Chảo chống dính model KG 651 được Kangaroo nhập khẩu từ Trung Quốc song mã vạch lại có xuất xứ tại Việt Nam (chụp màn hình trang web của Kangaroo) |
Không chỉ bị tố quảng cáo "thổi phồng", gian dối, Kangaroo còn lập lờ thông tin về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Trong đó, xuất xứ hàng nhập từ Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan) chiếm khoảng 95%.
Sản xuất nhưng chưa đăng ký chất lượng sản phẩm?
Thương hiệu Kangaroo của Công ty TNHH Điện lạnh điện máy Việt Úc, thành lập ngày 18/4/2003 (từ năm 2011 đổi thành Công ty CP Tập đoàn Điện lạnh điện máy Việt Úc).
Thông tin trên trang web chính thức của DN thể hiện, công nghệ xử lý nước tiên tiến đã được ứng dụng vào các sản phẩm của tập đoàn từ những ngày đầu thành lập (2003). Clip giới thiệu về DN cũng cho biết: “Từ 12/6/2003, chỉ với 10 nhân viên và hai dòng máy làm nóng, lạnh nước uống và bình lọc nước màu vân gỗ, Công ty TNHH Việt Úc được thành lập; Từ tháng 5/2005, Kangaroo sản xuất ngành hàng gia dụng sau khi đã khẳng định vị thế dẫn đầu các sản phẩm chủ lực; Năm 2008, ngành hàng thiết bị nhà bếp ra đời; Năm 2011, khánh thành nhà máy có quy mô 600 nghìn m2. Năm 2012, ra mắt hàng loạt các sản phẩm cao cấp thuộc các ngành hàng như cửa, két bạc, bình nóng lạnh…”.
Như vậy, thông tin của Kangaroo dễ làm người tiêu dùng lầm tưởng, những dòng sản phẩm nói trên được DN sản xuất từ những ngày đầu thành lập đến nay.
Tuy nhiên, theo Giấy phép đăng ký kinh doanh được Sở KH&ĐT Hà Nội cấp ban đầu (ngày 18/4/2003), lĩnh vực kinh doanh của công ty chỉ là kinh doanh vận tải, quảng cáo và môi giới thương mại. Ngày 25/5/2012, DN mới bổ sung lĩnh vực kinh doanh bao gồm thương mại, sản xuất, xuất nhập khẩu linh kiện máy móc thiết bị điện, đồ gia dụng, điện tử, viễn thông!
Vậy thực chất thương hiệu Kangaroo có được sản xuất trong nước như cách DN này đang truyền thông khiến người tiêu dùng lầm tưởng? Chất lượng sản phẩm của DN này được kiểm nghiệm ra sao? Trao đổi với PV Báo Giao thông, Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn và hợp quy, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (TCĐLCL) Nguyễn Hoàng Linh cho biết, theo quy định về điều kiện, quy trình đăng ký kiểm nghiệm, công bố chất lượng sản phẩm đối với thiết bị điện - điện tử gia dụng, cơ quan quản lý chất lượng là Bộ KH&CN (cụ thể là Tổng cục TCĐLCL), đối với hàng sản xuất trong nước, phải có chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, gắn dấu CR và ghi nhãn hàng hóa.
Đặt câu hỏi với Chi cục TCĐLCL, Sở KHCN Hưng Yên - nơi nhà máy của Kangaroo đăng ký hoạt động, lãnh đạo Chi cục cho biết, tính đến tháng 9/2015, nhà máy Kangaroo tại đây mới lập 24 bản công bố hợp chuẩn cho duy nhất một dòng sản phẩm là thiết bị điện đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời (kiểu truyền nhiệt).
Như vậy, không hiểu các dòng sản phẩm còn lại mà DN này sản xuất (nếu có) được quảng bá “số 1 Việt Nam” được kiểm nghiệm, công bố chất lượng theo tiêu chuẩn nào và bởi cơ quan nào???
Hàng nhập từ Trung Quốc vẫn mang mã vạch Việt Nam
Không chỉ mập mờ về thông tin nguồn gốc (sản xuất với nhập khẩu), Kangaroo cũng mập mờ về xuất xứ các sản phẩm đang phân phối.
