Chất vấn chưa đến tầm

Thứ năm, 19/11/2015, 12:26
Phiên chất vấn cuối cùng tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII vừa diễn ra trong những ngày đầu tuần này. Dù hình thức chất vấn được cải tiến song nội dung lại không theo kịp. Điều này sẽ khiến cho Quốc hội khóa XIII kết thúc với nhiều vấn đề còn dở dang.
Còn những vấn đề lớn của ngành giáo dục chưa được chất vấn cụ thể.

“Mục đích của chúng ta là đánh giá lại xem yêu cầu của Quốc hội trong hoạt động giám sát, trong hoạt động chất vấn đã được tổ chức thực hiện như thế nào. Qua đó thúc đẩy hoạt động bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh yêu cầu trước khi bắt đầu chất vấn.

Chính phủ cũng chuẩn bị một bản báo cáo tổng kết thực hiện các nghị quyết chất vấn của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay ở 17 lĩnh vực kinh tế - xã hội, hệ thống lại những vấn đề lớn mà Quốc hội đã đặt ra và yêu cầu Chính phủ giải quyết trong cả nhiệm kỳ. Đại biểu Quốc hội chỉ cần nhìn vào báo cáo này và chất vấn lại những vấn đề đã được đặt ra thì sẽ có một phiên chất vấn thành công, làm rõ trách nhiệm của cả Quốc hội lẫn Chính phủ trước cử tri.

Nhưng những gì diễn ra trên hội trường Quốc hội đã chưa đạt yêu cầu nói trên.

Thứ nhất, vấn đề chất vấn tại phiên họp này không khác gì nội dung các phiên chất vấn tại các kỳ họp trước, không mang tính giám sát xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ.

Ví dụ, đại biểu chất vấn về vấn đề đăng ký hàm lượng chất cấm trong thuốc bảo vệ thực vật, kinh doanh bán hàng đa cấp, tin nhắn rác, việc trồng rừng bù đắp tại các dự án thủy điện, cột ăng ten thu phát sóng kém chất lượng hay việc tự ý thay đổi bản dịch trong môn lịch sử... Thậm chí có vấn đề dù không lớn nhưng được đại biểu chuẩn bị công phu bằng hình ảnh minh họa (cột ăng ten thu phát sóng kém chất lượng).

Phải nói rằng, những vấn đề mà đại biểu nêu ra không phải không thiết thực, nhưng trước yêu cầu rà soát những việc lớn mà Chính phủ và thành viên Chính phủ phải giải quyết trong nhiệm kỳ này thì đây là những việc chưa đến tầm.

Ví dụ, trong lĩnh vực nông nghiệp, lẽ ra nên chất vấn việc thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới chưa đạt yêu cầu ở những điểm lớn nào, những tồn tại gì phải để lại nhiệm kỳ sau giám sát tiếp. Hoặc trong lĩnh vực giáo dục, việc thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được xem là một sản phẩm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) trong nhiệm kỳ này sẽ giải quyết theo hướng nào.

Sự chậm trễ, chưa rõ ràng của đề án ảnh hưởng thế nào đến việc đổi mới giáo dục và trách nhiệm của Chính phủ cũng như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đến đâu, chứ không nên dành thời gian chất vấn về việc dịch nghĩa một bài thơ được xem là của Lý Thường Kiệt trước và nay không giống nhau.

Quốc hội khóa XIII sắp khép lại với một nhiệm kỳ giám sát còn quá nhiều việc còn dang dở.

Tất nhiên, cũng có những ý kiến chất vấn đúng tầm, như của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nêu ra về việc đầu tư các dự án thiếu hiệu quả gây thất thoát lãng phí hơn 1 tỉ đô la (các doanh nghiệp này có trên 50% vốn chủ sở hữu của nhà nước trong các ngành thép, dầu khí - NV) trong khi Chính phủ phải đi vay nước ngoài 3 tỉ đô la Mỹ. Hay như ý kiến của đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) về trần nợ công, về nợ đọng thuế không có khả năng thu hồi...Nhưng tiếc rằng đây là những ý kiến đơn lẻ.

Cũng không thấy ai đặt vấn đề trách nhiệm của Chính phủ khi báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết tốc độ tăng dư công nợ quá cao, đến 20%/năm trong khi Quốc hội yêu cầu kiểm soát nợ công ở mức hợp lý để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Cũng không ai chất vấn về việc kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước theo nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ phải hoàn thành trong năm 2015 nhưng đến nay chắc chắn trễ hẹn, không hoàn thành cả về số lượng cũng như chất lượng.

Nếu nhìn nhận một cách tổng thể, đây là một nhiệm kỳ mà cả Quốc hội và Chính phủ phải đối diện với những thách thức rất lớn về tái cơ cấu nền kinh tế. Chính vì thế, từ đầu năm 2011, Nghị quyết Trung ương 3 (khóa XI) và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ sau đó đều hướng đến tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Nếu chất vấn theo những vấn đề có tầm ảnh hưởng quan trọng đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước thì sẽ thấy những vị bộ trưởng nào tích cực, quyết liệt trong lĩnh vực của mình hoặc các vị bộ trưởng nào hầu như “mất hút” ngay trong lĩnh vực của mình. Như những yếu kém của ngành văn hóa - thể thao - du lịch thể hiện qua sự lộn xộn kéo dài trong công tác điều hành không có lối thoát, bất chấp sự phản ứng của công luận. Trong khi đó, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh hứa sẽ “truyền đạt” lại tình trạng đó cho bộ trưởng nhiệm kỳ kế tiếp vì không còn thời gian.

Hay như trường hợp của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cả nhiệm kỳ bốn năm chưa có giải pháp gì cho tình trạng chạy chức, việc phong hàm, chức danh trong các cơ quan nhà nước không theo quy định nào mà không bị xử lý.

Hoặc Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang không để lại dấu ấn gì trong việc quản lý, chỉ đạo điều hành ở lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường một cách rõ nét. Thậm chí Luật Khoáng sản được sửa đổi hồi năm 2012 nhưng sau đó hai năm bộ này mới ban hành nổi nghị định hướng dẫn.

Vậy nên mới nói Quốc hội khóa XIII khép lại với một nhiệm kỳ giám sát còn quá nhiều dang dở.

THeo TB KTSG

Các tin cũ hơn