“Thay áo” cho Bưu điện TP.HCM và câu chuyện bảo tồn

Thứ hai, 19/01/2015, 17:23
Việc Bưu điện TP.HCM được sơn mới đặt ra vấn đề bảo tồn, duy tu các di sản để vừa đảm bảo sự phát triển nhưng vẫn giữ được các giá trị lịch sử.

Những ngày qua, việc Bưu điện TP.HCM được sơn màu sơn mới không phù hợp đã gây nhiều bức xúc trong dư luận. Việc này đã đặt ra vấn đề về bảo tồn, duy tu các di sản như thế nào để vừa đảm bảo sự phát triển nhưng vẫn giữ được các giá trị lịch sử.

 “Thay áo” cho Bưu điện Tp.HCM và câu chuyện bảo tồn_vovgiaothong

Màu "áo mới" của Bưu điện TP Hồ Chí Minh (Ảnh: thethaovietnam.vn)

Với nhóm bạn trẻ thường xuyên tụ tập, gặp mặt tại công viên 30/4, các công trình Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, Dinh Độc Lập… là những gì thân quen, là đề tài để bàn luận, là nơi để hẹn hò, liên lạc, là nơi để ghi lại những bức ảnh kỷ niệm. Vì thế, việc Bưu điện thành phố có sự thay đổi bất ngờ, lạ mắt khiến nhiều bạn trẻ không đồng tình.

"Em thấy rất xa lạ"; "Em thấy không hợp gì so với cảnh trí xung quanh"; "Cần phải thay đổi lại màu sơn"... đó là ý kiến của một số bạn trẻ về màu áo mới của Bưu điện thành phố.

Các hãng du lịch lữ hành trở thành đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi việc sơn lại Bưu điện thành phố. Các hướng dẫn viên nhiều lúc bối rối, không biết nói gì với khách về sự thay đổi này.

Anh Trần An, hướng dẫn viên một công ty du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh nói: "Công trình này khá lâu ở Sài Gòn về kiến trúc đặc thù về thời Pháp. Nhưng mà diện mạo mới, đặc biệt là màu sơn làm cho du khách không còn nhận ra sự lâu đời của công trình, điều này làm khó khăn cho nghề du lịch, đặc biệt là hướng dẫn khách đi đến đây gặp phải những câu hỏi của du khách. Hy vọng là sẽ có sự thay đổi".

Bưu điện thành phố mặc dù chưa được công nhận là di tích kiến trúc, nhưng nằm trong nhóm các công trình kiến trúc của Pháp xây dựng từ sau giai đoạn 1859-1930, nên phải xem nó như một di sản kiến trúc. Đây là các công trình theo các tiêu chuẩn hàn lâm của Pháp, mẫu mực của thế giới, là di sản về thời kỳ phục hưng. Do đó, thành phố phải có trách nhiệm bảo quản, khi muốn sửa đổi phải tôn trọng tính chất nguyên mẫu về phong cách kiến trúc, quy mô kiến trúc và màu sắc kiến trúc.

Họa sĩ - Nhà giáo nhân dân Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM cho rằng, việc Bưu điện thành phố tự ý sơn lại màu sơn mới cho công trình này là việc làm thiếu suy nghĩ và rất không ổn.

Họa sĩ - Nhà giáo nhân dân Uyên Huy nói: "Đứng về mặt kỹ thuật thì phải sơn lại bởi nó không đồng bộ với các công trình kiến trúc của thành phố. Thành phố đang chuẩn bị kỷ niệm 40 năm nữa nên các công trình kiến trúc đang được điều chỉnh cho đẹp và trang nhã và ra tinh thần kiến trúc thì đứng về phía hội mỹ thuật thì mình mong có tiếng nói chung của giới kiến trúc, mỹ thuật để cùng với chính quyền làm sao để sơn lại."

Tại TP.HCM hiện còn nhiều công trình kiến trúc cổ của Pháp, có giá trị lịch sử, văn hóa như: Nhà thờ Đức Bà, Ủy ban nhân dân thành phố, Bảo tàng Mỹ thuật, Sở Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Nhà hát thành phố, Bến Nhà Rồng, chợ Bến Thành….

Theo Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng thành phố thì thời gian qua, thành phố chưa nghiên cứu đầy đủ để có các qui định chặt chẽ về bảo tồn các công trình.

Tiến sĩ Võ Kim Cương nói: "Phát triển dứt khoát phải có thay đổi bởi vì công trình cũ không đáp ứng với nhu cầu phát triển thì mình thay đổi, tuy nhiên mỗi công trình đều có giá trị cần phải bảo tồn. Những giá trị kiến trúc phải được bảo tồn, những giá trị lịch sử phải được bảo tồn chứ không phải phá bỏ một cách tự nhiên. Thì cái nào có thể tồn tại thì mình cố gắng giữ, tất nhiên là có ảnh hưởng bởi đó là tất yếu nhưng mình có thể hạn chế tối đa. Ví dụ như trước Ủy ban nhân dân thành phố mình không xây nhà cao tầng."

Như vậy, sau thương xá Tax, hàng cây xanh đường Tôn Đức Thắng... thì việc làm mới Bưu điện thành phố bằng màu sơn không phù hợp chỉ là thêm một ví dụ cho việc bảo tồn cảnh quan, di tích của thành phố Hồ Chí Minh còn nhiều bất cập. Vấn đề đặt ra ở đây là thành phố cần giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và khai thác các công trình trên, làm sao để vừa khai thác tốt, vừa bảo tồn tốt. Điều này đồng nghĩa với việc cần chọn lọc, giữ lại những gì cốt lõi nhất vì sự phát triển của thành phố.

Theo VOV1 (Đài TNVN)

Các tin cũ hơn