Một đại biểu của tỉnh Sóc Trăng đóng góp ý kiến cho việc sửa đổi Luật Du lịch tại hội nghị ở TP.HCM ngày 6-11 |
Theo Tổng cục Du lịch, quan điểm của cơ quan quản lý trong việc sửa đổi, bổ sung lần này là để doanh nghiệp thuận lợi nhất trong hoạt động nhưng cơ quan quản lý phải quản lý được và bảo đảm phát triển du lịch bền vững.
Dựa trên cơ sở này, tổng cục dự định sẽ đưa vào những nội dung mới trong luật như chương quy định về du lịch bền vững, về nguồn nhân lực, về xếp hạng chất lượng vận chuyển, chương về hiệp hội du lịch thay vì chỉ một điều trong luật hiện tại, quy định về quyền hạn được khiếu nại của tổ chức xã hội nghề nghiệp du lịch...
"Chúng tôi thấy cần phải đề cao vai trò của hiệp hội trong phát triển du lịch. Những gì doanh nghiệp, hiệp hội làm được thì nhà nước không nên giữ mà nên giao," ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nói trong Hội nghị tổng kết thi hành Luật Du lịch và đề xuất nội dung xây dựng Luật Du lịch (sửa đổi) được tổ chức hôm nay, 6-11, tại TP.HCM.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng dự kiến sẽ quản lý chặt hơn hoạt động của một số mảng. Trong đó, sẽ buộc doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa phải xin giấy phép giống như doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế (gồm đưa khách quốc tế vào Việt Nam và đưa khách trong nước đi du lịch nước ngoài).
Nguyên nhân là số lượng doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa tăng trưởng quá nhanh nhưng khó kiểm soát. Cả nước đã có hơn 10.000 doanh nghiệp nhưng các công ty chỉ cần đăng ký chức năng kinh doanh du lịch với Sở Kế hoạch và Đầu tư, không cần xin phép từ cơ quan quản lý du lịch nên cơ quan này không thể kiểm soát được hoạt động, đã có nhiều trường hợp du khách bị ảnh hưởng mà doanh nghiệp không chịu trách nhiệm.
Cũng trong nội dung sửa đổi, cơ quan quản lý dự kiến sẽ đưa vào một số nội dung liên quan đến khách du lịch. Chẳng hạn, đưa ra quy định về hành vi nghiêm cấm khách du lịch vi phạm quy định nước sở tại khi đi du lịch nước ngoài hay điều khoản quy định quyền được lựa chọn một phần hay toàn bộ chương trình du lịch của du khách. Luật hiện tại quy định du khách phải mua toàn bộ chương trình nhưng nay đã không còn phù hợp vì xu hướng du khách tự đi du lịch ngày càng nhiều.
Nhiều doanh nghiệp ủng hộ những nội dung mới mà Tổng cục Du lịch dự định sẽ đưa vào luật. Tuy nhiên, có nhiều nội dung khác mà doanh nghiệp thấy cần phải thay đổi. Trong đó, không nên quy định hướng dẫn viên du lịch quốc tế phải có bằng đại học; phải quy định chi tiết cho phép cơ sở lưu trú hạng nào thì sẽ được kinh doanh dịch vụ nào để tránh thực trạng khách sạn phải xin quá nhiều giấy phép con cho các dịch vụ trong khách sạn, phải cho doanh nghiệp được rút tiền ký quỹ hàng trăm triệu đồng để giải quyết sự cố khi cần thiết...
Thêm vào đó, cơ quan quản lý cũng nên bổ sung những quy định liên quan đến xu hướng kinh doanh du lịch mới như quy định về sở hữu trí tuệ, sử dụng nhãn hiệu quốc tế của các công ty nước ngoài vào Việt Nam, quy định về kinh doanh trực tuyến, đa cấp...
"Các công ty nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều nên cần phải có quy định chặt chẽ về các vấn đề liên quan. Với kinh doanh trực tuyến hay bán hàng đa cấp cũng vậy. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến rất mạnh nhưng không bị quản lý, việc bán hàng đa cấp cũng đang phát triển nên cần phải có quy định rõ ràng," ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, nói.
Theo Tổng cục Du lịch, Luật Du lịch được ban hành vào năm 2005, có hiệu lực từ tháng 1-2006. Từ đó đến nay, bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam đã những thay đổi; tình hình ở trong nước cũng đã khác nên cần phải thay đổi một số quy định và bổ sung thêm những điều cần thiết.
Sắp tới, dự thảo sửa đổi sẽ được đưa lên trang web của Tổng cục Du lịch để doanh nghiệp tiếp tục đóng góp ý kiến.
THeo TB KTSG