Đó là nhận định của luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM trước đề xuất của đại diện Công an TP.HCM tại Hội nghị tổng kết công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2015.
Đề xuất trên nhằm tránh tình trạng nam thanh niên né tránh nghĩa vụ quân sự (NVQS) khi cố tình đi khỏi địa phương trong thời gian gọi khám sức khỏe, nhập ngũ và thời gian huấn luyện quân nhân dự bị.
Không cần thiết có thêm quy định mới
Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết điều 32 Luật cư trú năm 2006 quy định, người trong độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự, dự bị động viên đi khỏi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi mình cư trú từ ba tháng trở lên có trách nhiệm khai báo tạm vắng. Nay có thêm đề xuất quy định 15 ngày thì sẽ rối rắm.
Ông Hiệp nhận định: “Luật nghĩa vụ quân sự đã quy định về thời gian đăng ký NVQS. Lệnh gọi khám sức khỏe NVQS sẽ được gửi trước 15 ngày để công dân chuẩn bị. Tất cả đều đã có quy định, chúng ta cứ áp dụng chặt chẽ là được. Trường hợp người dân đi hết 14 ngày rồi trở về trình báo, sau đó lại tiếp tục đi thì người dân sẽ rất tốn kém, công tác quản lý thêm rườm rà”.
Luật sư Hiệp cho rằng, cứ làm kiểu “mèo vờn chuột” như vậy thì càng tạo cơ hội cho người dân lách luật, pháp luật không còn nghiêm minh nữa.
Các tân binh tại TP.HCM lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự tháng 9/2014. |
Luật sư Hậu chỉ ra 3 điểm bất cập nếu đề xuất được áp dụng (hoặc được thực hiện thí điểm):
Thứ nhất, độ tuổi gọi nhập ngũ theo quy định tại Điều 30 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2016) là từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi. Như vậy, đề xuất chỉ áp dụng đối với nam thanh niên có độ tuổi từ 18-25 là không bao quát được hết.
Thứ hai, yêu cầu khai báo tạm vắng trong trường hợp đi khỏi địa phương trong thời gian 15 ngày là quá ngắn. Điều này không chỉ gây phiền hà cho người dân mà còn khiến bộ máy nhà nước cũng nặng nề, áp lực khi thường xuyên phải ghi nhận, quản lý các thông tin này.
Hiện nay, việc một người đi du lịch, đi công tác hay có những công việc cá nhân khác phải đi khỏi địa phương 15 ngày, 1 tháng… không phải là chuyện hiếm. Họ cũng có thể trong khoảng thời gian ngắn (1, 2 tháng…) mà phải rời khỏi địa phương nhiều lần.
Thứ ba, trường hợp người dân không thực hiện khai báo theo đề xuất chế tài là gì, phải xử lý như thế nào? Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ lại tiếp tục phải rà soát, theo dõi để xử lý tình trạng này.
Ông Hậu cho rằng: “Bản thân cơ quan nhà nước ban hành các văn bản để thực hiện những điều trái quy định của pháp luật thì sẽ không đảm bảo được tính thượng tôn pháp luật. Và trước hết thì đề xuất này cũng sẽ không nhận được sự ủng hộ từ người dân”.
Quá hình thức, nặng nề
Hầu hết bạn đọc cho rằng đề xuất này quá hình thức, rườm rà, gây cồng kềnh cho bộ máy quản lý nhà nước.
Anh Trần Công Bảo nói: “Giả sử tôi đi công tác ở tỉnh khác hai tuần nhưng công việc chưa xong phải ở lại thêm một tuần để hoàn tất. Vậy tôi lại phải về địa phương làm thủ tục rồi tiếp tục giải quyết công việc. Chi phí phát sinh ai chịu? Tôi quên trở lại địa phương đăng ký thì vi phạm pháp luật, quá bất cập”.
“Theo Hiến pháp, mọi công dân đều có quyền tự do cư trú, đi lại và chỉ việc khai báo với cơ quan có thẩm quyền. Tôi đã phải khai báo lưu trú và được quản lý ở nơi tôi đến khi ở quá 15 ngày nhưng giờ lại thêm khai báo với địa phương, cùng một khâu quản lý mà làm quá nhiều lần gây chồng chéo, sổ sách nhiều thêm, không phù hợp với việc đơn giản hóa thủ tục hiện tại”, bạn Nguyễn Mạnh Đình sinh viên ĐH Luật TP.HCM chia sẻ.
Một số bạn đọc cũng cho rằng đề xuất này như đang chuyển vấn đề của cơ quan quản lý nhà nước cho dân.
Ngoài ra, nên sớm đưa đăng ký online để công dân đi đến đâu chỉ cần đăng ký tạm trú qua mạng là đủ.
"Dù biết rằng ai cũng có cái lý khi đưa ra vấn đề này nhưng thử hỏi người bị ốm đi khỏi địa phương chữa bệnh cũng báo, đi du lịch cũng báo, đi công tác thời gian ngắn cũng báo... Mất tự do không khác gì bị quản thúc", bạn đọc tên Đông nói.
Phải giáo dục ý thức NVQS là nghĩa vụ thiêng liêng
Theo luật sư Huỳnh Phước Hiệp, NVQS là nghĩa vụ thiêng liêng, chứng tỏ nghĩa vụ của người dân đối với đất nước. Cơ quan chức năng cần làm cho người dân ý thức hơn, không nên bắt buộc.
Phải hướng dẫn, tuyên truyền, giáo dục cho người trong độ tuổi NVQS thấy được đó là nghĩa vụ thiêng liêng, ai cũng nên thực hiện và sự cao quý, vinh dự khi thực hiện.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cũng cho rằng: “Các tổ chức, cá nhân và gia đình chính là nơi tác động và có trách nhiệm giáo dục, động viên và tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện NVQS.
Đối với các trường hợp cố tình trốn tránh thực hiện NVQS phải xử lý thực nghiêm. Luật quy định phải đăng ký NVQS, công dân không đăng ký tức là vi phạm, nhẹ thì phạt hành chính, nặng thì khởi tố hình sự”.
Theo Zing