Theo thông tin mới nhất từ Bộ Tài chính, cập nhật số liệu tổng hợp theo báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (số liệu trước soát xét) cho thấy, một số đơn vị có số dư Quỹ bình ổn xăng dầu lớn như Tập đoàn xăng dầu Việt Nam là 1.814 tỷ đồng; Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV oil) là 146 tỷ đồng; Tổng công ty xăng dầu Quân đội là 336 tỷ đồng.
Trong khi đó, vẫn còn 10/19 thương nhân đầu mối xăng dầu có số dư quỹ âm như CTCP xăng dầu và dịch vụ hàng hải STS số dư -27 tỷ triệu đồng; CTCP Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu -33 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng cho biết, đáng chú ý, trong kỳ công bố quý III, Quỹ bình ổn giá của Tổng công ty Thương mại và Đầu tư được sáp nhập với Quỹ bình ổn giá của Tổng công ty Dầu Việt Nam -144,9 tỷ đồng.
Báo cáo trước đó của Bộ Tài chính cho biết, số dư Quỹ bình ổn giá tại thời điểm 30/6/2015 là 1.794 tỷ đồng. Như vậy, đến nay số dư Quỹ bình ổn đã tăng khoảng 982 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ Tài chính, tổng số trích Quỹ bình ổn giá trong quý III (từ ngày 01/7/2015 đến hết ngày 30/9/2015): 1.189 tỷ đồng. Tổng số sử dụng Quỹ bình ổn giá trong Quý III (từ ngày 01/7/2015 đến hết ngày 30/9/2015): 355 tỷ đồng. Lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG: 2,822 tỷ đồng.
Trước đó, vào ngày 3/11, giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm đồng loạt với mức giảm 771 đồng/lít đối với xăng RON 92, giảm 881 đồng/lít đối với xăng E5, giảm 432 đồng/lít đối với dầu diesel; giảm 481 đồng/lít đối với dầu hoả, giảm 316 đồng/kg đối với dầu madut.
Liên Bộ Công thương – Tài chính cũng quyết định trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu đối với xăng khoáng là 300 đồng/lít, trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu khác như hiện hành.
Trên thực tế, mức trích lập Quỹ bình ổn 300 đồng/lít đã được áp dụng kể từ đầu tháng 6/2015 khi mặt hàng này bước vào chu kỳ giảm liên tục và giả thiết đặt ra, nếu không tồn tại Quỹ bình ổn và mức trích lập 300 đồng/lít, giá xăng có thể giảm sâu hơn nữa.
Trao đổi với PV, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho biết, về bản chất Quỹ bình ổn chỉ hiệu quả khi thị trường lên xuống nhịp nhàng trong chu kỳ ngắn và có thể dự báo được còn thị trường diễn biến theo một chiều lên hoặc xuống trong thời gian dài và mức độ tăng, giảm lớn dùng Quỹ bình ổn rấy khó giữ được sự bình ổn của thị trường.
"Bản chất của thị trường mang tính đầu cơ, khi lên rất nhanh, xuống rất mạnh do đó Quỹ bình ổn chỉ làm chậm tiến trình điều chỉnh giá", ông Độ phân tích.
Theo BizLive