Dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đóng góp. Một số điểm mới của Dự thảo Luật là tạm hoãn gọi nhập ngũ cho sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học thuộc hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân; Thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự kéo dài hơn (từ 18 tháng lên 24 tháng); Độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự được tính mới từ 18 đến 27 tuổi (thay vì là từ 18 đến 25 tuổi).
Xung quanh những điểm mới trên, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Thiện Minh, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng (Bộ GD-ĐT).
Các bạn trẻ lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự (ảnh: Ngọc Thành)
Chỉ sinh viên đại học chính quy mới được tạm hoãn gọi nhập ngũ
PV: Thưa Thiếu tướng, Dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến có những điểm mới nào? Ông có thể giải thích rõ vì sao Dự thảo Luật lại đưa ra những điểm mới đó?
Thiếu tướng Nguyễn Thiện Minh: Dự Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) có 3 điểm mới cơ bản. Thứ nhất là phạm vi tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự thu hẹp hơn so với Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành. Thứ hai là thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự kéo dài hơn (từ 18 tháng lên 24 tháng). Thứ ba là độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự được tính mới từ 18 đến 27 tuổi (thay vì là từ 18 đến 25 tuổi).
Dự Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) có ý nghĩa rất lớn đối với việc thực hiện nghĩa vụ quân sự của công dân trong thời bình.
Dự thảo Luật tạm hoãn gọi nhập ngũ cho sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học thuộc hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Điều này có nghĩa là sinh viên đại học hệ chính quy sẽ thực hiện nghĩa vụ quân sự sau khi học xong. Còn tất cả sinh viên theo học các hệ đại học khác đuoc thực hiện nghĩa vụ quân sự theo độ tuổi.
Mỗi năm, chúng ta có từ 7 đến 8 triệu công dân có thể nhập ngũ. Trong đó, số được nhập ngũ chỉ chiếm từ 5 đến 6%. Vì vậy, phạm vi tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với sinh viên thu hẹp hơn so với Luật Nghĩa vụ quân sự cũ nhưng vẫn đảm bảo quyền thực hiện nghĩa vụ quân sự thiêng liêng của học sinh, sinh viên, kể cả đối tượng được tạm hoãn.
Nếu thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự chỉ có 18 tháng thì việc huấn luyện cho bộ đội thường trực chiến đấu trong điều kiện công nghệ cao sẽ khó khăn. Do đó, thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự kéo dài hơn (từ 18 tháng lên 24 tháng) là nhu cầu để đảm bảo cho người chiến sĩ có thể thực hiện thuần thục tất cả nhiệm vụ được huấn luyện. Quân đội Nhân dân Việt Nam rất cần công dân có năng lực, tri thức, đạo đức, kỹ năng giỏi để đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong bất kỳ tình huống nào.
Độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự được dự kiến từ 18 đến 27 tuổi sẽ phù hợp hơn so với Luật Nghĩa vụ quân sự cũ vì hiện nay, có nhiều ngành nghề đào tạo đại học sinh viên 6 đến 7 năm mới tốt nghiệp, theo đó sinh viên học ngành nào cũng được thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Những điểm mới của Dự Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) vừa tăng cường chất lượng nguồn tuyển “đầu vào” cho quân đội, vừa đảm bảo học sinh, sinh viên đều có cơ hội được thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc.
Thiếu tướng Nguyễn Thiện Minh
Dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) đã kéo dài độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự được tính mới từ 18 đến 27 tuổi. Nếu như đất nước có sự biến động nào đó thì độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ có sự thay đổi như thế nào, thưa Thiếu tướng?
Quy định độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự đến 27 tuổi là để cho những sinh viên học ngành nghề đào tạo nhiều năm vẫn có thể thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình. Còn nếu như trong trường hợp đất nước có sự biến động nào đó thì giới hạn tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ có sự thay đổi theo chiều hướng kéo dài và mở rộng hơn.
Một số đối tượng được công nhận như thực hiện nghĩa vụ quân sự
Ngoài đối tượng được tạm hoãn gọi nhập ngũ là sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học thuộc hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân thì còn có những đối tượng nào được công nhận như thực hiện nghĩa quân sự trong thời bình, thưa Thiếu tướng?
Ngoài đối tượng được tạm hoãn gọi nhập ngũ là sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học thuộc hệ chính quy theo dự thảo những đối tượng sau được công nhận tương đương thực hiện nghĩa quân sự trong thời bình: Công dân thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc trong lực lượng vũ trang như hoàn thành nghĩa vụ phục vụ trong lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; Hoàn thành nghĩa vụ trong Công an nhân dân; Dân quân tự vệ nòng cốt đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, có ít nhất 12 tháng làm nhiệm vụ dân quân tự vệ thường trực; Hoàn thành nhiệm vụ Công an xã đủ 36 tháng; Cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên, đã được đào tạo sĩ quan dự bị.
Công dân thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc trong tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh: Thanh niên trí thức tình nguyện phục vụ tại đoàn kinh tế - quốc phòng từ 24 tháng trở lên theo quy định của Chính phủ; Công dân phục vụ trong lực lượng Kiểm ngư Việt Nam là Kiểm ngư viên, thuyền viên tàu kiểm ngư từ 24 tháng trở lên; Thanh niên xung phong thực hiện nhiệm vụ trong vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.
Trường hợp trốn tránh nghĩa vụ quân sự sẽ bị xử lý theo pháp luật
Thưa Thiếu tướng, đối với trường hợp trì hoãn hoặc dùng nhiều hình thức khác nhau để được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự thì sẽ được Bộ GD-ĐT giải quyết như thế nào?
Trường hợp trì hoãn hoặc dùng những hình thức khác để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ bị xử lý theo pháp luật. Cụ thể: Theo Điều 8 Nghị định 151/N Đ-CP (qui định xử phạt hành chính trong lĩnh vực quốc phòng): Phạt tiền tử 100.000- 300.000 đồng với hành vi vắng mặt khi có giấy gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự mà không báo cáo lý do chính đáng; Phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng với hành vi gian dối, mua chuộc nhân viên y tế để làm sai lệch yếu tố sức khỏe để trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
Ngoài phạt tiền người vi phạm buộc phải chấp hành qui định kiểm tra của Hội đồng nghĩa vụ quân sự và theo Điều 259 Bộ Luật Hình sự qui định về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự như: Người nào không chấp hành đúng qui định về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện... thì bị cải tạo không giam giữ 2 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; Phạm tội một trong những trường hơp sau đây thì phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Tự gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho mình; Phạm tội trong thời chiến; Lôi kéo người khác phạm tội.
Bộ GD-ĐT đã và đang cùng với các cơ quan pháp luật, chính quyền các địa phương và các cơ sở đào tạo kiểm tra, rà soát những trường hợp vi phạm thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Chính quyền địa phương có trách nhiệm quản lý công dân nơi cư trú, trực tiếp kiểm soát công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự, khi phát hiện việc công dân vi phạm luật nghĩa vụ quân sự là học sinh, sinh viên tạo điều kiện cho các cơ quan pháp luật và Bộ GD-ĐT xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Xin cảm ơn Thiếu tướng!
Theo VOV