáng. Mức xử phạt hành chính 5 triệu đồng/người, tôi cho rằng là quá cao” – ông Thắng nêu quan điểm và cũng khuyến cáo về việc dùng mạng xã hội phải hết sức thận trọng bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến xã hội, có thể ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực với một người nào đó.
Đặc biệt trong trường hợp này là ảnh hưởng đến một đồng chí lãnh đạo đứng đầu tỉnh. “Dùng facebook đánh giá, nhận xét tiêu cực về một cá nhân nào đó bình thường đã hết sức phải thận trọng rồi, đây lại là một lãnh đạo cao cấp của tỉnh càng phải thận trọng hơn vì nó không chỉ là cá nhân đồng chí đó mà là đại diện cho một cơ quan nhà nước ở một địa phương.
Những đánh giá nhận định trên mạng xã hội phải hết sức quan trọng nên mỗi cá nhân, với tư cách là một công dân có trách nhiệm, có ý thức thì phải có nhìn nhận, đánh giá trên mạng xã hội khách quan, tránh hiểu lầm” – ông Thắng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, cũng là người thường xuyên sử dụng Facebook, ĐBQH Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) cho rằng, chỉ bình luận “nhìn cái mặt kênh kiệu” thì chưa có gì ghê gớm.
“Người dân hay cử tri có quyền đánh giá ông chủ tịch đó như thế nào. Nếu người ta xúc phạm nặng nề thì khác, còn chuyện cảm xúc thì người ta có quyền nêu quan điểm. Một lời bình luận như thế không thể coi là xúc phạm được”- ông Tâm nói và cho rằng mức xử phạt 5 triệu đồng trong trường hợp này là hơi “quá đáng”.
Theo ĐB Tâm, trong trường hợp này, lãnh đạo tỉnh An Giang nên lắng nghe, xem lại mình xem có đúng như dân bình luận không để có sự thay đổi. “Phải làm sao thu hút được người dân đóng góp, người dân gần gũi với mình để mình hoàn thiện hơn. Nếu dân mới chỉ nói mình kênh kiệu mà xử lý thế thì sau này ai dám đóng góp nữa?
Còn nếu khen kiểu của những người xu nịnh thì sao? Được khen mà làm không được việc thì hỏng rất nhiều công việc chung. Ví như bây giờ cô giáo kia quay ngược lại khen ông chủ tịch tỉnh thì ông chủ tịch có thưởng không ?”- ông Tâm đặt vấn đề.
Cũng bày tỏ băn khoăn về mức xử phạt trên, ĐBQH - luật sư Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng, đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính thì phải xem lại cơ sở, căn cứ có phù hợp.
Theo ông Nghĩa, nếu sự việc chỉ đáng nhắc nhở mà xử phạt tiền lên tới 5 triệu đồng thì không thoả đáng. Trường hợp đã xử lý với nhau bằng luật pháp rồi thì người bị xử lý nếu thấy oan ức, quyết tâm đấu tranh thì có thể sử dụng công cụ khiếu nại theo Luật Khiếu nại tố cáo và sau đó nếu thấy việc giải quyết không thỏa đáng, có thể khởi kiện ra tòa.
Tuy nhiên, cũng từ sự việc này, ông Nghĩa cho rằng chúng ta cũng cần suy nghĩ về việc xây dựng mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau trên mạng xã hội.
Chung quan điểm với ông Nghĩa, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng trong chừng mực nhất định thì hành vi nói xấu người khác cũng đáng phê phán, quan hệ giữa hai chủ thể trong mối quan hệ hành chính phải hài hoà, giữ thái độ lịch sự, đúng mức.
Tuy nhiên, khi xử lý kỷ luật cán bộ công chức thì phải áp vào những quy định cụ thể, có miêu tả hành vi rõ ràng chứ không thể lấy quyền lãnh đạo ra để áp đặt, xử phạt theo cách suy diễn.
Theo Lao Động