Chẳng hạn, với thiết bị nhà bếp, cụ thể là sản phẩm nồi, trên trang web kangaroo.vn phân loại sản phẩm thành: “Bộ nồi Inox Italy”, “Bộ nồi inox liên doanh” và “Bộ nồi nhôm”.
Để được gắn dấu hợp quy CR, DN sản xuất, nhập khẩu sản phẩm phải được tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định tiến hành đánh giá chứng nhận, nếu phù hợp quy chuẩn, DN được cấp giấy chứng nhận thời hạn không quá 3 năm; phải gắn dấu CR lên sản phẩm trước khi đưa ra lưu thông và phải thực hiện công bố hợp quy tại Chi cục TCĐLCL tỉnh, thành phố.
Trong khi đó, toàn bộ sản phẩm nằm trong bộ nồi liên doanh hay bộ nồi nhôm (được nhập từ Trung Quốc), không có bất kỳ thông tin nào về xuất xứ hàng hóa.
Tương tự như vậy là sản phẩm chảo rán. Cụ thể, có 6 loại chảo đáy mạ màu vàng được Kangaroo ghi rõ xuất xứ Hàn Quốc (made in Korea), được quảng cáo là “chảo kim cương 5D chống dính” với những quảng cáo có cánh, như: Chống dính kim cương nhân tạo và titanium; công nghệ nano; thiết kế bề mặt theo bản quyền… Tuy nhiên, trong mô tả hàng hóa nhập khẩu sản phẩm này (từ Hàn Quốc) chỉ ghi chảo nhôm chống dính xylan, phủ sơn vàng ngoài, tay cầm nhựa…
Các loại chảo khác được nhập khẩu từ Trung Quốc, như model KG 166L, KG 167L, KG 167S, KG 168M, KG 582M, KG 582S… Thông tin về những sản phẩm này ghi mập mờ: chất chống dính xylan (Mỹ), song không ghi xuất xứ sản phẩm. Thậm chí, model KG 651 còn in hướng dẫn sử dụng, trong đó có mã vạch 893 - thể hiện xuất xứ Việt Nam!
Khảo sát tại một số siêu thị điện máy, cửa hàng của Kangaroo, PV Báo Giao thông cũng cho thấy có dòng sản phẩm ghi rõ nước xuất xứ (Đài Loan, Trung Quốc), song cũng có sản phẩm chỉ ghi xuất xứ chính hãng, một số lại không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Chẳng hạn, tại siêu thị điện máy trên đường Hồ Tùng Mậu (Hà Nội), khi PV đặt câu hỏi như thế nào được gọi sản phẩm xuất xứ chính hãng, nhân viên tại đây tư vấn: Đó là những sản phẩm được lắp ráp dưới sự giám sát của chuyên gia Kangaroo Australia?!
Nhập khẩu hơn 24 triệu sản phẩm trong hơn 1 năm trở lại đây Theo thông tin Báo Giao thông nắm được, chỉ tính hơn 1 năm trở lại đây, Kangaroo đã nhập khẩu hơn 24 triệu sản phẩm, bao gồm những sản phẩm DN này đang phân phối và đa phần là sản phẩm hoàn thiện. Tính theo xuất xứ, duy nhất một sản phẩm được nhập khẩu từ Australia là máy bơm nhiệt; Nhập khẩu từ Italia có hai loại sản phẩm là bộ nồi và bộ dao dĩa, song số lượng không đáng kể (dưới 4 nghìn sản phẩm); Hàng nhập từ Hàn Quốc chỉ có hai dòng sản phẩm là máy làm nóng lạnh nước uống, model CS430 và chảo nhôm (trong khi cũng sản phẩm máy làm nóng lạnh nước uống này còn được nhập khẩu từ Trung Quốc). Còn lại, xuất xứ hàng nhập từ Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan) chiếm khoảng 95%. Trong đó, nhập khẩu từ Đài Loan chỉ có một loại sản phẩm là thiết bị lọc nước (bao gồm cả một vài linh kiện như lõi lọc, van, vòi…). Các sản phẩm nhập từ Trung Quốc, từ máy bơm nước, két sắt, máy tạo khí ozon, chậu rửa, quạt điện, tủ lạnh, bếp hồng ngoại, bếp từ, nồi cơm điện, nồi niêu xoong chảo, máy làm sữa chua, máy xay sinh tố… |
Theo Báo Giao Thông