Bốc xếp container tại cảng Cát Lái, TP.HCM. Ảnh minh họa Internet. |
Từ Cát Lái đến Hoàng Diệu
Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cát Lái) thuộc Cục Hải quan TP.HCM vừa phát thông báo yêu cầu chủ nhân của 241 container đã nằm tại cảng hơn 90 ngày (có địa chỉ cụ thể) phải đến nhận hàng. Nếu sau 60 ngày kể từ ngày ra thông báo mà không đến nhận thì số container này sẽ được xử lý theo quy định.
Trao đổi với TBKTSG, ông Hoàng Việt Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, phụ trách Cục Hải quan TP.HCM, cho biết nếu tính trên toàn địa bàn TP.HCM thì có hơn 1.000 container đã nằm ở cảng quá 90 ngày. Cục Hải quan TP.HCM đang tích cực thực hiện các bước để xử lý số container tồn đọng, trong đó có không ít container chứa hàng cấm nhập khẩu.
Riêng với 241 container tại cảng Cát Lái, theo một nguồn tin của TBKTSG, toàn bộ là hàng cấm bởi trước khi đăng thông báo tìm chủ, cơ quan chức năng đã thông báo cho phép người khai hải quan đến khai báo lại về hàng hóa nhưng tuyệt nhiên không có điều chỉnh nào từ phía chủ hàng. Do vậy, sau thông báo này thì chắc cũng chẳng có ai đến nhận hàng để “lạy ông con ở bụi này”.
Trước đó, vào đầu tháng 10, Chi cục Hải quan khu vực 1 (quản lý cảng Hoàng Diệu) thuộc Cục Hải quan thành phố Hải Phòng cũng thông báo tìm chủ của 161 container các loại đã nằm ở cảng quá 90 ngày, trong đó có những lô hàng đã cập cảng từ năm 2006, 2008. Tính chung, các cảng trên địa bàn thành phố Hải Phòng còn tồn đọng trên 4.000 container. Hải Phòng là một trong những địa phương có số lượng container tồn đọng lớn nhất cả nước. Nhiều container trong số này là hàng phế liệu, hàng độc hại... và đã nằm ở cảng cả chục năm.
Câu hỏi đầu tiên - tiền đâu?
Thông báo tìm chủ nhân của các container tồn đọng ở cảng đã quá 90 ngày chỉ là bước đầu tiên trong quy trình xử lý được quy định tại Thông tư 203/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 25-2-2015. Sau thông báo 60 ngày (trừ hàng tươi sống, thực phẩm chế biến...) mà chủ hàng không hồi đáp thì hàng hóa sẽ được xác định là đã được chủ tuyên bố từ bỏ hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc từ bỏ (nói ngắn gọn là vô chủ) để từ đây, cơ quan chức năng thực hiện các tiếp theo.
Tiền thu lại từ hàng trong các container tồn đọng này, nếu may mắn là hàng có thể bán được, trong rất nhiều trường hợp lại ít hơn tiền đã chi ra. |
Cụ thể, cục trưởng cục hải quan nơi có hàng hóa tồn đọng sẽ thành lập hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng theo từng năm với thành phần là lãnh đạo, các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ thuộc chi cục, cục hải quan, đại diện sở tài chính, lãnh đạo doanh nghiệp quản lý hàng tồn đọng (cảng)...
Hội đồng này sẽ thực hiện các công việc như kiểm tra, phân loại, định giá hàng hóa; thực hiện phương án xử lý hàng như chuyển giao cho cơ quan nhà nước chuyên ngành để quản lý, xử lý nếu là hàng có giá trị văn hóa - lịch sử, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm, vũ khí, công cụ hỗ trợ và các tài sản khác liên quan đến quốc phòng, an ninh; máy móc, thiết bị còn sử dụng được...; tiêu hủy đối với hàng hóa không còn giá trị sử dụng (mục nát, đổ vỡ, hư hỏng, giảm phẩm chất, quá hạn sử dụng, không bảo đảm chất lượng sử dụng, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng) hoặc thuộc diện buộc phải tiêu hủy theo quy định; bán trực tiếp (không thông qua đấu giá) hoặc bán đấu giá để thu tiền cho ngân sách nhà nước.
