Bác sĩ Tiến đang khám cho bé P. tại khoa hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1. |
Người nhà bé P. cho biết vào sáng 29/10, bé ở nhà với mẹ. Do chủ quan con mình chưa biết đi, nên mẹ em bé để con một mình đi xuống nhà bếp. Trong lúc đó, bé trai hiếu động bắt đầu bò đi chơi trên sàn nhà. Bé P. bò vào nhà vệ sinh, vịn vào xô nước cao khoảng nửa mét để chồm đứng lên nhưng chẳng may bé đã chúi thẳng đầu vào xô nước.
Khi không thấy con đâu, mẹ và người thân đi tìm khắp nhà trên, nhà dưới trong 10 phút đồng hồ thì mới phát hiện em bé đã té vào xô nước với 2 chân chổng lên trời. Người nhà vội bồng bé ra nhưng P. đã tím tái, rơi vào hôn mê sâu.
Sau khi được cơ sở y tế địa phương sơ cứu, em bé được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 1 lúc 11h30 trưa 29/10. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng phải bóp bóng để cung cấp oxy, toàn thân hoàn toàn tím tái, co gồng, hôn mê sâu.
Các bác sĩ tại đây đã đặt nội khí quản giúp thở, hút đờm nhớt, sử dụng thuốc chống co gồng mạnh cho bệnh nhi. Tuy tình trạng co gồng được cải thiện nhưng P. vẫn mê sâu nên phải được thở máy.
Bác sĩ Tiến cho biết do tình trạng ngạt nước kéo dài quá lâu gây thiếu oxy não nên khả năng bé trai có thể bị phù não, phải sử dụng thuốc chống phù não.
Sau hơn 1 tuần điều trị, hiện sức khỏe bé P. tạm ổn định, tri giác tỉnh táo, biết khóc đòi mẹ và không cần thở oxy nữa. “Có thể nói đây là một trong những trường hợp hy hữu sống sót sau khi bị ngạt nước đến 10 phút. Thông thường, thời gian vàng để cứu sống những ca này là trẻ bị ngạt dưới 4 phút.Trường hợp kỷ lục đã được cứu sống là trẻ bị ngạt dưới 15 phút”, ông Tiến nói.
Nếu may mắn thoát chết, trẻ bị ngạt nước quá lâu dễ gặp những di chứng về não làm ảnh hưởng đến chức năng vận động tứ chi, ảnh hưởng trí thông minh, nói ngọng… Cần theo dõi trong thời gian dài, bác sĩ mới có thể đánh giá chính xác và có phương hướng phục hồi các chức năng cho những ca này.
Bác sĩ Tiến cho biết thêm, mỗi năm Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận khoảng 20 ca ngạt nước do bị té vào bồn cầu, xô nước, hòn non bộ, té giếng, ao hồ hoặc đi bơi bị tai nạn… Bác sĩ lưu ý phụ huynh, cách sơ cứu quan trọng nhất đối với trẻ bị ngạt nước là ấn ngực, hà hơi thổi ngạt chứ không nên làm bất cứ cách gì khác.
Theo Tiền Phong