Nhiều số liệu về nợ công
Thảo luận chính sách về vấn đề nợ công ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho hay, do cách tính nợ công của Việt Nam chưa đồng bộ với chuẩn mực thế giới nên có sự khác biệt đáng kể giữa số liệu công bố của Chính phủ và tính toán của các tổ chức độc lập.
Áp lực trả nợ đang ngày một tăng, tạo gánh nặng với ngân sách nhà nước |
Theo số liệu được Bộ Tài chính công bố, tỉ lệ nợ công ước tính đã tăng lên khoảng 60,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2014 và khoảng 64% GDP năm 2015. Tỉ lệ này đã tăng nhẹ so với con số ước tính trước đó là 59,6% GDP trong Báo cáo về sử dụng vốn vay và quản lý nợ công của Bộ Tài chính trước Quốc hội ngày 18/5/2015.
Trong khi đó, một tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB) lại cho thấy, tỉ lệ nợ công của Việt Nam năm 2014 vào khoảng 59,6% GDP, thấp hơn ước tính chính thức.
Còn theo số liệu của The Economist (2015) thì tỉ lệ nợ công của Việt Nam lại có xu hướng giảm dần cho dù số nợ tuyệt đối tăng. Cụ thể, nợ công Việt Nam năm 2014 là 2,37 triệu tỷ đồng, dự báo tăng lên 2,84 triệu tỷ đồng trong năm 2015.
Song, theo The Economist, tỷ lệ nợ tương ứng lại giảm từ 47,6% GDP xuống 46,3% GDP trong khi tính toán của nhóm tác giả VEPR thì tỷ lệ nợ công trên GDP năm 2015 đã lên tới 65,9% GDP từ mức 60,3% GDP năm 2014.
Trong một nghiên cứu khác của Học viện Chính sách và Phát triển, các tác giả chỉ ra số liệu được tính theo Luật Quản lý nợ công có phạm vi hẹp hơn so với các tổ chức quốc tế. Cách tính nợ công đề xuất bởi nghiên cứu trên, trong đó bao gồm các khoản nợ mà ngân sách buộc phải chi trả, cho thấy nợ công năm 2014 ở mức 65,2% GDP.
VEPR cho biết, xét về tổng quy mô nợ công trên GDP, tỷ lệ của Việt Nam cuối năm 2014 ở mức trên 60%, cao nhất trong so sánh với các nước đang phát triển trong khu vực (bao gồm Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia).
Nguồn: Báo cáo 221/BC-CP của Chính phủ ngày 18/5/2015 và Tradingeconomics |
Áp lực trả nợ tăng gánh nặng lên ngân sách
Theo lưu ý của VEPR, nợ Chính phủ bảo lãnh đã tăng đáng kể từ 226.000 tỉ đồng năm 2010 lên 452.000 tỉ đồng năm 2014. Không chỉ dành để đáp ứng vốn cho các dự án và công trình trọng điểm quốc gia, một lượng không nhỏ nợ Chính phủ bảo lãnh được cho là để phục vụ mục đích “tái cơ cấu các khoản nợ trong nước và nợ nước ngoài của các tập đoàn, tổng công ty và bảo lãnh phát hành của các ngân hàng chính sách”.
Một ví dụ là năm 2013, Chính phủ đã bảo lãnh phát hành trái phiếu của DATC để tái cấu trúc khoản vay 600 triệu USD của Vinashin. Điều này có thể đã tiếp diễn trong năm 2014, VEPR lo ngại.
Cũng theo VEPR, số nợ gốc phải trả là 62.600 tỉ đồng, chi từ ngân sách để trả nợ gốc là 62.500 tỉ đồng trong năm 2010. Tới năm 2013, tổng nợ gốc phải trả tăng lên gấp đôi (125.800 tỉ) trong khi chi ngân sách để trả nợ gốc đạt 55.600 tỉ đồng, khối lượng nợ gốc phải đảo nợ là 70.200 tỷ. Quy mô đảo nợ tiếp tục tăng lên mức 77.000 tỷ đồng trong năm 2014.
Bên cạnh đó, chi trả lãi cũng chiếm một tỉ lệ lớn trong thu chi ngân sách. So với tổng chi, chi trả lãi chiếm một tỉ lệ ngày càng lớn, từ 3,2% năm 2010 tăng lên 6,7% năm 2014. Xét về số tuyệt đối thì chi trả lãi năm 2014 tăng gấp 2,6 lần so với năm 2010.
Chi trả lãi chỉ thấp hơn chi cho giáo dục đào tạo (chiếm 17,3%), lương hưu và an sinh xã hội (10,8%) và quản lý hành chính (9,7%) và lấn át các khoản chi thường xuyên khác. Tỉ lệ thu ngân sách dành để trả lãi, thường xuyên ở mức cao, ước tính lên đến 9,2% cho năm 2015.
Theo nhận xét của VEPR, ngân sách trả nợ lãi đang làm xói mòn nguồn vốn cho đầu tư phát triển là một hậu quả trực tiếp của tỉ lệ nợ công cao.
Theo VEPR, việc duy trì mức trần nợ công cố định có ý nghĩa thiết yếu trong kiểm soát các rủi ro vĩ mô trong trung hạn. Thay vì nới rộng trần nợ công, cần thực hiện các biện pháp cứng rắn để đưa và duy trì nợ công ở ngưỡng cho phép.
Theo Dân Trí