Trong buổi chất vấn cuối cùng sáng 18/11, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, lộ trình tăng lương sẽ được đảm bảo đối với người hưởng lương hưu, cán bộ đương chức, lực lượng vũ trang và nhiều đối tượng khác. Trước đó, đại biểu Lê Đình Khanh đã thắc mắc về việc hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 78 của Quốc hội về việc tăng lương cho cán bộ hưu.
Bà Chuyền giải thích, từ trước đến nay, việc tăng lương cho cán bộ hưu và cán bộ đương chức được thực hiện cùng một lúc. Do khả năng của ngân sách nhà nước nên trước mắt chỉ tăng thêm 8% mức hiện hưởng cho người nghỉ hưu, người có công và cán bộ đang công tác có hệ số lương dưới 2,34 từ ngày 1/1/2015.
Tại kỳ họp này, nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách năm 2016 đồng ý từ 1/5/2016, tất cả công chức còn lại sẽ được nâng lương thêm 5%. Như vậy, đến thời điểm trên thì công chức, viên chức, người có công, người nghỉ hưu đều được nâng lương với hai mức là 8% và 5%.
Còn một bộ phận người nghỉ hưu từ tháng 1/2015 đến hết 4/2016 thì Chính phủ sẽ có hướng dẫn để đảm bảo quyền lợi và chỉ được nâng khi có quyết định nghỉ hưu. "Như vậy đến tháng 5/2016, cả hai nhóm nghỉ hưu và đương chức đều được tăng, nhưng với mức khác nhau", bà Chuyền cho hay.
Trước đó, Chính phủ đã đưa ra phương án thu xếp khoảng 11.000 tỷ đồng để thực hiện tăng lương từ 1/5/2016. Trong số này, ngân sách trung ương cân đối được khoảng 40%, 60% còn lại lấy từ địa phương. Theo phương án này, lương cơ sở sẽ tăng thêm 5%, từ mức 1.150.000 đồng lên 1.210.000 đồng (tăng 60.000 đồng) một tháng. Đây là mức lương điều chỉnh đối với người lao động có hệ số từ 2,34 trở lên (bậc lương đầu tiên của người tốt nghiệp đại học, bắt đầu đi làm).
Theo VNE