Du lịch Việt đừng mơ bằng Singapore!

Thứ tư, 18/11/2015, 23:35
Nếu không đầu tư bài bản theo lộ trình, du lịch Việt Nam sẽ thua cả Campuchia, Lào chứ đừng mong theo kịp Singapore!

Nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành du lịch cho biết cảm thấy thất vọng với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh trước Quốc hội hôm 17-11 khi nói rằng “với tư cách là người đứng đầu ngành văn hóa, thể thao, du lịch, những gì mình đã cố gắng rồi nhưng chưa đạt được thì tôi xin chịu trách nhiệm và sẽ truyền đạt lại cho bộ trưởng kế tiếp!”.

Bộ trưởng nói khởi sắc, DN than phải chòi đạp!

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết năm 2015, ngành du lịch sẽ thu hút gần 8 triệu lượt du khách, có khả năng doanh thu đạt 320.000 tỉ đồng (tương đương 15 tỉ USD), bất chấp lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh suốt 13 tháng và chỉ phục hồi 4 tháng trở lại đây.

Người bán hàng rong chèo kéo du khách mua hàng lưu niệm trước Bưu điện TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Người bán hàng rong chèo kéo du khách mua hàng lưu niệm trước Bưu điện TP.HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt, bức xúc: “Bộ trưởng nói ngành du lịch đang khởi sắc, cải thiện mà không thấy rất nhiều DN đang phải chòi đạp, tự bươn chải để tồn tại trong khó khăn”.

Theo ông Trần Văn Long, cách đây 5 năm, ngành du lịch Việt Nam hơn hẳn Campuchia nhưng giờ đã bị qua mặt là việc không thể chấp nhận. “Nhìn vào các chương trình hành động, chính sách hỗ trợ của ngành đối với DN chưa có gì nổi bật, DN không biết “bơi” đường nào? Với cách trả lời của bộ trưởng như thế là đang “kéo” ngành du lịch đi xuống; chúng ta sẽ không theo kịp cả Campuchia chứ đừng mơ bằng Singapore” - ông Long nói.

Lãnh đạo một công ty lữ hành cho biết cuộc họp HĐQT của DN ông vừa diễn ra hôm 18-11 đánh giá hoạt động DN kém hiệu quả khi lượng khách sụt giảm tới 25% so với cùng kỳ. Thực tế, những khách sạn 2-3 sao khá đông khách nhưng nhiều khách sạn 4-5 sao ế ẩm do nhu cầu du lịch tiết kiệm, lượng khách có tiền giảm mạnh. Ngay các trung tâm lớn về du lịch như Hội An, khách nước ngoài cũng giảm rõ rệt. “Điểm đến này được bù đắp bởi khách Trung Quốc, Hàn Quốc có tăng nhưng nếu nhìn vào dòng khách “sộp” từ châu Âu, châu Mỹ thì giảm sút mạnh” - lãnh đạo một DN chuyên phục vụ khách Âu, Mỹ chia sẻ.

Ông Phan Xuân Anh, cố vấn Công ty Du lịch Tân Hồng (chuyên khách tàu biển) đồng thời là chủ một resort 4 sao ở Tiền Giang, cho biết mọi năm khoảng tháng 10, khách quốc tế đã đặt hết phòng. Năm nay, đến giờ công suất phòng mới hơn 50% cho thấy bức tranh của ngành công nghiệp không khói vẫn chưa cải thiện. “Với tình hình này, khách sạn, resort 5-6 sao có lượng phòng nhiều sẽ không đủ khách để trang trải. Khó khăn đã làm nhiều DN đã phải rời thị trường” - ông Xuân Anh nói.

Đừng làm theo kiểu tư duy nhiệm kỳ!

Lúc này, nếu ngành du lịch không tiếp thị điểm đến tốt thì các DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Một thực tế đang diễn ra là lượng khách quốc tế vào Việt Nam không tăng nhiều nhưng những  điểm đến mới như Phú Quốc, Đà Nẵng có dịch vụ hấp dẫn hơn sẽ kéo khách của các điểm khác…

“Một miếng bánh đang phải chia năm xẻ bảy. Lâu nay, ngành du lịch có tiếp thị, quảng bá nhưng chưa đủ mà phải làm mạnh, bài bản hơn nữa. Riêng tiếp thị, quảng bá hình ảnh Việt Nam là việc của Tổng cục Du lịch và ngành du lịch, chứ bản thân từng DN không thể làm được do thiếu tiềm lực và không đủ sức. Mỗi năm, ngân sách nhà nước của Thái Lan chi 80 triệu USD cho việc quảng bá, xúc tiến du lịch. Con số này ở Malaysia là 100 triệu USD và Singapore là 65 triệu USD, trong khi Việt Nam chỉ khoảng 3 triệu USD cho quảng bá hình ảnh ra quốc tế” - ông Phan Xuân Anh phân tích.

