Trò đùa nguy hiểm!
Trong những ngày qua, cư dân mạng ở Việt Nam xôn xao về câu chuyện, một số người dùng Facebook giả danh thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS có tên Timur Zhunusov. Chưa hết, một số người dùng Facebook Việt Nam vào Facebook Timur Zhunusov để chửi rủa, lên án, khiêu khích IS tới Việt Nam.
Sự việc diễn ra sau một loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại thủ đô Paris của Pháp tối 13.11. Khi IS lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ việc này, nhiều người lo lắng. Rất nhiều người dùng Facebook đã lên án hành động khiêu khích “IS” của một số bạn trẻ.
Một fanpage giả thành viên của IS.
Trao đổi với PV, chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT), nhà báo Phạm Hồng Phước (chủ biên của nhiều tạp chí CNTT lớn tại Việt Nam) cho rằng, việc vào các tài khoản của IS để khiêu khích, thậm chí báng bổ tôn giáo là một việc làm cực kỳ nguy hiểm, có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường.
“Cho dù các bạn này dùng tiếng Việt, nhưng người nước khác vẫn có thể dùng các công cụ dịch, như Google Translate để hiểu được nội dung. Không phải chỉ có IS mà tất cả các tổ chức và các phần tử cực đoan quá khích, khủng bố đều cực kỳ nguy hiểm”, ông Phước nói.
Theo chuyên gia Phạm Hồng Phước, việc giả danh IS cũng rất nguy hiểm khi thu hút người khác vào đó thể hiện ý kiến của mình. Các phần tử cực đoan nếu không cảm thấy được động viên, cổ vũ thì sẽ bị kích động thù hận, thậm chí càng tệ hơn khi bị chửi rủa, thách thức.
“Nói chung, đây là những hành động xốc nổi, nông nổi của một bộ phận xã hội, chủ yếu là giới trẻ. Họ chủ yếu câu “like”, câu “view”, lợi dụng cơ hội này để thu hút sự chú ý của nhiều người vào mình. Cũng có không ít người coi đây là trò đùa vui, chơi khăm người khác. Họ không lường được hoặc bất cần quan tâm tới những hậu quả do mình gây ra”, ông Phước nói.
Đừng khù khờ nhảy vào ổ kiến hay rừng gươm
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn - Trưởng Khoa Tâm lý học (Trường Đại học Sư phạm TP.HCM) nhìn nhận, việc làm của các bạn trẻ trên xuất phát từ những suy nghĩ rất cá nhân khi sử dụng mạng xã hội nói riêng và internet nói chung. Đây là những hành vi rất manh động và cũng có phần ngây ngô.
Những bình luận kích động trên Facebook
“Chẳng ai khù khờ đến mức nhảy vào ổ kiến hay rừng gươm và bảo rằng “Tại sao anh là kiến đi đốt người khác?”, “Tại sao anh là gươm để làm người khác tổn thương?”. Tất cả đều có những hệ lụy không lường trước được, do nhiều người chỉ muốn làm theo ý muốn cá nhân, thỏa mãn cái tôi mà quên đi những quy chuẩn của xã hội.
Đừng nói rằng sự việc nhỏ sao lại làm quá, mà đó là sự việc chưa được nhận thức, chưa được suy xét sâu sắc vì những cảm nhận quá ngây ngô hay thậm chí là hành vi gây hấn, kích thích sự hiếu chiến của người khác”, chuyên gia tâm lý Huỳnh Văn Sơn nói.
Từ đó, ông Sơn cho rằng, dù mạng xã hội là thế giới ảo nhưng người dùng nên cẩn trọng trước mọi sự việc, đừng quá vô tư hay ảo tưởng về hành vi của mình. Cũng đừng hành động chủ quan để mang những nỗi đau không đáng có đến cho mình và cho người. Đồng thời, cần dùng tình yêu đích thực và sự đồng cảm trên thế giới mạng để cảm thông và chia sẻ nhưng dứt khoát không thể là những hành vi quá ngây thơ, chạy theo số đông, làm quá hay kích động.
“Người tỉnh táo và bản lĩnh không phải là người đương đầu một cách mạnh dạn, mà là biết suy nghĩ trước khi đương đầu; biết cân nhắc, phân tích và hình dung sâu sắc cả những hệ lụy hay hậu quả của hành vi trước khi hành động”, ông Sơn nói.
Trong khi đó, ông Phạm Hồng Phước khuyến cáo, người dùng internet nên có ý thức giúp ngăn chặn, không hùa theo hoặc bình luận liên quan đến việc kích động cổ vũ các tổ chức hay thành viên các tổ chức khủng bố cực đoan dù là tài khoản giả mạo… Nếu không có hiệu quả thì có thể sử dụng tính năng “report” (báo cáo vi phạm) của Facebook. Đồng thời cũng nên trao đổi, chia sẻ với bạn bè, người thân để họ hiểu các nguy cơ ẩn chứa của những hành vi như vậy.
Tung tin sai sự thật có thể bị phạt 30 triệu đồng Theo luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty luật hợp danh Thiên Thanh (Hà Nội), mặc dù việc lập Facebook "phần tử IS" chỉ là giả mạo nhưng việc này đã gây hoang mang dư luận, đặc biệt là sự việc diễn ra chưa lâu sau vụ khủng bố đẫm máu tại Pháp. Luật sư Tuấn Anh đánh giá: Dưới góc độ pháp lý, hành vi giả mạo thành viên IS, tung tin đồn thất thiệt của chủ sử dụng các tài khoản Facebook không những vi phạm các quy định pháp luật trong lĩnh vực CNTT mà còn gián tiếp lợi dụng quyền tự do ngôn luận để bôi nhọ, tạo cách hiểu sai, xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của những người theo đạo Hồi. “Chúng ta có thể căm phẫn với hành động khủng bố của “IS” nhưng không vì thế mà bốc đồng, dùng những lời lẽ xúc phạm đến người khác, đặc biệt là xúc phạm đến tôn giáo”, luật sư Trần Tuấn Anh nói. Luật sư Trần Tuấn Anh cũng cho biết: Theo quy định của pháp luật, người nào có hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Ngoài ra, căn cứ vào mức độ lỗi, thiệt hại và tính chất nghiêm trọng của sự việc, các đối tượng còn có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet” theo Điều 226 Bộ luật Hình sự, “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo Điều 258 Bộ luật Hình sự. |
Theo Dân Việt