Trao đổi với PV, một lãnh đạo cấp phòng thuộc Cục Hải quan TP.HCM cho biết, vấn đề của việc xử lý hàng tồn đọng tại cảng chính là câu chuyện đầu tiên - tiền đâu. Bởi lẽ, căn cứ theo quy định kể trên, có rất nhiều khâu cần dùng đến tiền. Đó là tiền trả để đăng thông tin tìm chủ hàng, trả cho đơn vị bốc xếp hàng hóa từ vị trí xuống máy soi chiếu (để xác định hàng hóa bên trong) hay mở niêm phong, kiểm kê, phân loại hàng hóa; tiền thuê tổ chức giám định, thẩm định giá trị hàng, thuê đơn vị thực hiện tiêu hủy đối với hàng độc hại, hết giá trị; bồi dưỡng cho các thành viên hội đồng (tối đa 100.000 đồng/người/ngày); trả phí lưu kho, lưu bãi cho đơn vị kinh doanh cảng...
Trong khi đó, tiền thu lại từ hàng trong các container tồn đọng này, nếu may mắn là hàng có thể bán được, trong rất nhiều trường hợp lại ít hơn tiền đã chi ra. Nếu số thu cuối cùng sau khi đã trừ chi phí ở trạng thái dương thì được chuyển về ngân sách trung ương, không thuộc quyền quản lý của cơ quan hải quan.
“Đó là lý do khiến rất nhiều container được khui ra rồi lại đóng trở lại và để đấy. Hệ quả là doanh nghiệp vận chuyển bị mất vỏ container, đơn vị quản lý cảng mất chỗ chứa, tốn chi phí mà cơ quan hải quan cũng mệt mỏi”, vị này nói.
Tuy nhiên, hệ quả của tình trạng hàng ngàn container tồn đọng tại cảng không chỉ dừng lại ở góc độ kinh tế như vậy. Bởi lẽ, không ít trong số này là hàng độc hại, ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của những người lao động làm trong cảng cũng như cư dân xung quanh cảng.
Container tồn đọng tăng, tình hình buôn lậu nóng bỏng Theo số liệu ghi nhận tại một số cảng, số lượng container tồn đọng đang có chiều hướng tăng chứ không hề giảm dù cơ quan quản lý liên tục yêu cầu các địa phương báo cáo cũng như tìm giải pháp xử lý. Nguồn tin củaPV nhấn mạnh, thực trạng này cho thấy tình hình buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng diễn biến phức tạp. Không ít các container tồn đọng chứa các sản phẩm điện máy, điện tử đã qua sử dụng (hàng cấm nhập khẩu). “Chủ của các lô hàng này không bỗng dưng, dại dột tự nhập khẩu mà không có được lời đảm bảo từ ai đó. Chỉ là lúc này lời hứa đó đã được rút lại nên hàng hóa mới vô thừa nhận, chủ hàng bỏ của chạy lấy người vậy thôi”, nguồn tin chia sẻ. Vào cuối tháng 9, tại hội nghị triển khai kế hoạch tăng cường kiểm soát chống buôn lậu trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch theo dõi các container hàng đã và đang làm thủ tục nhập khẩu về cảng, kiểm tra kiểm soát chặt chẽ các lô hàng đã quá thời hạn làm thủ tục hải quan, phân tích thông tin để kiểm tra trọng điểm... Trong trường hợp xác định rõ hành vi thì thực hiện khởi tố vụ án. Trong thời gian qua, nhiều chi cục hải quan thuộc Cục Hải quan TP.HCM cũng như nhiều địa phương khác đã liên tục công bố phát hiện nhiều lô hàng cấm. |
Theo TB KTSG