Giao thông rối loạn tại ngã tư Thủ Đức sáng 19/1 - Ảnh nguồn: NLĐ
Tất nhiên, khi một hệ thống đèn tín hiệu giao thông quan trọng như tại ngã tư Thủ Đức trên xa lộ Hà Nội bị trục trặc thì sẽ gây ảnh hưởng nhất định tới việc đi lại của các phương tiện. Song, chỉ một nút tín hiệu giao thông mà khiến cả một tuyến đường huyết mạch quan trọng bậc nhất của TP lớn nhất nước bị ùn tắc nghiêm trọng trong hàng giờ có lẽ là điều không thể chấp nhận. Bởi lẽ, nó không chỉ ảnh hưởng tới giờ giấc làm việc, học hành, làm ăn… của hàng ngàn con người mà còn gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế.
Chiếc đèn xanh, đèn đỏ dù nằm ở vị trí giao thông quan trọng đến đâu cũng là một sản phẩm do con người thiết kế và lắp đặt để điều tiết giao thông. Vậy, chẳng lẽ khi một hệ thống tín hiệu trục trặc, con người lại không thể thay chúng để điều tiết, tổ chức giao thông?
Trước vụ xe cộ kẹt cứng trong giờ cao điểm đi làm, đi học buổi sáng 19/1, tuyến giao thông huyết mạch xa lộ Hà Nội của TP.HCM đã nhiều lần rơi vào tình trạng tương tự. Tài xế buồn ngủ khiến chiếc xe container tông đổ biển báo giao thông, leo lên dải phân cách, xa lộ Hà Nội kẹt cứng; xe buýt chở sinh viên hất tung dải phân cách, xa lộ Hà Nội ùn tắc nghiêm trọng… Mới đây nhất, tuyến đường cửa ngõ vào TP.HCM lại “tê liệt” trong nhiều giờ vào sáng 16/1 do… phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến.
Nói thế để thấy có thể có muôn vàn lý do khiến tuyến đường quan trọng như xa lộ Hà Nội kẹt cứng bất cứ lúc nào. Vậy không lẽ lỗi chỉ là do tài xế buồn ngủ, bất cẩn hay thậm chí là chiếc đèn xanh, đèn đỏ? Chắc chắn không thể chỉ là những thứ lỗi lãng xẹt như vậy. Cho dù vì bất cứ lý do gì thì cũng có thể thấy lỗi trước hết và rất quan trọng là ý thức con người. Đó có thể là tài xế bất cẩn rồi của chính những người tham gia giao thông khi cố chen, ngoi lên bằng được, bất chấp hành vi ích kỷ của mình có thể khiến tình trạng ách tắc càng thêm nghiêm trọng.
Tuy nhiên, lý do quan trọng nhất là công tác tổ chức, quản lý giao thông. Hệ thống tín hiệu giao thông hỏng hay tai nạn giao thông… là những điều có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chính vì thế, những nhà tổ chức và quản lý giao thông luôn phải lường trước và có biện pháp ứng phó, khắc phục.
Với tính chất quan trọng của tuyến giao thông vào cửa ngõ trung tâm kinh tế lớn nhất đất nước, hàng ngàn tỷ đồng đã và đang được đầu tư để mở rộng, nâng cấp xa lộ Hà Nội. Tuy nhiên, xem ra cơ sở hạ tầng giao thông cải thiện thôi chưa đủ mà trình độ, năng lực của bộ máy tổ chức, quản lý giao thông cũng cần phải được nâng lên tương xứng. Nếu không, dù đổ vào cả ngàn tỷ đồng thì giao thông vẫn là một “nút thắt” của trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước này.
Theo NLĐ