Găng áp lực nợ công
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước mới nhất tiếp tục đưa ra những đánh giá quan ngại liên quan tới việc điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM (tuyến Bến Thành - Tham Lương), do UBND TP.HCM làm chủ đầu tư.
Cụ thể, trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ vào giữa tuần trước do Thứ trưởng Trương Chí Trung ký, Bộ Tài chính đã bác đề xuất của UBND TP.HCM về việc xin áp dụng cơ chế tài chính trong nước cho các dự án metro sử dụng vốn vay ODA đối với phần vốn tăng thêm.
“Nếu thuận theo đề nghị của Thành phố, ngân sách Trung ương phải vay nước ngoài để cấp phát bổ sung cho dự án đối với phần vốn xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt và chi phí khác…, nên sẽ tác động không nhỏ đến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Ngân sách Nhà nước và tỷ lệ công”, ông Trung - thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay nước ngoài khẳng định.
Lãnh đạo Bộ Tài chính kiến nghị áp dụng cơ chế tài chính ngân sách nhà nước cho UBND TP.HCM lại loại toàn bộ phần vốn tăng thêm cho Dự án theo điều kiện vay nước ngoài. Trước đó, trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ hồi đầu tháng 10/2015, UBND TP.HCM đề nghị được áp dụng cơ chế cho vay lại theo nguyên tắc: ngân sách Trung ương cấp phát vốn ODA xây dựng kết cấu hạ tầng dự án và chi phí khác (tư vấn, dự phòng); chủ đầu tư vay lại phần chi mua sắm thiết bị; ngân sách địa phương chi cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng và các nhu cầu đối ứng khác.
Theo tính toán, nếu phải nhận nốt phần tăng thêm cho các hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng của Dự án metro Bến Thành - Tham Lương, ngân sách Trung ương sẽ phải gánh tổng cộng 1 tỷ USD.
Cần phải nói thêm rằng, theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013 cua Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, UBND TP.HCM phải chịu trách nhiệm bố trí vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn khác để thực hiện Dự án đối với phần điều chỉnh tăng thêm tổng mức đầu tư so với quyết định đầu tư ban đầu.
Trước đó, theo báo cáo của lãnh đạo TP.HCM, trong lần điều chỉnh Dự án lần thứ hai, dù không làm thay đổi phạm vi, quy mô, mà chỉ điều chỉnh thiết kế các nhà ga ngầm, thay đổi, tối ưu hóa giải pháp gia cố đất nền…, nhưng tổng mức đầu tư của Dự án vẫn sẽ tăng từ 1.374,5 triệu USD lên 2.074,8 triệu USD, trong đó, chi phí xây dựng và mua sắm tăng từ 740,56 triệu USD lên 1.242 triệu USD (tăng 67,76%).
Cần người chịu trách nhiệm
Với tư cách là cơ quan quản lý ngân sách, Bộ Tài chính đề nghị UBND TP.HCM xác định rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan và làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư để xem xét, giải quyết theo quy định.
Theo một chuyên gia, mặc dù xuất hiện những nguyên nhân bất khả kháng, nhưng với việc để tổng mức đầu tư Dự án phát sinh hơn 700 triệu USD…, chủ đầu tư công trình cũng phải chịu trách nhiệm cho sự yếu kém trong việc kiểm soát chi phí đầu tư công trình.
Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về đề nghị điều chỉnh Dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặc biệt lưu ý đến việc đội chi phí rất lớn tại 2 gói thầu xây lắp của Dự án là: CP3 (hầm và các nhà ga ngầm) tăng từ 403,79 triệu USD lên 773,99 triệu USD, tăng 91,68%; CP4 (cầu cạn, nhà ga trên cao…) tăng từ 21,17 triệu USD lên 65,56 triệu USD (tăng 209,68%). Đây là mức tăng được cho là rất lớn, nhất là khi dự án này mới vừa được điều chỉnh lại cách đây 2 năm (2013).
Thống kê sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, chi phí đầu tư bình quân cho 1km metro ở một số nước trên thế giới (quy đổi theo giá năm 2012): Pháp 93,98 triệu USD (93% ngầm), Italy 98,87% (100% ngầm), Hàn Quốc 80,74 triệu USD (80% ngầm), Chile 99,01 triệu USD/km…
“Suất đầu tư trung bình của Dự án điều chỉnh cao hơn khoảng 1,9 lần là quá cao”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung nhận định.
Là tuyến metro quan trọng nhất của TP.HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương có điểm đầu tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) và điểm cuối ở Bến xe An Sương (quận 12), với năng lực vận chuyển lên tới 481.700 người/ngày vào năm 2025. Ngoài chi phí đầu tư bị đội lên rất mạnh, thời điểm khai thác tuyến metro đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú dự kiến phải lùi thêm ít nhất 4 năm (năm 2022). Trong khi đó, Dự án lẽ ra phải hoàn thành vào cuối năm 2016, nếu chiểu theo Quyết định số 4474/QĐ -UBND do UBND TP.HCM phê duyệt.
“UBND TP.HCM cần rà soát tiến độ triển khai thực hiện từng gói thầu của Dự án và có các giải pháp quản lý để tránh tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện, có thể làm tăng tổng mức đầu tư do tăng chi phí quản lý, lãi vay, rủi ro tỷ giá và biến động giá xây dựng”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung kiến nghị.
Theo Báo Đầu Tư