Ngay việc miễn phí visa cho 5 nước Tây Âu trong 1 năm (từ ngày 1-7-2015), các DN cho rằng không có ý nghĩa mà chỉ mang tính chắp vá vì DN đã bán tour trước cả năm. Theo ông Phạm Hà, Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Luxury Travel, dù cuối tháng 6-2016, chính sách miễn visa cho 5 thị trường Tây Âu mới hết hạn nhưng ngay bây giờ, DN cần biết có tiếp tục gia hạn không để giới thiệu với du khách. “Tại sao Việt Nam đã, đang hội nhập quốc tế bằng hàng loạt hiệp định thương mại tự do nhưng chính sách visa vẫn chỉ giới hạn trong một vài thị trường?” - ông Hà đặt vấn đề.

Từ ngày 23-11, theo quy định trong Thông tư 157 của Bộ Tài chính, lệ phí visa có giá trị một lần giảm từ 45 USD xuống còn 25 USD (trở lại mức phí những năm trước). So sánh với Campuchia sẽ thấy nước này áp dụng visa điện tử (e-visa) chỉ 30 USD, du khách nhập cảnh qua sân bay hoặc các đại sứ quán cũng chỉ tốn 30 USD nên rất thuận lợi. “Chúng ta chỉ thí điểm hoặc miễn visa trong khoảng thời gian ngắn nên không tạo tính ổn định. Quan trọng nhất là quá trình “xin - duyệt - cấp” visa tốn thời gian, công sức, giống như cửa chỉ mở… hé!” - đại diện một hãng lữ hành bình luận.

Trong khi ngành du lịch Việt Nam đang giậm chân tại chỗ thì các nước trong khu vực lại phát triển vượt bậc. Do đó, muốn ngành du lịch đột phá phải xem đây là ngành kinh tế mũi nhọn, tách bạch với văn hóa, thể thao và lập một bộ riêng bởi du lịch là làm kinh tế, dịch vụ. Cần lộ trình phát triển bài bản, kêu gọi nhà đầu tư tham gia và có chính sách ưu đãi để DN mạnh dạn đầu tư vào du lịch chứ đừng mang tính xin - cho, đừng làm du lịch theo kiểu tư duy nhiệm kỳ!

15 tỉ USD ở đâu ra?

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về cơ sở nào để ngành du lịch có khả năng đạt doanh thu 320.000 tỉ đồng (tương đương 15 tỉ USD) trong năm 2015, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm nay dự kiến là 8 triệu lượt, nếu nhân với mức chi tiêu trung bình 1.143 USD/người thì con số thu về khoảng 9 tỉ USD.

Trong khi đó, khách nội địa có lưu trú ước đạt khoảng 31 triệu lượt (nhân với trung bình 4,3 triệu đồng/người), khách đi về trong ngày khoảng 30 triệu lượt (nhân với 1,1 triệu đồng/người). Theo tính toán của Tổng cục Du lịch, tổng thu từ hơn 60 triệu khách nội địa ước đạt khoảng 150.000 tỉ đồng.

Người đứng đầu Tổng cục Du lịch khẳng định để phát triển du lịch trong năm tới, phải đặc biệt chú ý đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh. “Nghị quyết 92 của Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới nhưng chúng tôi rất mong có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bộ ngành, UBND các cấp với ngành du lịch bởi chỉ riêng ngành du lịch thì sẽ không giải quyết được vấn đề” - ông Tuấn nói. Y.Anh

Chặn nạn “chặt chém” du khách

Ngày 18-11, tại TP.Đà Nẵng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức họp báo công bố sự kiện Năm Du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc - ĐBSCL với chủ đề Khám phá đất phương Nam. Theo ban tổ chức, đây là sự kiện có quy mô cấp quốc gia, được tổ chức ở các tỉnh ĐBSCL, TP.Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng, Lào Cai.

Sự kiện bao gồm 14 hoạt động chính với ý nghĩa nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhân dân về sự phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên biển đảo, góp phần phát triển du lịch biển đảo thành sản phẩm đặc trưng.  Ngoài ra, đây cũng là dịp để giới thiệu sản phẩm văn hóa vật thể, phi vật thể và các sản phẩm du lịch của Kiên Giang cũng như các tỉnh, thành khác tới du khách trong và ngoài nước.

Ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đề nghị các địa phương và ngành du lịch phải hạn chế thấp nhất vấn nạn chặt chém, chèo kéo du khách trong sự kiện Năm Du lịch quốc gia. B.Vân

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn