Cộng đồng LGBT (viết tắt của các từ tiếng Anh gồm Lesbian (đồng tính luyến ái nữ), Gay (đồng tính luyến ái nam), Bisexual (song tính luyến ái nam hoặc nữ), Transsexual/Transgender (hoán tính/người chuyển giới). |
Quyền phải chờ luật
Theo Bộ trưởng Cường, việc thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính trong Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi là bước tiến quan trọng. Vì đến thời điểm này ở châu Á cũng có rất ít nước thừa nhận quyền chuyển giới. “Việc chúng ta công nhận là sự thay đổi tư duy lớn về công nhận quyền của một nhóm người vốn chiếm số lượng không lớn trong xã hội. Quy định đó cũng là thể hiện tinh thần của Hiến pháp 2013 tôn trọng quyền con người. Cái gì của con người cũng gần gũi với mình, dù người ta là thiểu số”, ông Cường nói.
Tuy nhiên, ông Cường khẳng định, BLDS là luật nền của tất cả luật liên quan đến quan hệ dân sự kinh tế, thương mại, gia đình… Vì thế không thể quy định tất cả những vấn đề cụ thể liên quan đến việc chuyển giới, như điều kiện, cách thức, kỹ thuật chuyển giới, chăm sóc sức khỏe người chuyển giới... “Theo BLDS (sửa đổi), Việt Nam thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính, nhưng thực thi quyền thì phải chờ luật, tức là việc chuyển đổi giới tính hiện nay vẫn chưa được phép. Đây là bước mở ra để đạo luật riêng về vấn đề chuyển giới được xây dựng, ban hành. Khi nào luật đó có hiệu lực thì việc chuyển giới mới được thực hiện”, ông Cường khẳng định.
Ông Ngô Văn Minh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật khi thảo luận về vấn đề trên, cho rằng, để tránh tình trạng quyền chuyển đổi giới tính bị “treo” thì BLDS nên quy định theo hướng, việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật, chứ không nhất thiết phải theo luật. Bởi nếu theo luật thì phải mất thời gian rất dài để nghiên cứu, thảo luận và trình QH xem xét thông qua trong hai kỳ họp. Còn nếu theo pháp luật thì chỉ cần Chính phủ ban hành Nghị định hoặc các văn bản hướng dẫn là quyền chuyển đổi giới tính được thực thi ngay.
Tuy nhiên, theo ông Minh, sau khi xem xét cân nhắc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc chuyển đổi giới tính theo luật. “Chỉ khi QH ban hành Luật về chuyển đổi giới tính thì các cá nhân mới được thực hiện quyền trên. Như thế, có nghĩa là, tới 1/1/2017, nếu QH chưa ban hành luật về chuyển đổi giới tính thì quyền chuyển đổi giới tính ở trong nước vẫn sẽ bị treo”, ông Minh nói.
Có luật mới hạn chế được hệ lụy
Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, việc chuyển đổi giới tính liên quan đến quyền và nhiều quy định khác cần phải thực hiện theo luật để bảo đảm chặt chẽ, khoa học. “Chỉ có luật riêng về chuyển đổi giới tính mới quy định được đầy đủ các vấn đề về chuyên môn, kỹ thuật, y học... để bảo đảm người được chuyển giới phải thành công. Luật cũng sẽ có quy định hạn chế, quy định cấm để làm sao xã hội không loạn, nhất là thanh niên, thiếu niên chưa nhận thức đầy đủ về hệ lụy của vấn đề này mà nhiều khi theo đà, theo phong trào làm thì rất nguy hiểm”, ông Cường nói.
Ông Cường cũng bày tỏ niềm tin rằng, khi BLDS (sửa đổi) đã chính thức công nhận quyền chuyển đổi giới tính thì chắc chắn nhiệm kỳ QH tới phải có luật quy định về vấn đề này. “Tháng 7/2016 tới, QH khóa mới họp sẽ bàn về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Chắc chắn nếu bộ chuyên ngành không đề xuất, Bộ Tư pháp cũng sẽ làm. Tôi tin rằng nhiệm kỳ QH khóa XIV sẽ phải làm vấn đề này. Bởi nếu không làm thì sẽ đẩy quyền chuyển đổi giới tính vào chỗ bị treo”, ông Cường nói.
Theo Tiền Phong